Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng

Gian Nan Phòng, Chống Bệnh Chổi Rồng
Ngày đăng: 26/09/2014

Bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn và chôm chôm đang làm cho nhà vườn lao đao, Nhà nước thì đã chi trên 173,8 tỉ đồng để phòng chống, nhưng vẫn không trị nổi. Đây là điều gây đau đầu cho nhà vườn và ngành chức năng.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết: Từ cuối năm 2011 đến nay, khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, dịch chổi rồng đã lây nhiễm khoảng 24.452/39.181ha nhãn của toàn vùng, trong đó có khoảng 12.907ha nhiễm nặng. Tháng 3-2013, UBND 7 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang đã công bố dịch bệnh chổi rồng với tổng diện tích nhiễm bệnh trên 27.373ha, trong đó có gần 20.410ha nhiễm nặng, hơn 6.800ha nhiễm trung bình.

Ngay sau đó, Cục BVTV phối hợp với các địa phương triển khai công tác hỗ trợ nông dân phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn với tổng kinh phí trên 173 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chi hơn 122 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 51 tỉ đồng.

Sau khi chi một khoản tiền lớn cho chiến dịch phòng chống, thì diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng có giảm nhưng không khả thi và đến nay vẫn còn hơn 15.397ha nhiễm bệnh, trong đó có trên 3.694ha nhãn bị nhiễm nặng. Và một vấn đề đáng quan ngại là sau một năm thực hiện chiến dịch phòng, chống thì toàn vùng đã có hơn 6.500ha nhãn bị đốn hạ và hiện còn 32.657ha.

Ông Cao Văn Kính, ở ấp 2, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang canh tác 3.000m2 nhãn tiêu da bò 15 năm tuổi, cho biết: “Từ khi bệnh chổi rồng lây lan trên diện rộng, thì gia đình càng lúc càng trở nên túng khó. Ba năm qua, số tiền bỏ ra mua thuốc phun trị bệnh chổi rồng, bán trái thu lại không đủ vốn đầu tư.

Phương pháp phòng, chống mà Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo nếu nhà vườn áp dụng sẽ đạt kết quả khoảng 80% năng suất, nhưng lại kéo giá thành cao hơn giá bán”.

Ông Nguyễn Thanh Phương, ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ: “Nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò đang phải sống chung với dịch bệnh chổi rồng và thuốc BVTV, nhưng lại không tìm được lợi nhuận từ cây nhãn. Năm 2013, bình quân 1ha nhãn cho năng suất khoảng 30 tấn/vụ, nhưng năm nay giảm chỉ còn 15 tấn/ha. Với giá bình quân 10.000 đồng/kg, thì nhà vườn mất hẳn nguồn lợi nhuận 150 triệu đồng”.

Điều đáng nói là quy trình phòng trị bệnh chổi rồng theo khuyến cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm BVTV phía Nam thì đạt hiệu quả, nhưng nhà vườn không mặn mà là do giá nhãn thương phẩm quá bấp bênh. Chi phí đầu tư 10.000 đồng/kg, nhưng có lúc thu hoạch bán với giá 7.000 đồng/kg, lỗ 3.000 đồng/kg.

Giải pháp đã và đang được nhà vườn chọn để sống chung với chổi rồng là đốn bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác như: cam sành, bưởi Năm Roi... Trong đó, Tiền Giang là tỉnh có diện tích nhãn bị đốn hạ lớn nhất ĐBSCL với hơn 1.500ha.

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Trước khi chưa có dịch bệnh chổi rồng, diện tích nhãn tiêu da bò của huyện đã được nhà vườn trồng hơn 2.800ha. Đến năm 2013, dịch bệnh bùng phát mạnh, huyện Cái Bè được tỉnh chi gần 19 tỉ đồng để hỗ trợ nhà vườn phòng, chống bệnh.

Sau một năm thực hiện, dịch chổi rồng không hết nhưng tiền thì hết, thế là nhà vườn chọn giải pháp đốn bỏ hơn 1.500ha nhãn để chuyển sang trồng chanh, xoài, ổi... Hiệu quả của phong trào phòng, chống bệnh chổi rồng chưa cao là do quy trình mà các viện, ngành BVTV đưa ra rất khó thực hiện. Nhà vườn mỗi người một ý, không đồng loạt vì thiếu nhân công cắt cành, tạo tán...

Chi phí đầu tư thực hiện đúng 6 bước theo quy trình phòng, chống bệnh chổi rồng thì giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nên bà con không mặn mà áp dụng. Phòng, chống không được thì buộc phải sống chung với bệnh chổi rồng bằng cách đốn nhãn trồng cây ăn trái khác. Với đà này thì cây nhãn tiêu da bò có nguy cơ bị xóa sổ ở ĐBSCL do dịch bệnh chổi rồng gây hại.

