Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Yên Minh Đẩy Mạnh Khai Hoang, Phục Hóa Ruộng Bậc Thang

Yên Minh Đẩy Mạnh Khai Hoang, Phục Hóa Ruộng Bậc Thang
Ngày đăng: 23/09/2014

Những năm gần đây, phong trào khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang trên địa bàn huyện Yên Minh được nhân dân hưởng ứng và thực hiện tích cực. Những thửa ruộng mới khai hoang, sau 3 đến 4 năm đưa vào trồng lúa nước không chỉ nâng cao đời sống nhân dân mà vào mùa lúa chín còn tạo cảnh quan đẹp mắt với du khách gần xa khi lên thăm Công việc Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Do điều kiện địa hình phức tạp, diện tích đất sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa trên địa bàn huyện manh mún, nhỏ lẻ. Thiếu đất sản xuất, cuộc sống bà con nơi đây cơ cực, nhiều hộ thiếu lương thực trong năm.

Xác định rõ khó khăn đó, những năm qua, Yên Minh tích cực tuyên truyền, vận động bà con khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện, nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, huyện triển khai, thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang của Nhà nước.

Đồng thời, tiến hành quy hoạch, xác định vùng khai hoang ở từng xã, thôn để bà con biết; tránh tình trạng khai hoang vào đất rừng hoặc ruộng sản xuất hiệu quả thấp do không hợp điều kiện thời tiết và thiếu nguồn nước...

Nhờ đó, việc khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang được bà con hưởng ứng nhiệt tình và trở thành phong trào lớn ở huyện những năm gần đây. Tính từ năm 2010 đến 2013, toàn huyện khai hoang, mở mới được trên 500 ha, diện tích tập trung chủ yếu ở các xã Na Khê, Lao Và Chải, Bạch Đích, Ngọc Long...

Để ruộng mới khai hoang có tính ổn định, sản xuất bền vững, các xã hướng dẫn bà con nắm kỹ thuật cải tạo đất trước khi trồng lúa, cụ thể là trồng các loại cây rau, màu, đặc biệt là cây đậu tương để cải tạo đất, sau 3 đến 4 năm mới trồng lúa.

Huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu. Đồng thời, tăng cường quản lý, tu sửa, nạo vét kênh mương, đảm bảo sử dụng nguồn nước tưới hợp lý ở mỗi vụ sản xuất.

Từ phong trào này, diện tích đất lúa của huyện tăng lên, tính riêng vụ Mùa năm nay, toàn huyện có 2.200 ha lúa nước, tăng trên 200 ha so vụ Mùa năm 2013 (diện tích tăng từ số ruộng bà con khai hoang cách đây 3 - 4 năm). Đồng chí Trần Xuân Thủy, Bí thư Huyện ủy Yên Minh, cho biết: “Năm 2014, Huyện ủy xác định mở mới ruộng bậc thang là một trong những chỉ tiêu đột phá xây dựng Nông thôn mới, nhằm mở rộng diện tích lúa nước, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu mở mới 200 ha. Nhằm giúp bà con có thêm nguồn lực, huyện thống nhất hỗ trợ 5 triệu đồng/ha từ ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo chính quyền các xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình mở mới ruộng bậc thang, không cho khai hoang vào diện tích đất rừng và những nơi điều kiện thời tiết, nguồn nước không thuận”.

Với quyết tâm đó, chính quyền các xã tích cực vận động bà con thực hiện, kết quả, toàn huyện mở mới được gần 50 ha, đây là con số tổng hợp từ tháng 5, chắc chắn diện tích ruộng bậc thang không dừng ở con số đó, bởi bà con hiện vẫn đang tiếp tục thuê máy móc khai hoang, mở mới tại nhiều nơi.

Điển hình trong phong trào khai hoang ruộng bậc thang phải kể đến xã Na Khê. Đồng chí Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Truyền thống khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang trên địa bàn xã có từ lâu. Trước kia, do chưa có máy móc hỗ trợ, bà con chủ yếu bỏ công lao động mở rộng diện tích đã có.

Mấy năm gần đây, việc thuê máy xúc, máy ủi thuận tiện, nhiều hộ có tích lũy nên bà con thuê máy móc về san ủi mặt bằng mở mới ruộng. Nhờ đó, diện tích đất trồng lúa tăng dần, năm 2010, cả xã chỉ có 150 ha lúa nước, đến nay tăng lên gần 200 ha. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân cũng mở mới được gần 60 ha.

Diện tích này xã chưa đưa vào sản xuất bởi bà con phải cải tạo đất, sau từ 3 đến 4 năm mới bắt đầu trồng lúa. Nhưng chắc chắn những năm tới, diện tích đất lúa của xã sẽ tăng. Đi cùng đó, năng suất, sản lượng lương thực cũng tăng, đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân”.

