Giá mít tụt dốc thê thảm vì tin đồn chích thuốc
Suốt 2 tháng nay, nông dân trồng mít tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán (Đồng Nai) khốn đốn đủ đường khi giá mít thương lái mua chỉ có… 500 đồng/kg. Họ nói rằng, do có tin đồn mít chích thuốc cho chín, nên thị trường tẩy chay, mít các vựa thừa mứa khiến giá tụt dốc thê thảm.
Rẻ như cho
Từ tháng 4 đến nay là thời điểm cây mít bước vào giai đoạn cho trái sung nhất. Thời điểm tháng 4 và tháng 5, thương lái đổ xô mua, xe tải, xe máy chạy ầm ầm vào rẫy, vào vườn cắt mít. Nông dân chỉ việc ngồi uống nước trà, xem thương lái chọn mít, cân lên và tính tiền. Mỗi vụ trúng mùa, trúng giá, mít đạt tới 10.000–12.000 đồng/kg, nông dân thu cả trăm triệu/ha. Nhiều hộ tại xã Phú Ngọc coi đây là nguồn kinh tế chính, nên tập trung đầu tư với diện tích và nguồn vốn rất lớn.
Cần sớm kiểm tra, công bố về tin đồn mít chích thuốc để bảo vệ nông dân.
Nhưng ngờ đâu, khoảng 2 tháng nay, mít bỗng dưng xuống giá tới mức thảm hại. Ông Trần Trọng Sự (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cho biết: “Vừa rồi thương lái vào mua mít, tôi phụ anh ta cắt đúng 2 tấn, thương lái nói 500 đồng/kg làm tôi bật ngửa vì ngạc nhiên”.
Ngay khi nghe tin như “sét đánh” đó, ông khựng lại, không tin nổi vào tai mình, phải hỏi lại nhiều lần mới tá hỏa. “Chưa năm nào giá mít xuống tới mức thê thảm như thế này, gọi là thảm hại mới đúng.
Các thương lái nói, do gần đây có tin đồn mít được chích một loại thuốc cho mau chín, khiến người tiêu dùng tẩy chay không ăn nữa, các vựa mít thừa mứa hàng trăm tấn hàng không bán được. Do đó, thương lái chỉ có thể mua của nông dân với giá 500–1.000 đồng/kg, chứ không dám mua cao hơn, vì bán lại cho vựa sẽ lỗ chắc!”.
Mít đã cắt rồi không thể bỏ đi, không thể lưu kho, ông Sự đành ngậm ngùi nhìn 2 tấn mít thơm lừng, chín mọng của mình chất lên xe đầy nuối tiếc. Cầm trong tay 1 triệu đồng, ông không kìm nổi sự tức giận khi không biết tin đồn từ đâu mà khiến cả gia đình ông bao nhiêu năm bán mít nay chịu cảnh điêu đứng như vậy.
Mọi năm, với 2 tấn mít, ông thu về cũng cỡ hơn 20 triệu đồng để có tiền đầu tư cho vụ sau. Cần sớm kiểm tra, công bố về tin đồn mít chích thuốc để bảo vệ nông dân.
Không chỉ riêng ông, các hộ nông dân trồng mít tại xã Phú Ngọc đều chịu chung số phận. Ông Mai Văn Chí (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) than phiền: “Chúng tôi làm ăn chân chính, trồng mít chín vàng, thơm nực mùi mới bán, chứ đâu có bán mít non hay để cho thương lái cắt bừa bãi được đâu. Thế mà không hiểu tin đồn mít non bị bơm thuốc từ đâu ra, khiến nông dân chúng tôi khổ như thế này!”.
Vừa rồi, ông Chí cũng “chết đứng” khi nghe cô con gái báo giá tiền vừa bán cả tạ mít thơm phức trên cây chỉ có… 50.000 đồng. Tức tốc điện thoại lại vì sợ thương lái đưa nhầm, ông mới biết là giá mít chỉ có 500 đồng/kg, có nơi họ còn mua… 300 đồng/kg. Cầm tờ 50.000 đồng trên tay, ông Chí phát khóc vì cả tạ mít của ông chỉ đủ cho hai ông bạn già uống ly cà phê vỉa hè và nhâm nhi vài cái bánh là hết.
