Giá Chuối Tăng, Người Dân Ít Có Lợi
Thời gian gần đây, chuối mốc tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được thu mua với giá từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Tuy giá chuối cao, nhưng nhiều thương lái trung gian tại địa phương chỉ mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, nên người dân ít có lợi.
Chuối hút hàng
Hơn 2 tháng nay, thương lái đổ xô về Khánh Sơn để thu mua chuối mốc. Trên đường lên Khánh Sơn, chúng tôi bắt gặp hàng chục người chở chuối mốc bằng xe gắn máy về xuôi; ngoài ra chúng tôi còn gặp 5 ô tô chở chuối.
Đang gùi chuối trên rẫy về, chị Bo Bo Liệu (thôn Dốc Gạo, xã Ba Cụm Bắc) cho biết: “Mấy ngày nay, chuối bán được giá nên ngày nào vợ chồng tôi cũng lên rẫy chặt chuối. Với hơn 0,5ha chuối, mỗi ngày, vợ chồng tôi có thể thu được 300.000 đồng từ việc bán chuối. Gia đình tôi đang tính chuyện chuyển đổi 0,5ha trồng bắp sang trồng chuối”.
Giá chuối cao đã giúp cho anh Bo Bo Hùng (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) kiếm được tiền triệu từ việc làm trung gian đi thu gom chuối của người dân trong thôn để bán lại cho các thương lái đi mua chuối bằng ô tô.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 550ha chuối, thu hoạch bình quân hơn 450 tấn chuối/tháng. Những địa phương có diện tích chuối lớn như: xã Thành Sơn có hơn 350ha, xã Ba Cụm Bắc hơn 165ha, thị trấn Tô Hạp hơn 54ha...
Ở những địa phương này, hàng ngày có rất nhiều người đi thu mua chuối. Gặp chúng tôi khi đang gom chuối lên ô tô tại thị trấn Tô Hạp, anh Đông - thương lái ở huyện Diên Khánh cho biết: “2 tháng nay, chuối hút hàng nên giá cũng duy trì ở mức cao từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg (cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm này năm trước). Trung bình mỗi ngày, tôi có thể thu gom hơn 15 tấn chuối mốc tại Khánh Sơn để bán lại cho các đầu nậu lớn ở xã Suối Cát (huyện Diên Khánh)”.
Được biết, thời gian gần đây, có 4 - 5 thương lái từ TP. Cam Ranh, 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh đổ về Khánh Sơn thu mua chuối. Họ chủ yếu gom chuối từ các điểm thu mua nhỏ lẻ trên địa bàn huyện hoặc những người mua chuối bằng xe máy chở đến bán. Đến khi đủ chuyến sẽ đưa chuối về xuôi.
Sở dĩ giá chuối mốc tăng cao thời gian qua là do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn. “Từ cuối tháng Giêng đến khoảng cuối tháng Tư (âm lịch) là thời điểm phía Trung Quốc “ăn hàng” nhiều.
Vì vậy, các vựa chuối xuất khẩu đi Trung Quốc đặt hàng khối lượng lớn. Thế nhưng, dù cố gắng lắm, chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được cho các vựa khoảng 15 - 20 tấn chuối mỗi ngày”, bà Nguyễn Thị Kính - đầu nậu thu mua chuối ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) chia sẻ. Nếu như trước đây, các thương lái chủ yếu thu mua chuối già thì hiện nay, do giá chuối tăng mạnh, hụt nguồn cung nên chuối chưa già vẫn được thương lái thu gom.
Theo nhận định của các thương lái, giá chuối cao sẽ không duy trì được lâu, bởi đến đầu tháng Năm âm lịch, khi chuối ở Lào thu hoạch rộ thì thị trường Trung Quốc sẽ nhập nhiều chuối từ Lào. Khi đó, chuối từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc không nhiều, giá chắc chắn sẽ giảm.
Thương lái ép giá
Tuy chuối hút hàng, giá tăng, nhưng không phải nông dân nào cũng vui mừng. Hiện nay, giá chuối được các thương lái thu mua bằng ô tô với giá hơn 6.000 đồng/kg. Tuy biết bán chuối cho các thương lái thu gom bằng ô tô thì giá cao hơn, nhưng nhiều hộ không dám bán, bởi đã trót “bán non” cho các thương lái trung gian tại địa phương.
