Gia nhập TPP Chăn nuôi đứng trước sóng lớn
Người dùng hưởng lợi, nhà sản xuất thua thiệt
Theo kết quả nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố sáng 9/9 tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề "Đánh giá tác động của TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”, tác động lên ngành chăn nuôi chủ yếu đến từ việc gia nhập TPP, còn từ AEC là không đáng kể.
Theo đó, sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là đối với ngành chế biến thịt. Người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài.
Theo đó, nhập khẩu tăng mạnh ở thịt gia cầm, lợn và các sản phẩm sữa. Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều thịt gia cầm và lợn từ Mỹ, giảm nhập khẩu thịt trâu, bò, đại gia súc từ Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhập khẩu một số thịt gia cầm từ Canada.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh chăn nuôi Việt Nam không thể nhanh chóng tổ chức quy mô sản xuất lớn như nhiều nước tham gia TPP thì chúng ta phải chấp nhận tổ chức các nông hộ nhỏ thành quy mô sản xuất lớn mới hy vọng giữ vững được thị trường trong nước.
“Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà. Hiện chưa gia nhập TPP mà ở TPHCM mặt hàng gà công nghiệp đã thua rồi. Lợn mán, gà đồi được bao nhiêu mà tính đến xuất khẩu?”, TS.Lưu Bích Hồ nói.
Rào cản lớn nhất là chính sách
Theo TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam: Rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam trong hội nhập nói chung và TPP nói riêng là vấn đề chính sách.
Ví dụ, hiện nay gà nếu cắt rời bộ phận rồi nhập khẩu về thì thuế 20% nhưng gà để nguyên con nhập khẩu thuế lại là 40%. Các doanh nghiệp đang lách luật bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh cả mình gà rồi nhập khẩu về để hưởng thuế suất 20%. Chỉ cần chính sách điều chỉnh siết chặt hơn thì doanh nghiệp sẽ không thể lách như vậy, gây ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước.
“Một trong những vấn đề khiến sản phẩm chăn nuôi kém sức cạnh tranh còn là hạn chế trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Trong vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để kiểm soát, đảm bảo hơn nữa an toàn thực phẩm, gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng”, TS. Khanh nói.
Một vấn đề khác từ chính sách mà đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra là cơ chế tín dụng phải thay đổi. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng còn khá khó khăn và mức lãi suất tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, chính sách tín dụng nên thay đổi theo hướng xem xét cho ngành chăn nuôi vay với lãi suất thấp hơn, đồng thời phù hợp với chu trình và tính thời vụ trong chăn nuôi.
Còn ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VERP lại cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thông tin. Bản thân các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, nông dân không biết mà ngay cả doanh nghiệp cũng rất "mù mờ" về hội nhập và những tác động sắp tới của TPP.
Lấy ví dụ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, hiện nay doanh nghiệp vừa sử dụng sữa nguyên liệu nhập khẩu, vừa sử dụng nguồn sữa tươi của nông dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này họ sẽ hy sinh người nông dân để nhập khẩu sữa với giá thấp.
Trong khi đó, người nông dân vẫn phải làm ra sữa, vẫn tiếp tục vắt sữa vì đây là quá trình tự nhiên, không thể dừng lại được. Điều này dẫn đến việc nguyên liệu sữa hạ giá rất thấp, bản thân người nông dân cũng không hiểu vì sao lại có khó khăn này.
Một số chuyên gia cho rằng chính sách đào tạo trong ngành chăn nuôi cũng là một trong những lỗ hổng lớn. Hiện không có trường nào đào tạo chuyên ngành về chăn nuôi, kỹ sư hay bác sĩ thú y dù có tốt nghiệp ra trường cũng chỉ nắm vững lý thuyết mà thiếu thực tế. Trong khi đó, về các mặt này thì các nước tham gia TPP đang làm rất tốt.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.
“Với gần 4.300ha nhãn cho thu hoạch với chất lượng quả rất cao, bán được giá gấp đôi, gấp ba so với nhãn thường, tư thương lại thu mua mạnh nên vụ nhãn năm nay người dân huyện Sông Mã rất phấn khởi” - ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La) hào hứng thông tin.
Dọn sạch cỏ dại và nuôi kiến đen trong vườn điều để làm thiên địch, đồng thời, sử dụng các loại thuốc phòng trừ hiệu quả bọ xít muỗi như: Oxymatrine (Vimatrine 0.6SL), Emamectin benzoate (Tasieu 1.0EC, 1.9EC, 2WG, 5WG), Abamectin (Nouvo 3.6EC, Plutel 1.8 EC, 3.6EC)…
Ngày 16.9, Hội thảo khởi động dự án cải thiện thu nhập cho nông dân vùng Tây Bắc Việt Nam do Chính phủ Australia tài trợ đã khai mạc tại Hà Nội.