Cần xác minh sớm tin đồn
Theo ông Chí, năm vừa rồi, ông đầu tư đúng theo phương pháp đã được tập huấn từ Trạm Khuyến nông huyện và các đơn vị chuyên ngành khác, nên chi phí đầu tư cho tưới tiêu, phân bón, dọn cỏ, ngót ngét cũng 30 triệu đồng. Cả vụ vừa rồi, gần 300 cây mít của ông, không cây nào không có trái, mỗi trái sơ sơ cũng 7–8 kg, có trái lên tới 10 kg.
Tiếc rằng, giá cả quá thấp, toàn vụ ông chỉ thu về không quá 7 triệu đồng. Lỗ nhiều quá, ông thành ra nhát tay, không dám cho mít ra vào tháng 8, tháng 9 nữa, mà phải cắt bỏ để tiết kiệm chi phí phân bón, chờ giá cả vụ sau.
Chính những thương lái, người trực tiếp đến thu mua mít của nông dân cũng cảm thấy không hài lòng vì bản thân bị mất uy tín. Anh Bảo, một thương lái mít thường xuyên tại xã Phú Ngọc và một số xã lân cận chia sẻ: “Bản thân chúng tôi khi vào vườn cắt trái cũng phải lựa quả nào chín mới cắt, quả non để lại, vì bỏ vào vựa họ cũng trả về. Nhiều người thiếu kinh nghiệm cắt phải quả hơi non thì lập tức vứt bỏ chứ không dại gì mang đi để tốn công “cõng” ngược lại”.
Theo kinh nghiệm của các thương lái mít nhiều năm, để biết trái mít nào chín, họ chỉ cần đánh giá qua lượng mủ tại cuống mít, hoặc nhìn vào lớp da mít ngả vàng, hơi có mùi thơm là có thể cắt được. Mít loại này để sau một ngày là thơm lừng, bán thời điểm đó mới có giá cao.
Còn mít non đương nhiên họ không cắt vì vựa không lấy, bán cho người tiêu dùng họ ngửi không thấy thơm cũng chẳng mua. Còn việc dùng thuốc mới chỉ là tin đồn, chưa được kiểm chứng.
“Lâu nay giá mít đang cao, một trái bán ra cả nông dân và thương lái đều có lãi, vậy cần gì phải tốn thêm tiền mua thuốc chi cho khổ”, anh Bảo quả quyết. Ông Dương Hữu Nhạc, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, cho biết: “Bản thân ông chưa nhận được phản ánh về tình trạng mít chích thuốc cho mau chín bao giờ, vì xưa nay Phú Ngọc chưa bao giờ có hiện tượng này.
Còn đối với giá mít xuống thấp, có lẽ một phần ảnh hưởng của mùa vụ. Vì khi mùa mưa, mít ít ngọt hơn, nên giá cũng xuống, nhưng tới mức 500 đồng/kg thì quá thấp, không thể tưởng tượng nổi!”.
Có thể bạn quan tâm
Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm thương phẩm toàn tỉnh Ninh Thuận thả nuôi trên 955 ha, trong đó có 900 ha tôm thẻ chân trắng và 55 ha tôm sú. Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 74% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng, đây được coi là tín hiệu vui về sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.
Năm 2000, một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được phép chuyển đổi sang nuôi tôm, nhiều nông dân tưởng chừng đã bước được một chân vào cánh cửa đổi đời.
Mặc dù cơn bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào thành phố Hà Tĩnh, tuy nhiên, do mưa to kèm theo gió lớn nên các khu vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi ven đô bị thiệt hại khá nặng.
Trong năm 2013, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tiếp tục chỉ đạo các địa phương khôi phục, tận dụng và khai thác tối đa diện tích mặt nước hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tại Thanh Hóa: Đã có 4 hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia đã bị tràn, vỡ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị cô lập trong nước lũ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 ha lúa mùa đang thời kỳ thu hoạch, 1.500 ha hoa màu vụ đông vừa gieo trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà dân bị sập đổ và hơn 30 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối bị thiệt hại.