Gia Lai Xuất Khẩu Cà Phê Bội Thu
Năm 2014 được đánh dấu là năm có chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất trong “lịch sử” xuất khẩu của Gia Lai. Những mặt hàng chủ lực của tỉnh luôn giữ vị trí cao với sản lượng xuất và thị trường ổn định, trong đó phải kể đến cà phê-mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 77,8% tổng kim ngạch...
Đến cuối tháng 12-2014, sản lượng cà phê xuất khẩu đã đạt 242.454 tấn, tương ứng giá trị gần 482 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,37 lần về lượng và tăng 3,61 lần về giá trị. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phát triển theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến để gia tăng giá trị hàng hóa, chủ động đầu ra nhằm vươn tới các thị trường lớn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách ưu đãi, thông quan cải cách thủ tục xuất nhập khẩu đã thu hút doanh nghiệp mở rộng hoạt động.
Trong tổng số 50 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xuất khẩu chỉ có 6 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng đã đạt kim ngạch bằng 77,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê ít nhưng lại là những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường và năng lực tốt như: Công ty Louis Dreyfus (xuất đạt gần 312 triệu USD), Công ty Xuất nhập khẩu Hoa Trang (72,3 triệu USD), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (67,5 triệu USD), Công ty TNHH Trung Hiếu (23 triệu USD)... Đặc biệt, việc Công ty Louis Dreyfus (doanh nghiệp FDI) đã tích cực gia tăng khối lượng cà phê xuất khẩu; so với năm 2013, kim ngạch của doanh nghiệp này tăng hơn 5 lần, đóng góp đến 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu mặt hàng cà phê năm 2014, ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Tác động của chính sách đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Trong đó, việc miễn thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông sản đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua cà phê thuận lợi hơn và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi thông qua chính sách tín dụng ưu tiên cho xuất khẩu cũng là một nguyên nhân.
Ngoài yếu tố chính sách, phải kể đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực như tìm kiếm mở rộng thị trường để gia tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu, chú trọng đầu tư trang-thiết bị sản xuất, xây dựng kho, đảm bảo nguồn hàng ổn định và chất lượng, tạo uy tín lâu dài với đối tác.
Cũng theo ông Tục, kim ngạch xuất khẩu cà phê đang giữ vị trí số 1 trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong vài năm gần đây.
Với thế mạnh sản xuất cây công nghiệp với gần 80.000 ha cà phê đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng cà phê bình quân hàng năm ở Gia Lai vào khoảng 180.000 tấn (50% kinh doanh xuất khẩu, còn lại chế biến phục vụ thị trường nội địa), trong khi xuất khẩu năm nay trên 242.000 tấn.
Thiếu hụt nguồn hàng tại địa phương nên các doanh nghiệp đã chủ động thu hút nguồn hàng từ các tỉnh khác nhằm gia tăng sản lượng, đảm bảo hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.
Xuất khẩu cà phê thuận lợi một mặt do thị trường xuất khẩu hoạt động cơ bản ổn định, giá xuất khẩu tuy có biến động nhưng phần lớn theo chiều hướng tăng, bình quân ở mức 1.990 USD/tấn.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, kinh doanh xuất khẩu nếu không gặp rủi ro sẽ mang lại lợi nhuận cao và ổn định hơn kinh doanh nội địa. Rủi ro ở đây là do thay đổi tỷ giá, do hàng không đảm bảo chất lượng, không sản xuất đúng quy chuẩn kỹ thuật bị trả về. Vì vậy, mặt hàng tham gia xuất khẩu phải được cơ quan chuyên môn kiểm định khắt khe hơn hàng kinh doanh nội địa. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến máy móc, trang-thiết bị sản xuất...
Đặc biệt, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu rất cần nguồn tín dụng ngân hàng cung ứng đủ và kịp thời, bởi vốn cho lĩnh vực này rất lớn trong khi năng lực về tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa đủ mạnh.
Có thể nói, hoạt động xuất khẩu năm nay có bước đột phá mạnh mẽ cả về quy mô lẫn tốc độ tăng, nhiều mặt hàng chủ lực mà chủ yếu là cà phê đã góp phần tăng kim ngạch của tỉnh lên mức cao nhất từ trước đến nay, đóng góp nhiều vào việc ổn định đầu ra nguyên liệu cho nông dân, góp phần tạo ra nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Từ 27 quốc gia năm 2013, đến nay các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của tỉnh đã mở rộng thị trường ra 35 quốc gia trên thế giới, để không quá phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đã gia tăng khối lượng xuất khẩu đáng kể ở nhiều thị trường khó tính như: Thụy Sỹ (178 triệu USD), Mỹ (61 triệu USD), Italia (39,4 triệu USD), Singapore (38,7 triệu USD), Nhật Bản (22,3 triệu USD), Tây Ban Nha (22,6 triệu USD)...
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietforest) cho biết, người trồng keo tràm đang rơi vào tình thế bị thiệt thòi và chưa có phương án để giải quyết.
Ông Dương Văn Tân, năm nay trên 60 tuổi là một nông dân sản xuất giỏi ở thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. An Khê là vùng trọng điểm sản xuất mía của tỉnh Gia Lai, mía là cây trồng chủ lực. Gia đình ông Tân hiện đang kinh doanh 3 ha mía
KTĐT - Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.
Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok
Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…