Giá vải thiều giảm mạnh do thương lái TQ ngừng mua

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Giáp Văn Huy, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho hay, vườn vải của ông vẫn còn khoảng 1 tấn vải đang đến kỳ thu hoạch mà vẫn chưa có thương lái nào tới mua.
“Khoảng 4 ngày nay thương lái Trung Quốc bất ngờ rút về nước và không mua nữa. Trên địa bàn huyện chỉ có một vài thương lái nhỏ của Trung Quốc mua với số lượng không đáng kể, bán trong nước là chủ yếu, hoặc đưa vào phía Nam tiêu thụ,” ông Huy nói.
Theo ông Huy, nguyên nhân một phần là do tới thời điểm này, vải thiều do phải chịu mưa bão và nắng hạn nên xấu mã, vỏ bị héo và có đốm xám nên không thể bán xuất khẩu được. Những loại vải này giảm giá thảm hại, chỉ còn 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg so với mức 18.000 đồng đến 20.000 đồng hồi đầu vụ. Còn những loại vải ngon, loại I, hồi đầu vụ có những lúc lên tới 35.000 đồng/kg thì hiện giảm chỉ còn 12.000 đồng/kg.
Không giống như ông Huy, ông Giáp Văn Thành, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho hay, hiện nay, trên địa bàn huyện còn rất nhiều vải thiều loại I. Có những gia đình còn tới 10 tấn vải thiều loại tốt đang tới thời kỳ thu hoạch. Nhiều hộ nông dân găm hàng chờ tới cuối vụ giá tăng như mọi năm mới bán. Song, thương lái Trung Quốc bất ngờ rút về nước khiến giá vải rớt thảm hại.
“Gia đình tôi bán hết vải từ vài ngày trước nên năm nay thu nhập có khá hơn mọi năm. Nhưng hộ gia đình nào găm hàng năm nay thì lỗ nặng,” ông Thành nói và cho biết thêm: “Nhìn cảnh vải chín rụng đây vườn mà không có thương lái đến mua nông dân ở đây rất xót xa.”
Theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, mặc dù cục đã cố gắng khai thông các thị trường mới cho trái vải như thị trường Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Hà Lan… nhưng lượng vải xuất đi không nhiều, chỉ khoảng gần 40 tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của trái vải, khoảng hơn 50.000 tấn từ đầu vụ tới nay.
Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 85% lượng vải thiều, chỉ còn khoảng 15% chưa thu hoạch được. Đồng thời, ông Thành cũng thừa nhận thương lái Trung Quốc đã rút hết về nước sớm hơn dự kiến.
Nguyên nhân, theo ông Thành là do, vùng trồng vải ở Quảng Đông của Trung Quốc đang vào chính vụ nên họ rút về ưu tiên giải quyết thị trường nội địa.
“Những năm trước thương lái thu mua đến cuối vụ nên giá vải ổn định. Tuy nhiên, năm nay vải thiều của họ thu hoạch trùng với Việt Nam, do đó việc các thương lái Trung Quốc về nước sớm đã ảnh hưởng đến giá bán vải trên địa bàn huyện,” ông Thành nói.
Về việc xuất khẩu sang các thị trường khác, ông Thành cho hay, do vải vào cuối vụ, chín 100% nên chỉ ưu tiên tiêu thụ ở thị trường nội địa và các tỉnh vùng biên bởi loại vải này rất khó bảo quản khi vận chuyển xa.
Có thể bạn quan tâm

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân - Bạc Liêu) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện tượng nghêu chết đồng loạt thời gian qua nay đã giảm đáng kể, chỉ còn xảy ra rải rác ở một vài hợp tác xã (HTX), chiếm tỷ lệ chỉ từ 3 - 4%. Tổng diện tích thiệt hại tại các HTX đến nay khoảng 290 ha, sản lượng thiệt hại 275 tấn, chủ yếu là nghêu thịt kích cỡ từ 30 - 90 con/kg.

Chỉ mới bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2010, nhưng mô hình nuôi cá sấu thịt đã giúp nhiều người dân xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Long An) đổi đời…

Nghề nuôi lươn đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng các hộ nuôi ở An Giang cũng như miền Tây vẫn phải sử dụng con giống khai thác ngoài tự nhiên để nuôi. Từ tận dụng đất quanh nhà ở nông thôn mà nhiều hộ vốn dĩ rất nghèo cũng đã vươn lên làm giàu và những người có mức sống trung bình lại có thêm thu nhập. Điệp khúc “thả lươn vào nuôi là chết” đeo đẳng những hộ nuôi lươn khiến cho nhiều người bỏ cuộc...

Gần 20 năm trước, vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang vốn nổi tiếng là vùng đất "khỉ ho, cò gáy" thiếu vắng bóng người, nơi hoang tàn dành cho cỏ năn, cỏ lác. Thế nhưng, từ khi cây khóm (dứa) xuất hiện và mở rộng diện tích đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này, giúp đời sống người dân cải thiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhanh chóng.