Giải Pháp Đực Hoá Cá Rô Phi Đơn Tính
Cùng với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và cá ba sa, cá rô phi là một trong những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn để xuất khẩu.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng cá rô phi tập trung với quy mô khá lớn. Từ đó, nhu cầu về nguồn cá giống ngày càng cao; bình quân mỗi năm cần tới hơn 30 triệu con giống...
Nhu cầu lớn là vậy, nhưng khả năng đáp ứng của các trung tâm gây tạo giống cá rô phi trên địa bàn tỉnh lại rất thấp. Chính vì thế, người dân chủ yếu tự tìm hiểu và đặt mua con giống trôi nổi từ nhiều nguồn khác nhau, rất khó quản lý về chất lượng và kiểm dịch.
Trước thực tế này, Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã triển khai thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp lai tạo giống cá rô phi. Chẳng hạn như phương pháp lai xa, phương pháp cho cá bột ăn thức ăn có trộn hóc môn trong vòng 21 ngày v.v.. Tuy nhiên, hiệu quả của những giải pháp này vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm, năm 2013, Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã thực hiện thành công giải pháp cải tiến quy trình đực hoá cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hóc môn 17a - Methyltestosterone (MT). So với cá rô phi cái, cá rô phi đực có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn, như tốc độ tăng trưởng, kích cỡ thương phẩm lớn, không sinh sản nên không tạo ra đàn cá con cạnh tranh thức ăn cũng như môi trường sống với đàn cá nuôi thương phẩm…
Lợi dụng đặc điểm này, những người nghiên cứu đề tài đã dùng hóc môn sinh dục đực để tác động lên quá trình biệt hoá giới tính đực để thu thế hệ cá con toàn đực bằng phương pháp ngâm cá trong túi nước pha MT có bơm oxy.
Sau thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, giải pháp này được đánh giá là có hiệu quả, lại đơn giản. Anh Vũ Công Tâm, Trưởng nhóm thực hiện đề tài, chia sẻ: “Bắt đầu thai nghén đề tài từ năm 2011 và đưa vào thử nghiệm từ năm 2012, đến nay giải pháp cải tiến quy trình đực hoá cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hóc môn 17a - Methyltestosterone đã thành công bước đầu.
Với giải pháp này, tỷ lệ đực hoá cá rô phi tăng tới gần 95%, đồng thời cũng tăng tỷ lệ sống cho cá ương, cá giống lên đến 93-95%. Cá con ương nuôi trong ao rộng sẽ tận dụng được thức ăn tự nhiên và không gian sống nên lớn nhanh, tỷ lệ sống và hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, phương pháp này có thời gian thực hiện ngắn, liều MT sử dụng thấp, công nhân không phải tiếp xúc trực tiếp với hoá chất, nên an toàn cho cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất...”.
Cũng theo như anh Tâm cho biết, xét về tính khả thi, giải pháp đực hoá cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hóc môn 17a - Methyltestosterone đòi hỏi một số chủng loại vật tư không thông dụng và điều kiện kỹ thuật đặc biệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nó lại rất dễ áp dụng, có thể làm đại trà bằng nguồn cá sinh sản tại ao, không phải thu và ấp trứng nên có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hoá lớn cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh cho biết, đây là một trong những cách nhân giống lần đầu tiên được thực hiện ở Quảng Ninh đạt được kết quả vượt trội. So với những phương pháp trước đây, cách làm này đã rút ngắn quy trình thực hiện, giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ sống, đồng thời nâng cao sản lượng thu hoạch cá trong quá trình sản xuất.
Không những thế, giải pháp đực hoá cá rô phi còn tạo ra lượng con giống phong phú, đủ cung ứng cho người dân nuôi trồng trên địa bàn tỉnh, thậm chí còn bán ra các tỉnh, thành trên cả nước. Với quy trình đực hoá cá rô phi bằng phương pháp ngâm trong nước có pha hóc môn 17a - Methyltestosterone, thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ sản xuất được từ 100-120 triệu con giống cá rô phi/năm...
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trong năm 2013, diện tích mặt nước nuôi tôm và các loài thủy sản nước lợ toàn huyện đạt 970 ha, bằng 99,47% kế hoạch năm, tăng 0,32% so với cùng kỳ. Các diện tích nuôi tôm tập trung tại các xã khu Đông của huyện, gồm Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận. Trong đó, diện tích nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh gần 100 ha; nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ghép các đối tượng thủy sản khác (tôm, cá, cua, hàu)… theo phương thức thân thiện với môi trường 870 ha.
Huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) là địa phương có số lượng đàn bò lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, vận động người dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng tổng đàn.
Tại thôn 8, xã Hòa Sơn, UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã tổ chức Hội nghị đánh giá và nhân rộng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh trên địa bàn huyện. Tham dự hội nghị có đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học Trường Đại học Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo 14 xã, thị trấn và đông đảo người chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Krông Bông.
Gần 20 năm cần mẫn với nghề nuôi bò sữa đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (55 tuổi), ngụ tại ấp Chánh Lộc, xã Chánh Mỹ, TP.TDM (Bình Dương) ổn định kinh tế.
Các cơ quan chức năng Quảng Trị đang nỗ lực phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã ở huyện Gio Linh. Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh đã xuất hiện thêm 43 con trâu, bò nhiễm bệnh, nâng tổng số gia súc bị nhiễm bệnh đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh là 278 con.