Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Hiệu quả mô hình nuôi lươn dưới tán dừa

Hiệu quả mô hình nuôi lươn dưới tán dừa
Tác giả: Nguyễn Trung
Ngày đăng: 03/11/2018

Anh Đặng Văn Hoàng (đứng giữa) giới thiệu mô hình nuôi lươn của gia đình. Ảnh: Nguyễn Trung

Hiện nay, phong trào nuôi lươn đồng phát triển khá phổ biến nhưng hầu hết chưa chủ động được nguồn con giống, vẫn phải mua giống được đánh bắt từ thiên nhiên. Loại giống này thường bị câu hay chích điện dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao, lươn sinh sản kém, chậm lớn. Mới đây, anh Đặng Văn Hoàng, ấp Tân Quí, xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri đã thành công trong việc nhân giống lươn đồng dưới tán dừa.

Anh Đặng Văn Hoàng cho biết, do đời sống kinh tế khó khăn, năm 1991, anh và gia đình đến lập nghiệp tại vùng kinh tế mới xã Tân Mỹ. Bước đầu, gia đình anh thuê 7.000m2 đất của Ủy ban MTTQ huyện để phát triển sản xuất. Để động viên khuyến khích gia đình anh, đơn vị cho thuê không thu tiền thuê trong 3 năm đầu.

Trước khi đến với nghề nuôi lươn sinh sản, trên 7 công đất xung quanh nhà được anh trồng lúa, mía, chuối và xen cây dừa. Nhờ miệt mài chăm sóc nên mảnh vườn luôn cho thu hoạch cao, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định và không ngừng phát triển.

Không dừng lại với việc phát triển vườn chuyên canh, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển mới trên mảnh đất hiện hữu của mình, anh Hoàng đã quyết định đầu tư thêm nghề nuôi lươn sinh sản. Năm 2014, qua tìm hiểu chương trình khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh đầu tư xây dựng mô hình. Bước đầu, mô hình của anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 200kg lươn giống và 30% chi phí thức ăn.

Dưới tán vườn dừa, anh Hoàng xây dựng 150 bể, quy cách 1m x 2m, dưới đáy lót bạt chứa bùn để thả lươn giống. Theo anh Hoàng, trọng lượng lươn cái sinh sản khoảng 100 gam/con là thời kỳ lươn đẻ năng suất cao nhất, bình quân anh vớt gần 1.000 lươn con/ngày. Sau đó anh tiếp tục nuôi 1,5 - 2 tháng là bán lươn giống với giá từ 2.000 - 12.000 đồng/con. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Hoàng cung ứng cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông từ 10 - 20 ngàn lươn con, hàng trăm ký lươn thịt và lươn giống bố, mẹ. Mỗi năm, anh thu nhập trên 200 triệu đồng.

Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Vinh, mô hình nuôi lươn của anh Đặng Văn Hoàng rất hiệu quả, điều kiện nhân rộng mô hình này rất khả quan. Lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với nông dân tiến hành rà soát và nhân rộng mô hình, nhằm tạo điều kiện để các nông hộ có diện tích đất ít phát triển kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Vai trò của sốc đối với bệnh Cá Vai trò của sốc đối với bệnh Cá

Sốc làm giảm sức đề kháng tự nhiên của cá nhằm chóng lại các tác nhân gây hại xâm nhập.

02/11/2018
Bệnh mang Amip (AGD): Hướng dẫn thực tế - phần 1 Bệnh mang Amip (AGD): Hướng dẫn thực tế - phần 1

Bệnh mang Amip (AGD) trở thành một trong những thách thức sức khỏe toàn cầu quan trọng nhất mà các nhà sản xuất cá hồi phải đối mặt trong thập kỷ qua.

03/11/2018
Lãi cao từ nuôi cá trắm, chép giòn Lãi cao từ nuôi cá trắm, chép giòn

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Thanh Mai ở xóm 16, xã Nghĩa Thuận

03/11/2018