Giá Tăng, Nông Dân Nuôi Cá Bè Phấn Khởi
Mấy ngày nay, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè ở Tiền Giang phấn khởi do giá cá điêu hồng nằm ở mức 41.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Với giá bán này, sau khi trừ mọi chi phí, người nuôi cá bè có thể lãi trên 50 triệu đồng/bè khi thu hoạch.
Nông dân nuôi cá lãi lớn
Ông Đinh Thế Nhân nuôi cá điêu hồng lồng bè ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho cho biết, hơn tuần qua, thương lái đến tận bè của nông dân thu mua cá điêu hồng với giá 40.000 đồng/kg nếu bắt cá bằng ghe đục. Đối với trường hợp thương lái bắt cá bằng hình thức đóng bao, bơm oxy thì mức giá cao hơn 1.000 đồng/kg, Đây là mức giá cá điêu hồng cao "kỷ lục" từ trước tới nay.
"Cách đây hai ngày, tôi vừa bán được một bè cá điêu hồng đóng bao, bơm oxy với giá 41.000 đồng/kg. Do vụ trước giá cá rẻ kéo dài nên bè cá vừa thu hoạch này tôi chỉ thả 260 kg cá giống, tính ra mật độ rất thưa nên sản lượng chỉ đạt 3,5 tấn (cá đạt trọng lượng 500 - 700 gam/kg). Tuy nhiên, bè cá này tính ra tôi còn lời khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí" - ông Nhân vui vẻ nói.
Nhiều nông dân nuôi cá điêu hồng lồng bè ở Tp Mỹ Tho cho biết, mặc dù chi phí sản xuất liên tục tăng cao do cá giống hao hụt nhiều, giá thức ăn, thuốc thú y, nhân công ngày càng cao và tùy theo kỹ thuật nuôi của mỗi chủ bè mà giá thành nuôi cá có thể dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng với giá bán cá hiện nay, người nuôi có lãi từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Bình quân mỗi bè thể tích 100m2 sau khi nuôi khoảng 6 tháng có năng suất khoảng 5 tấn cá, tính ta người nuôi cá có lợi nhuận từ 55-70 triệu đồng/bè.
Giải thích nguyên nhân giá cá bè tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Phan Văn Hiền, thương lái thu mua cá điêu hồng nuôi bè ở phường 6, Tp Mỹ Tho cho biết, trước đây cá điêu hồng rớt giá mạnh trong thời gian dài do các thông tin sai lệch nên nông dân nuôi cá lỗ nặng phải "treo bè", thậm chí bán bè dẫn đến lượng cá điêu hồng cung ứng cho thị trường giảm mạnh. Mặt khác, các thông tin về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian gần đây cũng đã thu hút người tiêu dùng quay trở lại đối với thủy sản, trong đó có cá điêu hồng.
Vẫn chưa vội bán
Mặc dù, giá cá điêu hồng hiện nay rất cao, nhưng nhiều nông dân nuôi cá vẫn chưa vội kêu thương lái bán cá, vì đoán rằng giá cá sẽ còn cao hơn trong thời gian tới. Ông Huỳnh Thanh Sơn nuôi cá bè ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, tôi còn một bè cá điêu hồng chuẩn bị thu hoạch nhưng chờ tới mùng 5/5 (Tết Đoan ngọ) tới mới bán cá, bởi thời điểm này thường nhu cầu tiêu thụ cá trên thị trường tăng cao nên dự báo giá cá cũng cao hơn.
Trước tình hình giá cá điêu hồng thương phẩm tăng mạnh, nhiều chủ bè đang tranh thủ tìm nguồn cá giống chất lượng để thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, do hiện nay các đại lý kinh doanh thức ăn thủy sản không còn bán thức ăn gối đầu như trước nửa nên một số bè gặp khó khăn, cộng với nguồn cá điêu hồng giống cung ứng cho thị trường dần tăng trở lại nên giá cá điêu hồng giống không tăng. Hiện nay, giá cá giống dao động khoảng 34.000 - 35.000 đồng/kg (loại 100 - 120 con/kg).
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tuần qua các chủ bè đã thả nuôi mới 24 bè với 500 ngàn cá điêu hồng giống, đồng thời thu hoạch 35 bè với sản lượng 210 tấn cá điêu hồng thương phẩm, đưa tổng sản lượng cá điêu hồng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 2.922,1 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 961 bè đang thả nuôi trong tổng số 1.279 bè đang neo đậu, chiếm khoảng 75%.
Có thể bạn quan tâm
Vòng đời từ khi trồng cho đến lúc kết thúc khai thác mủ của cây cao su khoảng 30 năm. Do vậy, trồng cao su trên vùng đất miền Trung thường xuyên bị thiên tai là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ nông dân trắng tay là rất lớn nếu không biết cách canh tác bền vững.
Cho dê con trước khi cai sữa (3 tháng tuổi) và dê mẹ sau khi phối giống 5-6 tuần uống thuốc levamisole phòng bệnh giun tròn. Không cho dê ăn cỏ lá vùng ngập nước, dùng dextrin-B phòng định kỳ và điều trị với dê đã mắc bệnh.
Dê thuộc loại nhai lại, tạp ăn. Dê dễ nuôi, sinh sản nhanh, chống đỡ bệnh tật tốt, đầu tư vốn ban đầu ít, hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Để nuôi dê đạt năng suất cao, chất lượng tốt thì phương pháp chăn nuôi đóng vai trò quyết định. Vì vậy phải chọn cách nuôi nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cá nhân, cơ sở chăn nuôi.
Tình hình nuôi tôm thẻ bùng phát, vượt xa tầm kiểm soát của ngành chức năng. Mức độ thiệt hại giữa tôm thẻ chân trắng với tôm sú tương đương nhau nhưng nhờ giá tôm thương phẩm ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn đối với tôm thẻ chân trắng tốt hơn, mặt khác do thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, nên đa phần bà con cho rằng tôm thẻ dễ nuôi hơn tôm sú