Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Giải pháp bảo vệ lúa hè thu đầu vụ

Giải pháp bảo vệ lúa hè thu đầu vụ
Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục BVTV Bến Tre
Ngày đăng: 20/04/2017

Trong sản xuất lúa, vụ Hè Thu là vụ lúa đầy khó khăn, thách thức vì thời tiết bất lợi: đầu vụ nắng hạn xì phèn, cuối vụ lúa trổ gặp mưa bão. Vì thế, để bảo vệ năng suất lúa Hè thu, đòi hỏi người nông dân phải quan tâm chăm sóc lúa ngay từ khâu đầu như làm đất, gieo sạ, thời vụ,…vì đây là giai đoạn cơ bản tạo cây lúa khoẻ cho năng suất cao.

Vậy để có một vụ lúa Hè Thu thắng lợi, người nông dân cần chú ý những vấn đề sau:

- Thời gian gieo sạ: Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, cần có thời gian cách ly tối thiểu 20 ngày trước khi xuống giống Hè Thu. Đây là điều kiện rất cần thiết để cắt đứt nguồn sâu bệnh vụ trước, hơn nữa Hè thu là vụ dễ dàng thực hiện vì sản xuất lúa Hè Thu chỉ bắt đầu khi mưa xuống. Không nên vội vàng xuống giống khi trời bắt đầu mưa mà nên chờ mưa đều mới gieo sạ. Ngoài ra, thời điểm gieo sạ cũng phải tuân thủ theo lịch né rầy của địa phương nhằm hạn chế rầy nâu chích hút giai đoạn lúa còn nhỏ có khả năng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ảnh hưởng nghiêm trọng năng suất.

- Cày ải: nên làm đất sau khi thu hoạch Đông Xuân khi mặt đất vừa cứng lại. Cày ải vừa ngăn được lừng phèn, lừng mặn vừa diệt được một số cỏ dại và mầm móng sâu bệnh còn lại của vụ trước, đồng thời giúp rơm rạ mau mục, cung cấp chất mùn cho đất.

- Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẵng, làm rãnh thoát mặn, thoát phèn trong đầu mùa mưa.

- Đốt rơm rạ hoặc mang rơm ra khỏi ruộng để hạn chế ngộ độc hữu cơ. Triệu chứng ngộ độc hữu cơ là lúa bị vàng, rễ đen kịt và có mùi hôi thối, do  tàn dư thực vật trong quá trình phân huỷ tạo ra độc tố ảnh hưởng rễ lúa.

Lúa bị ngộ độc hữu cơ

- Bón lót vôi và lân: trong quá trình làm đất, chuẩn bị gieo sạ nên bón lót vôi (20-30kg/1000m2) và Super lân (30kg/1000m2). Bón lân đầu vụ với tác dụng hóa giải chất sắt, nhôm trong đất  hạn chế tình trạng ngộ độc phèn. Ngộ độc phèn là trường hợp xảy ra rất phổ biến đầu vụ Hè Thu, đặc biệt trên những chân ruộng nhiễm phèn nặng lại gặp khô hạn. Nhận biết triệu chứng ngộ độc phèn thể hiện lá lúa xuất hiện những đốm nâu, lá có màu tím sẫm hoặc chuyển màu nâu cam; rễ khô, vàng, lưa thưa; cây lúa không phát triển mặc dù đã bón phân đầy đủ. Có 2 dạng phèn: phèn sắt (nông dân còn gọi là phèn nóng) và phèn nhôm (phèn lạnh). Phân biệt bằng cách nhìn vào nước, có lớp màng màu vàng nâu hoặc nhìn trên mặt đất có lớp màu vàng tươi thì đó là phèn sắt. Nếu nhìn vào nước có màu trong xanh thấy cả đáy và nhìn vào mặt đất có lớp váng màu trắng đục đó là phèn nhôm.

- Khi lúa 15-20 ngày sau sạ, xuất hiện triệu chứng ngộ độc phèn hoặc ngộ độc hữu cơ nên thay nước, để rửa độc chất trong đất. Đồng thời, rãi thêm phân lân hoặc phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như Hydrophos để tái tạo bộ rễ, sau đó cung cấp thêm N, K cho cây lúa phục hồi.

- Khi cây lúa đã cấy sạ, bổng nhiên bị hạn kéo dài mà nước trong kênh đang bị nhiễm phèn thì có thể cho nước vào vừa thấm đất ruộng, rồi nhanh chóng rút nước ra liền không để ngập ruộng. Làm như thế để cung cấp nước tạm thời cho cây lúa và làm giảm độ độc của phèn trong thời gian khô hạn gay gắt. Sau cơn hạn, mưa sẽ đến rữa đi các chất phèn trong đất. Nếu trường hợp trong kênh không có nước thì có thể phun nước hoặc phân bón lá để tạm thời cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây chịu đựng tạm thời trong thời gian khô hạn.

Những giải pháp trên cần phải được tiến hành đồng bộ, linh hoạt tuỳ theo từng loại đất và điều kiện đặc thù của địa phương./.


Có thể bạn quan tâm

Cách Phát Hiện Nguyên Nhân Gây Bệnh Thối Thân Cây Lúa Cách Phát Hiện Nguyên Nhân Gây Bệnh Thối Thân Cây Lúa

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Định đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh thối thân ở cây lúa. Từ kết quả thu thập được, Chi cục cũng đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

30/04/2014
Diệt Rầy Lưng Trắng Diệt Rầy Lưng Trắng

Với ruộng có từ 4 cm nước trở lên và trời khô ráo thì nên diệt trừ bằng dầu ma dút, hòa trộn theo tỷ lệ 1/2 lít dầu ma dút với 3 ống cát, rắc đều cho 5 - 8 thước ruộng.

31/05/2014
Quản Lý Cỏ Dại Trên Cánh Đồng Lớn Quản Lý Cỏ Dại Trên Cánh Đồng Lớn

Cỏ dại là một trong bốn nhóm dịch hại quan trọng nhất trên ruộng lúa, cùng với sâu, bệnh và chuột. Nếu so sánh các đối tượng dịch hại khác nhau thì mức độ thiệt hại do cỏ dại gây ra đối với SX là lớn nhất (45%), do côn trùng khoảng 30%, do bệnh hại 20% và các dịch hại khác 5%.

31/05/2014