Giá Điều Giảm, Nông Dân Lao Đao
Điều là một trong những cây trồng chủ lực của Bình Phước, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, giá đang giảm mạnh khiến hàng trăm hộ dân trồng điều lo lắng, băn khoăn không biết nên tiếp tục duy trì loại cây này hay chặt bỏ...
Đầu năm 2011, người trồng điều Bình Phước nói riêng và ngành điều cả nước nói chung rất phấn khởi vì giá điều tăng cao, có lúc lên đến 37.000-38.000 đồng/kg. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi giá điều đã giảm liên tục, hiện chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hồng Thái ở xã Tân Tiến (huyện Đồng Phú) cho biết, gia đình có 10ha điều đang thu hoạch, năng suất ước đạt gần 1 tấn/ha, đến nay đã thu hoạch được 4 tấn. Với giá điều đầu vụ, gia đình anh lãi trên 200 triệu đồng, thế nhưng bây giờ giá điều giảm nên anh chẳng mong đợi gì nhiều. Theo anh Thái, nguyên nhân chủ yếu khiến điều sụt giá là do thương lái viện cớ hạt điều xấu vì trời mưa nên ép giá nông dân, trong khi giá điều thế giới không hề giảm. “Hiện, tôi vẫn thuê nhân công thu hoạch điều, phơi sấy cẩn thận, đóng bao để chờ giá lên mới bán. Tôi thà chịu lỗ chứ cương quyết không để cho thương lái ăn chặn”, anh Thái nói.
Ông Hoàng Văn Thiệu ở thôn 8, xã Long Hà (huyện Bù Gia Mập) bức xúc: “Thương lái chỉ chờ trời mưa xuống là viện cớ giảm giá. Trời mưa ảnh hưởng đến bề ngoài của hạt điều, làm hạt bị xỉn màu, nhưng không thể hạ tới hơn 10.000 đồng/kg được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 157.000ha điều, sản lượng đạt gần 157.000 tấn/năm. Tháng trước điều được giá, nhiều gia đình đã tích cực thuê nhân công thu hái, sơ chế, nhưng lời lãi chưa được là bao thì giá điều giảm, khiến bà con gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này chủ yếu là do thương lái ép giá nông dân. Chính nghịch lý này đang làm người trồng điều mất niềm tin vào các doanh nghiệp thu mua, chế biến.
Đáng nói là hệ thống thu mua điều còn nhiều hạn chế, hầu hết các doanh nhiệp không trực tiếp thu mua mà phải thông qua hệ thống thương lái. “Nếu ngành điều không sớm đưa ra những biện pháp nhằm giúp nông dân giảm bớt khâu trung gian trong việc mua bán, ổn định giá cả thì chắc chắn trong tương lai, diện tích điều sẽ tiếp tục giảm. Hiện, đã có nhiều hộ chặt bỏ điều để chuyển sang trồng cao su”, ông Đon cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Dù không có lợi thế về khí hậu, đất đai, song Hà Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành “thủ phủ” nuôi bò sữa giữa đồng bằng sông Hồng với số lượng có thể lên tới 15.000 con.
Thời gian qua, trong khi một số địa phương đang loay hoay tìm hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thì tại một số xã của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang lại đang có bước chuyển dịch, phát triển theo hướng tích cực.
Vụ Mùa 2015, lần đầu tiên Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP) thực hiện mô hình trên cây lúa giống phân bón NPK chứa silic và vi lượng dạng chelate (NPKSilic).
Theo lãnh đạo HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ở vụ hành sớm năm 2015 có 18 hộ trồng hành tím là thành viên của HTX tham gia mô hình trồng cà chua xen hành tím với tổng diện tích hơn 2,8 ha được Công ty TNHH MTV T16 Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu.
Theo kế hoạch trong vụ mía 2015 - 2016 này, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ chấm khoảng 350 rẫy mía của những hộ dân đăng ký trở thành thành viên Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha (CLB 200) do Casuco sáng lập.