Giải pháp đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Trước thực trạng đó, hiện nay người dân đang tích cực đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi khoa học, đúng tiêu chuẩn, qua đó từng bước hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả nuôi trồng.
Xã Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 186,2 ha. Toàn bộ diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở vùng nuôi tôm công nghiệp và HTX Lộc Thủy. Sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt từ 800 tấn đến 1000 tấn/năm, nghề nuôi tôm thực sự đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Mặc dù nghề nuôi tôm thời gian gần đây phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật của người nuôi và mức độ thâm canh ngày càng cao nhưng ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng cách trong nuôi tôm chưa cao.
Việc dập dịch, xử lý chất thải trong nuôi tôm trước khi thải nước ra môi trường chưa được người dân quan tâm nên đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái ven biển, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát và làm giảm hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm.
Vùng nuôi tôm VietGap tại HTX Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu - Nghệ An).
Ông Hoàng Xuân Tin, Chủ nhiệm HTX Lộc Thủy cho biết: HTX hiện có 80 ha nuôi tôm, trong đó quy hoạch gần 40 ha nuôi theo quy trình VietGAP. Do được đầu tư, hỗ trợ về kinh phí nên hầu hết các hộ nuôi trong vùng tôm VietGAP đều có hệ thống ao nuôi đạt tiêu chuẩn, có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng nên đảm bảo tốt vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, những diện tích nuôi tôm còn lại do chỉ dùng chung một hệ thống kênh cấp, kênh thoát, không có hệ thống xử lý nước thải nên việc xả nước thải tràn lan ra các dòng sông là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, UBND xã Quỳnh Bảng đã tuyên truyền cho các hộ dân cần tuân thủ đúng quy trình nuôi tôm; giao trách nhiệm cho ban quản lý, chủ nhiệm HTX vùng nuôi tôm cần theo dõi, kiểm tra việc xả nước ra ngoài của từng hộ nuôi. Ông Vũ Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: “Để nuôi tôm phát triển, nguồn nước phục vụ cho nuôi tôm có vai trò hết sức quan trọng.
Hiện nay, bà con đang sử dụng nguồn nước cùng cấp, cùng xả từ sông Mai Giang. Chính vì dùng chung một hệ thống kênh cấp, kênh thoát và không có hệ thống xử lý nước thải riêng nên dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.
Để hạn chế tình trạng xả nước thải tràn lan, không đúng quy trình, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường; khi có dịch bệnh phải báo tin với địa phương để có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, địa phương đang có đề xuất phương án lên cấp trên về việc sẽ dùng hệ thống đường ống dẫn nước từ biển về các hồ nuôi tôm, qua đó hạn chế được dịch bệnh, nguồn nước được đảm bảo sạch để tôm phát triển”.
Trong nuôi tôm, việc đảm bảo nguồn nước sạch là khâu quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại vụ nuôi. Xã Quỳnh Thanh hiện có 75 ha nuôi tôm, trong đó vùng nuôi tôm VietGAP được quy hoạch gần 30 ha. Quá trình triển khai theo mô hình nuôi tôm này, ông Trần Thường, ở xóm 14, cho biết: Gia đình có hơn 3 ha ao nuôi tôm, trong đó hơn 1 ha quy hoạch nuôi tôm VietGAP.
Xác định nguồn nước có vai trò rất lớn đến sự phát triển của tôm nên gia đình ông dành 15 - 20% tổng diện tích để xây dựng 3 ao lắng, xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi bơm vào hồ nuôi.
Ngoài ra, có các hệ thống mương cấp, mương thoát nước riêng biệt đảm bảo đủ nước sạch đáp ứng nhu cầu nuôi. Quan trọng hơn, gia đình ông có 1 hệ thống ao chứa bùn để chứa nước thải sau khi thu hoạch tôm, thông qua ao chứa này để xử lý nguồn nước sau đó mới cho xả ra ngoài môi trường.
Với hơn 1 ha nuôi tôm VietGAP, trong vụ thu hoạch tôm vụ 1 vừa qua, sản lượng tôm của gia đình đạt năng suất gần 4 tấn, cao hơn từ 0,5-1 tấn so với diện tích ao nuôi thường. “Để tôm đạt năng suất cao, người nuôi tôm cần bám nắm khoa học kỹ thuật, trong đó việc đảm bảo nguồn nước sạch cho nuôi tôm là cần thiết. Nên lựa chọn những ngày không mưa, con nước cao nhất để lấy được nước sạch hơn, ít phù sa và độ mặn cao.
Nước lấy vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp, để lắng 3 - 4 ngày. Không lấy nước vào ao lắng khi nước ngoài kênh mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh và nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm”, ông Thường chia sẻ.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 2.200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 573 ha (tôm: 463 ha và ngao 108 ha), còn lại nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các khu vực sông, suối, hồ đập. Để góp phần bảo vệ môi trường biển, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo:
Đối với người nuôi tôm và các đối tượng nuôi thủy sản nước lợ trong ao, không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh dạng nguyên liệu mà chỉ dùng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Sử dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm, để giảm bớt chất thải do phân, thức ăn dư thừa, dư lượng các loại hóa chất, kháng sinh trong ao tôm, từ đó, giảm lượng chất thải thải ra môi trường sông, rạch tự nhiên khi cải tạo ao nuôi.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe, quản lý tốt lượng thức ăn hàng ngày của thủy sản nuôi, tránh tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa, làm tăng lượng chất thải trong ao nuôi, bởi lượng thức ăn dư thừa sẽ tích tụ xuống đáy ao làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Cần đầu tư hệ thống ao xử lý nước thải để xử lý nước ao nuôi thủy sản sau khi thu hoạch hay bị dịch bệnh trước khi xả nước trong ao nuôi ra môi trường, với diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Do đó, người dân vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cần tuân thủ kỹ thuật để bảo đảm cho các vụ nuôi thành công.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nhằm góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch theo hướng khép kín. Từ đó giúp nông dân giảm thất thoát lúa, kéo dài thời gian trữ lúa, đảm bảo phẩm chất hạt lúa và tăng mức cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Nếu như tổng xuất siêu của cả ngành nông nghiệp nước ta tính đến hết tháng 11/2014 đạt 8,2 tỷ USD thì xuất siêu từ riêng ngành thủy sản đã chiếm hơn 5 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến thời điểm hiện nay đã đạt 7,2 tỷ USD và dự kiến sẽ cán đích 7,8 tỷ USD trong năm 2014.
Anh Nguyễn Văn Tới, ấp Nam, đang chăm sóc 2 công rau cho biết, anh vừa mới thu hoạch được trên 1 tấn rau tía tô, bán với giá 11.000 đồng/kg. Trước đó, anh thu hoạch ngò gai cũng bán được giá cao. “Với giá này, người trồng rau đảm bảo có lời” - anh Tới phấn khởi nói.
Từ phong trào này, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và có trên 60% số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, kinh doanh tổng hợp. Các hội viên SXKD giỏi đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn.
Ngay sau khi nhà máy chế biến sơ ri được khởi công, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Văn Thông, người gắn bó cả đời với cây sơ ri Gò Công; đồng thời là Chủ nhiệm HTX Sơ ri Bình Ân (Gò Công Đông).