Giải pháp nuôi thủy sản ứng phó hạn, xâm nhập mặn
Theo đó đối với nuôi tôm nước lợ, trường hợp nuôi thâm canh, bán thâm canh cần gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và trong quá trình nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường nuôi ổn định.
Đồng thời phổ biến, hướng dẫn người nuôi lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm thẻ: < 80 con/m2; tôm sú: 10 - 15 con/m2)…
Tổng cục Thủy sản cũng nhấn mạnh cần cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ, từ 10 - 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3 - 1,5m. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ.
Trường hợp nuôi quảng canh cải tiến, cần tập trung gia cố bờ bao, cống để tăng khả năng giữ nước. Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao đầm nuôi khi mực nước cao ở các tuyến kênh. Thả giống với mật độ phù hợp và cần được ương đạt kích thước 1,5 - 2 cm (nuôi chuyên tôm: mật độ thấp hơn 10 con/m2; nuôi kết hợp cua, cá…: mật độ 1 - 3 con/m2).
Đối với nghêu, ngao, chỉ nuôi trong vùng có điều kiện môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển như: gần cửa sông (bổ sung dinh dưỡng), bằng phẳng, độ dốc thấp và ít sóng gió; độ mặn thích hợp từ 15 - 25%... Khuyến cáo người dân không thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi từ tháng 1 - 3 âm lịch. Mật độ thả từ 80 - 200 con/m2; cỡ giống nuôi từ 400 – 600 con/kg.
Người nuôi cần có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, gây nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa làm nghêu, ngao chết. Nếu phát hiện nghêu, ngao chết trên bãi, lập tức thu gom để tránh ảnh hưởng sang các cá thể còn sống.
Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra giải pháp đối với một số đối tượng nuôi nước ngọt. Cụ thể người nuôi cần theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 1/4, Sở NN&PTNT lấy ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014/QĐ- UBND ngày 3/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành quy định sên, vét đất, bùn trong cải tạo ao đầm nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tràn lan có nguyên do một phần là hệ thống nhân viên quảng cáo, marketing... của các công ty kinh doanh thuốc thú y, thủy sản lan rộng tới từng ao nuôi. Trong khi đó, một số hộ nuôi thiếu kiến thức nên nghe ai mách gì dùng nấy cho tôm, cá...
Để người dân chủ động trong sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dịch vụ gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo nồng độ mặn.