Gia Cầm Đón Vụ Cuối Năm
Trong 2 tháng gần đây, giá các loại gia cầm đã đồng loạt nhích lên khiến người chăn nuôi phấn khởi vì làm ăn có lãi, nên bắt đầu tăng đàn đón vụ cuối năm.
Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chuyên nuôi gà lấy trứng ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nhớ lại: “Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gia cầm dẫu có biến động xấu cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng là bình ổn trở lại.
Năm nay khác thường hơn, giá gia cầm giảm sâu và kéo dài khiến người chăn nuôi khốn đốn, ai may lắm là huề vốn, còn hầu hết đều thua lỗ nặng. Hiện nhờ dịch bệnh được khống chế, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm đều tăng nên người chăn nuôi đã biết đến đồng lãi”.
Đi một vòng các trang trại, gia trại nuôi gà ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát…, chúng tôi được người chăn nuôi cho biết, giá gà công nghiệp lông vàng đang được thương lái người miền Bắc vào thu mua mạnh với giá từ 70.000 đến 72.000đ/kg; gà ta nuôi trang trại có giá từ 52.000-55.000đ/kg; gà ta thả vườn đứng ở mức giá khá cao, từ 80.000 đến 85.000đ/kg.
Như vậy, so với mức giá cách đây khoảng 2 tháng, giá gà các loại đều tăng từ 20.000 đến 25.000đ/kg. Bên cạnh đó, giá trứng gà công nghiệp cũng đã tăng lên 2.000-2.200đ/trứng, trứng gà ta đứng ở giá từ 3.000 đến 3.300đ/trứng. So với trước đây, trứng gà công nghiệp và cả trứng gà ta đều tăng từ 200-500đ/trứng.
“Trang trại của tui đang nuôi 400 con gà siêu trứng, với giá trứng đứng ở mức 2.000-2.200đ/trứng, mỗi ngày tui thu được lãi ròng 300.000đ. Tui đang tiếp tục đầu tư cho đàn gà hậu bị hơn 200 con để chuẩn bị cung ứng cho thị trường thời điểm cuối năm và những ngày Tết năm tới”, ông Võ Công Khương, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Định, cho biết:“Chúng tôi hiện đang tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống lạnh cho đàn gia súc gia cầm, tiêm phòng dịch bệnh trong suốt mùa mưa. Đồng thời khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý việc nuôi vịt chạy đồng, giám sát chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm mới để đề phòng dịch bệnh tái phát”.
“Thuyền lên nước lên”, nếu như trong thời điểm giá thấp cách đây vài tháng, do làm ăn thua lỗ nên hầu hết các trang trại, gia trại nuôi gà ở Bình Định đều “treo chuồng” thì hiện nay đang nhập gà giống để chuẩn bị cung ứng cho thị trường cuối năm.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức ổn định nên tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn. Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi cấp I ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc (Tuy Phước-Bình Định), cho hay: “Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi giữ ổn định giá bán nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người chăn nuôi.
Hiện giá thức ăn chăn nuôi mang các nhãn hiệu: CP, Cargill, Con Cò, Green Feed… đang ở mức từ 270.000đ-590.000đ/bao (25 - 40 kg/bao). Giá các loại thức ăn chăn nuôi ổn định, trong khi giá các loại gia cầm tăng trở lại tạo điều kiện cho người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn”.
Ông Cao Văn Khanh, chủ một cơ sở chuyên cung ứng gà ta giống ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết thêm: “Từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi trên địa bàn tăng khá mạnh nên mỗi ngày cơ sở của tui cung ứng từ 15.000 đến 20.000 con gà giống 1 ngày tuổi với giá 17.000 đ/con.
So với cách đây 2 tháng, giá gà giống đã tăng được 5.000 đ/con. Hiện nay, cơ sở của tui đang thiếu nguồn giống cung ứng cho người chăn nuôi, vì phong trào tái đàn của bà con đang rất mạnh”.
Bình Định đang chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, nên song song với việc tái đàn, cơ quan chuyên môn lẫn người chăn nuôi ở tỉnh này cũng đang tăng cường các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ cho đàn gia cầm an toàn đến thời điểm cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Theo giới thiệu của cán bộ phòng nông nghiệp huyện, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Trương Công Suất, ở làng Côn, xã Ái Thượng, ông cho biết: “Sau khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, gia đình tôi đầu tư đóng 5 lồng bè, thả từ 300 đến 400 con cá.
Tuy nhiên, trong tổng số diện tích trên có tới 1.400 ha không chủ động được nguồn nước trong quá trình sản xuất. Nguyên nhân là do những diện tích này nằm trên độ dốc cao, trong khi hệ thống thủy lợi xuống cấp, thiếu nguồn nước, năng lực tưới kém, do vậy, hiệu quả sản xuất không cao.
Vấn đề tìm đầu ra cho nông sản đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, câu chuyện “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa” cũng là nỗi lo thường trực của nông dân và các ngành chuyên môn.
Thời gian qua, huyện Yên Định đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn, như: Hỗ trợ đất đai, chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết đấu mối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh...
7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản của thị xã đạt 11.566 tấn, bằng 61,5% so với kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài việc bảo đảm về sản lượng khai thác, nhiều tàu cá với trang thiết bị ngày càng hiện đại đã khai thác được nhiều sản phẩm có giá trị cao như cá ngàng, cá ngừ...