Nhà vườn Vĩnh Long cũng đã chọn giải pháp đốn hạ trên 1.334ha nhãn bị bệnh chổi rồng để trồng chôm chôm và các loại cây ăn quả khác… Tuy nhiên, bà con vẫn không yên tâm vì từ tháng 4-2014 đến nay, bệnh chổi rồng đã lây sang cây chôm chôm với khoảng 80ha ở Vĩnh Long và Bến Tre. Bệnh chổi rồng đang là mối đe dọa lớn cho 22.000ha chôm chôm của 14 tỉnh, thành phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Việc khuyến khích nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng là rất khó, vì thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Quy trình phòng bệnh được nghiên cứu phải thực hiện với chi phí cao. Nhà vườn trồng nhãn nhỏ lẻ, phân tán nên việc thực hiện các giải pháp đồng loạt rất khó khăn.

Hướng tới ngành nông nghiệp Vĩnh Long sẽ đề xuất với ngân hàng tiếp tục có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân phòng, chống bệnh hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác, vì 3 năm qua người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh trên nhãn và chôm chôm cho các tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: Nếu sau khi dập dịch mà vẫn còn nhiễm nặng, thì có thể thay bằng cây khác như nhãn IDOR có tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn. Các địa phương cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để người dân có sự hợp tác trong sản xuất.

Nếu đồng lòng dập dịch trong thời gian nhất định thì sẽ đạt được kết quả tốt. Đối với các khu vực có diện tích trồng nhỏ lẻ thì chính quyền các xã, ấp phải tham gia tổ chức phòng trị bệnh để hạn chế sự lây lan.

Tại Hội nghị “Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm khu vực phía Nam” tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Phòng trị bệnh chổi rồng là vấn đề quan trọng và phức tạp, để có hiệu quả thì phải có cơ sở khoa học. Vì vậy, việc đầu tiên phải làm ngay là tập hợp mọi lực lượng khoa học trên cả nước để nghiên cứu.

Các địa phương cũng chủ động cử cán bộ đi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan và mời các chuyên gia 2 nước này phối hợp nghiên cứu, thậm chí mời chuyên gia Ý đến Việt Nam để hợp tác nghiên cứu và Bộ sẽ chi ngân sách để mời. Nhất thiết phải xây dựng mô hình mẫu ở từng địa phương và bằng mọi cách phải trị dứt điểm bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã bị nhiễm bệnh, bảo vệ diện tích nhãn và chôm chôm chưa bị nhiễm...


Có thể bạn quan tâm

Trồng Giảo Cổ Lam, Kim Tiền Thảo Trồng Giảo Cổ Lam, Kim Tiền Thảo

Cây giảo cổ lam được thâm canh dưới tán rừng trồng, với diện tích khoảng 0,6 ha ở 3 huyện miền núi nói trên, cho kết quả khả quan. Theo những người thực hiện đề tài, sau 6 tháng trồng, tỷ lệ cây sống từ 83 - 90%, chiều dài thân đạt từ 2,9 - 3,6 m, đã thu hoạch lần đầu trên 210 kg.

02/12/2014
Bến Tre Điều Chỉnh Qui Hoạch Nuôi Tôm Chân Trắng Bến Tre Điều Chỉnh Qui Hoạch Nuôi Tôm Chân Trắng

Tình trạng nuôi TCT tràn lan, trong vùng ngọt hóa ngày càng gia tăng, chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Để giải quyết bài toán khó này, UBND tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nuôi TCT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

07/07/2014
Gia Bình (Bắc Ninh) Trồng Thêm 8ha Măng Tây Xanh Gia Bình (Bắc Ninh) Trồng Thêm 8ha Măng Tây Xanh

Cùng với sự hỗ trợ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm măng tây xanh, huyện Gia Bình tích cực tạo điều kiện mở rộng diện tích trồng khoai tây Atlantic, lúa nếp phu thê, dưa chuột bao tử xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

02/12/2014
Tam Nông (Đồng Tháp) Thủy Sản Nuôi Được Giá Tam Nông (Đồng Tháp) Thủy Sản Nuôi Được Giá

Theo đa số người nuôi cá lóc ở xã Phú Thọ, trong khi dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thì sản phẩm thủy sản đang được người tiêu dùng quan tâm nên tiêu thụ dễ dàng, giá bán tăng. Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi khoảng 7 triệu đồng.

07/07/2014
Xã Nậm Cang (Sa Pa, Lào Cai) Có Sản Lượng Thảo Quả Giảm Trên 70% Xã Nậm Cang (Sa Pa, Lào Cai) Có Sản Lượng Thảo Quả Giảm Trên 70%

Sản lượng thảo quả của xã Nậm Cang giảm mạnh là do đợt mưa tuyết đầu năm 2014 đã làm hàng trăm ha thảo quả của nhân dân bị héo, chậm phát triển, không thể ra hoa. Hiện, trên địa bàn xã Nậm Cang có gần 680 ha thảo quả, trong đó 370 ha đã đến kỳ cho thu hoạch, 310 ha còn lại sẽ cho thu hoạch trong những năm tiếp theo.

02/12/2014