Chủ một điểm mua nông sản ở xã Ba Cụm Bắc cho biết, họ chỉ mua chuối của nông dân khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg. “Sở dĩ chúng tôi mua chuối của người dân giá thấp là vì ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cho bà con ứng trước tiền. Đến khi thu hoạch chuối, họ sẽ phải bán cho chúng tôi để trừ nợ. Nếu họ bán cho người khác thì chúng tôi sẽ không ứng trước tiền cho họ nữa”, người này cho biết.
Quan sát tại điểm thu mua chuối này, nhiều người sau khi bán chuối vẫn không mấy vui mừng bởi số tiền họ có được từ việc bán chuối không nhiều mà chủ yếu rơi vào túi thương lái trung gian.
Không riêng xã Ba Cụm Bắc mà ở nhiều địa phương khác tại Khánh Sơn, tình trạng thương lái thu mua nông sản non khá phổ biến. Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình lo lắng: “Sơn Bình là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn nhất huyện.
Ngoài cây chuối, trên địa bàn xã còn có nhiều diện tích cây trồng khác với sản lượng rất cao. Hầu hết sản phẩm chỉ được tiêu thụ qua kênh thương lái nên đầu ra khá bấp bênh, giá cả không ổn định, thậm chí thương lái ép giá khi mua. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”.
Ông Bùi Văn Chuyền - nhân viên Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn cho biết: Thực tế lâu nay, tại đây vẫn tồn tại việc người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán nông sản non. Tuy Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện thu mua nông sản cho người dân với giá thị trường (cao gần gấp đôi so với việc bán cho thương lái), nhưng do người dân đã nhận tiền đầu tư của các thương lái nên khi thu hoạch nông sản, nông dân phải bán cho thương lái với giá khá thấp.
Lý giải về việc Trung tâm không thể cạnh tranh được với thương lái khi thu mua nông sản, ông Chuyền cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là không có vốn để đầu tư ứng trước cho người dân nên họ không bán nông sản cho đơn vị.
Do giá chuối tăng cao, tiêu thụ dễ dàng nên nhiều nông hộ ở Khánh Sơn tính chuyện mở rộng diện tích trồng chuối, hoặc chuyển đổi cây trồng khác sang trồng chuối. Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện, trước thực trạng giá chuối bấp bênh, UBND huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng chuối, mà chỉ duy trì diện tích trên địa bàn huyện khoảng 500ha.
Hiện nay, Khánh Sơn đang chú trọng việc cải tạo giống chuối cũng như hướng dẫn về kỹ thuật để nông dân tập trung đầu tư tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung đầu tư cho những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, mít nghệ, mía tím, cà phê... Ngoài ra, một số loại cây trồng mới như: macca, bơ booth có nhiều tiềm năng cũng sẽ được đưa về trồng thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Từ hoa bản địa đến hoa ngoại nhập với đủ loại từ bình dân đến cao cấp. Mai, quất là loại cây kiểng truyền thống được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất để trưng bày trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tại cơ sở cây cảnh Thịnh Thảo (vòng xoay gần Lotte Mart) những cành hoa mai đang chớm nụ dự báo nở rộ đúng ngay dịp tết.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Cần Thơ, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850 triệu USD, tương đương 8,3% kế hoạch năm, chiếm 75,2% tổng kim ngạch hàng hóa đã xuất của khu vực này trong tháng đầu năm.
Vượt qua mọi khó khăn, mạo hiểm ban đầu, đến nay giấc mơ chinh phục “vàng trắng” với người trồng cao su ở Điện Biên đang dần hiện thực hóa khi dòng “vàng trắng” đầu tiên sắp chảy về. Với người dân góp đất trồng cao su cũng như những người “đứng mũi chịu sào” thì ngày “hái quả” đang đến gần.
Cả hợp tác xã có 53 ha, cứ 5 - 8 ha lại có một ao lắng để cấp nước đã qua xử lý cho các ao nuôi tôm, theo chỉ đạo của Hợp tác xã, khi con nước lớn và sạch mới lấy nước vào ao lắng, sau đó khử trùng bằng Iodine, sau 5 - 7 ngày mới lấy nước vào ao nuôi tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi và ao lắng.
Những năm qua, bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã lựa chọn những mô hình sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trinh (xã Vĩnh Phú Đông), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá nên thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.