Cú hích mới của ngành tôm giống bố mẹ
Sau nhiều thách thức về dịch bệnh và bất ổn của thị trường, tôm thẻ chân trắng đang dần đánh mất thế thượng phong. Nhiều quốc gia quay trở lại với con tôm sú, tạo cú hích mới cho ngành tôm giống bố mẹ sạch bệnh.
Cú hích mới cho ngành tôm giống bố mẹ sạch bệnh
Khởi sắc
Tại Việt Nam, nông dân giảm dần diện tích nuôi tôm sú để chuyển sang tôm thẻ. Năm 2017, sản lượng tôm sú chỉ chiếm 30 - 40% tổng sản lượng tôm của cả nước. Dù vậy, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống sản xuất tôm sú sinh thái ở ĐBSCL với mật độ nuôi thấp 20 - 30 con/m2, thu hoạch tôm khi đạt cỡ 30 - 40 con/kg sau 4 - 5 tháng nuôi; tỷ lệ sống đạt mức khá 70 - 80%. Một số nông dân thả nuôi tôm giống của hãng Moana Technologies và đã thu hoạch tôm 30 con/kg sau 4 - 5 tháng nuôi. Nhiều chuyên gia dự báo, nghề nuôi tôm sú có thể khởi sắc nhờ nguồn tôm giống sạch bệnh; đây cũng là động lực cho nhiều trang trại tại Đông Nam Á chuyển sang tôm sú.
Sản lượng tôm sú tại Ấn Độ đạt 50.000 tấn năm 2014, sau đó giảm xuống 27.450 tấn vào năm 2015 và 21.000 tấn vào năm 2016. Tại Aquaculture 2018, ngành tôm Ấn Độ báo cáo sản lượng tôm sú 2017 đạt 38.000 tấn và kỳ vọng 40.000 tấn vào năm 2018. Tôm sú chủ yếu được nuôi trong các ao truyền thống tại Tây Bengal, Odisha và Kerala. Tuy nhiên, khó khăn chính của ngành tôm sú Ấn Độ là tỷ lệ sống không cao mặc dù nguồn cung tôm bố mẹ sạch bệnh luôn sẵn có từ các công ty như Moana Techonologies, Trung tâm NTTS Rajiv Gandhi (RGCA), Aqualma ở Madagasca, iAqua International và gần đây là C.P. Thái Lan. RGCA, hỗ trợ mảng NTTS của Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đã bắt đầu tiếp thị tôm bố mẹ gia hóa và sạch bệnh từ năm 2015. Sản lượng tôm sú giống của Ấn Độ cũng giảm từ 1,9 tỷ con giống/năm trong năm 2015 xuống 1 tỷ con giống/năm vào năm 2017.
Tuy nhiên, sau khi ngành tôm thẻ gặp nhiều biến cố trong năm 2018, nhiều người nuôi tôm tại Ấn Độ đã chuyển sang tôm sú. Tại Đài Loan, TS Grace Chu Fang Lo,Viện Công nghệ sinh học, Đại học Đài Loan đang đặt mục tiêu hồi sinh ngành tôm sú châu Á, bắt đầu ở Đài Loan. Bà đang phát triển giống tôm sạch bệnh và kháng bệnh đốm trắng và kỳ vọng nuôi thử nghiệm trong ao vào năm nay.
Nhiều kợi thế
Trong khi tôm thẻ rớt giá thảm hại thì giá và nhu cầu tiêu thụ tôm sú vẫn luôn ổn định. Tại Mỹ, chỉ số giá tôm sú tại Urner Barry cho thấy giá sản phẩm này luôn duy trì ở mức cao suốt những tháng đầu năm 2017 (8,80 USD/pound). Nhật Bản, châu Âu là thị trường truyền thống của tôm sú. Gần đây, thị trường Trung Quốc cũng nổi lên như một điểm đến tiềm năng mới của tôm sú Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.
Tại châu Âu, Bangladesh là nước cung cấp tôm sú chính cho Anh - thị trường lớn nhất trong châu Âu với tỷ lệ 23%. Số lượng các hãng cung cấp tôm sú từ Bangladesh vẫn luôn tăng cao. Năm 2017, nhiều báo cáo cho thấy châu Âu kỳ vọng nhập khẩu tôm sú Myanmar khi một số thủ tục hành chính được hoàn tất. Báo cáo cho thấy các nhà nhập khẩu châu Âu đặc biệt chú trọng tôm sú bền vững. Hiện có 8 công ty Việt nam và 2 trại nuôi tôm sú tại Indonesia được chứng nhận FOS. Những sản phẩm tôm sú đạt chứng nhận ASC cũng đã xuất hiện tại thị trường Scandinavia vào cuối năm 2014. Ngoài ra, có 5 trại nuôi tôm sú đạt chứng nhận ASC, 4 ở Việt Nam và 1 ở Madagasca.