Dù việc thuê máy mở mới ruộng giá rất cao (bình quân mỗi ca 700.000 đồng), nhưng bà con vẫn tích cóp, vay mượn để thực hiện. Trước kia, gia đình anh Phàn Chỏi Quáng, thôn Thèn Phùng cũng có ruộng bậc thang do Nhà nước cấp, bố mẹ để lại, trồng lúa một vụ, do biết thâm canh, trồng giống mới nên gia đình đủ gạo ăn trong năm.

Dù vậy, từ đầu năm đến nay, anh Quáng vẫn thuê máy để mở thêm 5 mảnh ruộng liền kề trong đất vườn đồi của gia đình. Không biết diện tích mở mới là bao nhiêu nhưng tiền thuê máy đã trên 52 triệu đồng.

Chỉ tay về khu ruộng vừa được san ủi mặt bằng, anh Phàn Chỏi Quáng vui vẻ: “Gia đình mới chỉ thuê máy san ủi lấy mặt bằng, còn phải bỏ công lao động để tạo bờ, tạo thửa cho đẹp mắt. Gia đình sẽ trồng đậu tương cải tạo đất, mấy năm nữa khi ruộng ổn định, đất tươi tốt mới cấy lúa.

Hiện mới trả được nửa số tiền thuê máy, số còn lại chủ cho trả dần từ nay đến cuối năm. Biết là kiếm vài chục triệu đồng rất khó nhưng mình nghĩ có ruộng để trồng màu, sau trồng lúa, đủ ăn là yên tâm đi làm thuê lấy tiền trả nợ. Có ruộng mới mở giúp gia đình ổn định cuộc sống lâu dài khi các con đang lớn, tới đây có đứa lấy vợ, thêm nhân khẩu mà không lo thiếu đói”.

Ngoài gia đình anh Quáng, trên địa bàn xã Na Khê có rất nhiều hộ bỏ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng thuê máy khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Nổi bật là các thôn Phú Tỷ 1, Phú Tỷ 2, Na Pô, Thèn Phùng, đây là những nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, bà con coi trọng trồng lúa nước nên rất quan tâm việc khai hoang, phục hóa.

Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Việc khai hoang ruộng bậc thang được người dân nhiều xã quan tâm, thực hiện từ rất lâu.

Tuy nhiên, trước kia do chưa có cơ chế hỗ trợ, chưa có các phương tiện máy móc nên bà con chỉ thực hiện theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước cộng với nhiều hộ dân đi lao động ngoài tỉnh về có tiền thuê máy móc nên phong trào này phát triển mạnh.

Từ đó, diện tích lúa nước trên địa bàn huyện ngày một tăng, cộng với việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh, xây dựng Cánh đồng mẫu đã góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa toàn huyện tăng dần hàng năm, cơ bản đảm bảo lương thực cho bà con”.


Có thể bạn quan tâm

Con Tôm “Mắc Cạn” Cuối Vụ Con Tôm “Mắc Cạn” Cuối Vụ

Do tác động từ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh…

13/10/2014
Mô Hình Chăn Nuôi Trang Trại Nhỏ Ở Nhân Thắng (Bắc Ninh) Mô Hình Chăn Nuôi Trang Trại Nhỏ Ở Nhân Thắng (Bắc Ninh)

Tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), mô hình chăn nuôi gà ta thịt của CCB Cát Văn Kim thôn Ngô Cương với số lượng nuôi 3 nghìn con mỗi lứa cho thu lãi 500 triệu đồng/năm. Diện tích chăn nuôi không lớn nhưng đây được xem là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ áp dụng cho các hộ chăn nuôi.

13/10/2014
Mô Hình Nuôi Ngựa Sinh Sản Ở Bằng Phúc Mô Hình Nuôi Ngựa Sinh Sản Ở Bằng Phúc

Với nghề nuôi ngựa truyền thống của gia đình, anh Lực dành thêm 4 năm theo học nghề chăn nuôi thú y. Sau khi tham khảo thị trường, năm 2012 anh Lực đã vay vốn để cải tạo, mở rộng chuồng trại, mua 7 con ngựa cái về nuôi. Một năm sau, đàn ngựa cái bắt đầu sinh sản. Trung bình ngựa cái sau 11 tháng sẽ đẻ con, ngựa con nuôi trong vòng 1 năm rưỡi là có thể bán.

13/10/2014
Hiệu Quả Nuôi Rắn Ri Tượng Trong Thau Nhựa Hiệu Quả Nuôi Rắn Ri Tượng Trong Thau Nhựa

Nhằm đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên khá giả, cùng với các loại hình nuôi đa cây, con khác, việc nuôi rắn ri tượng tại hộ gia đình hiện tại được một số nông dân trong xã Việt Thắng, huyện Phú Tân (Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả khá.

13/10/2014
Hiệu Ứng Từ Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm Hiệu Ứng Từ Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm

Ông Trần Văn Bé Năm, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nông dân trong ấp nhiều năm qua vẫn bỏ phí rơm sau thu hoạch. Nhiều hộ có trồng nấm rơm nhưng chỉ thu hoạch đủ phục vụ bữa ăn gia đình hoặc bán chút ít".

13/10/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.