Trước đây, sản lượng tôm sú của Malaysia chỉ đạt 6.000 tấn/năm nhưng cũng đã tăng lên 9.000 - 10.000 tấn vào năm 2017, tương đương 27% tổng sản lượng tôm biển tại nước này. Trước năm 2017, nguồn tôm sú giống chủ yếu từ Moana Technologies và Madagasca. Gần đây, Malaysia đã tự sản xuất tôm sú giống từ tôm bố mẹ sạch bệnh SFP của C.P. Thái Lan hoặc Moana. Các hộ nuôi tôm sú tại đây cho biết, dù thực hiện một số thay đổi như tăng cường trao đổi nước, làm sạch bùn thải và giảm mật độ nuôi nhưng hầu hết các trại nuôi tôm thẻ vẫn thất bại, tỷ lệ sống trung bình dưới 50%. Nhận thấy không quản lý tốt nuôi tôm thẻ, nên Malaysia đã quay lại tôm sú. Với tỷ lệ thả nuôi thấp hơn, chi phí sản xuất cũng giảm xuống 22,7 MYR/kg (5,8 USD/kg), nuôi tôm sú đã cho lợi nhuận cao hơn tôm thẻ. Trong khi, giá bán tôm thương phẩm đạt 35 MYR/kg (8,9 USD/kg) với cỡ 30 con/kg.
Bangladesh là quốc gia kiên trì nuôi tôm sú ngay cả khi các nước láng giềng đều đổ xô theo trào lưu tôm thẻ. Mặc dù kêu gọi nuôi tôm thẻ, nhưng Chính phủ lại không cấp phép nhập khẩu tôm thẻ bố mẹ mà chỉ cấp phép cho một trại giống duy nhất nhập khẩu tôm sú bố mẹ sạch bệnh. Do đó, đến nay, ngành nuôi tôm sú tại Bangladesh vẫn phát triển ổn định. Tại Bangladesh, trại giống MKA Hatchery tại Cox’s Bazar đang sử dụng tôm sú bố mẹ sạch bệnh từ Moana, Hawaii. Năm 2017, công ty này đã sản xuất được 180 triệu tôm giống và bán 8.000 USD/triệu giống cho các hộ thuần nông và 12.300 USD/triệu PC cho các trại nuôi thâm canh. Năm 2017, sản lượng tôm sú tại Bangladesh đạt 50.000 tấn; giá tôm sú mua tại ao cao hơn năm trước đó, đạt 14,80 USD/kg tôm sú nguyên con cỡ 50 g (HOSO); 10,50 USD/kg tôm cỡ 33 g và 9 USD/kg tôm cỡ 20 g vào cuối năm.
Hóa giải thách thức
Chi phí đầu vào để vận hành trại nuôi tôm sú vẫn đang tăng từ năm 2016. Ước tính 50% tôm sú giống được thả nuôi ở các trại quảng canh tiềm ẩn virus gây bệnh đốm trắng dẫn đến tỷ lệ sống của tôm rất thấp. Các loại vi khuẩn vibrio và các nguyên nhân làm tôm tử vong do stresss cũng dẫn đến tổn thất nặng nề cho nhiều trại nuôi quảng canh.
Mối lo ngại tiếp theo là sự phụ thuộc quá lớn vào tôm sú bố mẹ tự nhiên như tại Bangladesh. Người dân chủ yếu nuôi tôm sú trong những cánh đồng nước cạn đã cải tạo thành ao (ghers). Ước tính, có khoảng 216.000 ha ao nuôi và nuôi ít nhất 1 vụ tôm sú trong năm. Mỗi hộ nông dân quản lý không quá 1 ha. Hầu hết các chủ ao đều luân canh tôm - lúa hoặc nuôi ghép với các loài cá khác và tỷ lệ sống của tôm không quá 20%. Dịch bệnh bùng phát thường xuyên nên sản lượng trung bình chỉ 300 kg/ha/năm.
Tại Malaysia, dịch bệnh như virus đốm trắng (WSSV) và đen mang ở tôm sú vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhà nông. Mật độ thả dao động 30 - 45 con/m2, sản lượng 5,5 tấn/0,4 ha nhưng nhiều nguồn tôm giống khác nhau dẫn đến tốc độ tăng trưởng không đồng đều. Tại Hôi nghị NTTS châu Á Thái Bình Dương 2017, ông Mohamad Fariduddin, Viện Nghiên cứu Thủy sản Malaysia cho biết, khi thu hoạch được tôm sú đạt cỡ 40 - 45 con/kg, các trại nuôi tại đây sẽ tăng dần mật độ lên 50 -70 con/m2 với nguồn tôm giống được sản xuất từ tôm bố mẹ sạch bệnh để đạt tỷ lệ sống trên 80% và sản lượng trung bình 10 tấn/ha/vụ sau 4 tháng nuôi. Nút thắt về sản lượng của ngành tôm sú cũng là một trong những trở ngại lớn nhất, nhưng sẽ dần được gỡ bỏ nếu chất lượng nguồn cung tôm post được đảm bảo.
>> Năm 2017, sản lượng tôm sú nuôi tại nhiều quốc gia châu Á giảm. Ước tính, sản lượng tôm sú Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan chỉ dao động 275.000 - 319.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm. Dự báo, ngành tôm sú năm 2018 cũng sẽ không có nhiều chuyển biến.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh mang Amip (AGD) trở thành một trong những thách thức sức khỏe toàn cầu quan trọng nhất mà các nhà sản xuất cá hồi phải đối mặt trong thập kỷ qua.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Thanh Mai ở xóm 16, xã Nghĩa Thuận
Hiện nay, phong trào nuôi lươn đồng phát triển khá phổ biến nhưng hầu hết chưa chủ động được nguồn con giống, vẫn phải mua giống được đánh bắt từ thiên nhiên