Giá Cá Tra Tăng Trở Lại
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Các doanh nghiệp cho rằng giá cá tra tăng, một phần là do nguồn cá đang dần khan hiếm do nhiều người nuôi tại khu vực này đã “treo ao”.
Đẩy mạnh mua cá quá lứa
Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá cá tra "nguyên liệu" tại ĐBSCL liên tục sụt giảm và dao động ở mức thấp, thì kể từ sau tết, giá đã tăng ít nhất 1.000 đồng/kí lô gam.
Ông Nguyễn Văn Sáng, thương nhân mua cá tra tại huyện Châu Phú, An Giang, cho biết hiện cá tra có trọng lượng từ 1 kí lô gam/con trở lên có giá 21.200 - 21.500 đồng/kí lô gam với trường hợp thanh toán tiền mặt, tăng 1.000 - 1.500 đồng/kí lô gam. Còn loại cá tra từ 0,7 – 0,9 kí lô gam/con được bán với giá 22.500 - 23.500 đồng/kí lô gam, cao hơn 1.000 đồng/kí lô gam so với thời điểm trước tết.
Theo ông Sáng, hiện các doanh nghiệp chế biến cá tra tại An Giang đang đẩy mạnh mua cá có kích cỡ lớn, từ 1 kí lô gam/con trở lên.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), nói việc một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đẩy mạnh tiêu thụ cá quá lứa (cá có kích cỡ trên 1 kí lô gam/con) là dấu hiệu của nguồn cá trong dân đang dần khan hiếm.
Thông thường, các doanh nghiệp chết biến chỉ mua loại cá tra có trọng lượng từ 0,7 – 0,9 kí lô gam/con để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Giá tăng, người nuôi vẫn lỗ
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra fillet của một số thị trường chính có chiều hướng gia tăng trở lại.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương, cũng là Phó chủ tịch Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết gần đây có nhiều khách hàng mới đến bàn chuyện hợp đồng nhập khẩu cá tra fillet với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Ông Kịch của Cafatex cho rằng, số khách hàng mới là có nhưng nhiều trong số họ là khách mới của một doanh nghiệp nào đó chứ cũng chẳng phải là mới đối với thị trường Việt Nam. Ông lý giải với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng trước đây có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra làm ăn “chụp giựt”, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay từ ngân hàng… nhưng nay nguồn vốn này bị eo hẹp và gặp khó thì đã phá sản nên số khách hàng của các công ty này quay sang tìm những nhà cung cấp khác của Việt Nam.
Do vậy, ông Kịch nói có ý kiến cho rằng thị trường đã có dấu hiệu ấm lên nhưng những dấu hiệu này “chưa rõ ràng”.
Ông Nguyển Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), cho biết dấu hiệu ấm lên của thị trường là do nguồn nguyên liệu đang trở nên khan hiếm nên đã giúp kéo giá cá tra nguyên liệu nhích lên.
“Không riêng năm 2013, mọi năm trước cũng thế, nhu cầu của các nước nhập khẩu thường tăng trong thời điểm này. Hiện do nguồn cá đang thiếu hụt nên giá có nhích lên chút đỉnh, chứ chưa hẳn do thị trường khởi sắc mạnh”, ông Kịch nói.
Dù giá cá tra có tăng nhưng người nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL, bao gồm An Giang, Đồng Tháp… cho rằng giá này vẫn còn thấp hơn giá thành 1.000 - 2.000 đồng/kí lô gam.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để ngành chăn nuôi sống tốt trong sân chơi TPP cần đổi mới phương thức sản xuất.
Các hãng cà phê ngoại đưa nhà máy chế biến tại Việt Nam đi vào hoạt động, cơ sở rang xay nhỏ lẻ phát triển... tạo cơ hội cho xuất khẩu cà phê chế biến tăng cao.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong 10 tháng của năm 2015 chỉ đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ, giảm đến 12% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội – Maxcova vừa công bố thông tin tổ chức chuỗi sự kiện tại Liên bang Nga nhằm hưởng ứng Hiệp định Thương mại tự do vừa được ký kết tháng 5/2015.
Từ năm ngoái đến nay, dư luận xã hội khá ồn ã với những thông tin, nhận định về gạo Campuchia- đối thủ đáng gờm của gạo Việt - thể hiện những bước tăng tốc mạnh mẽ trên đường đua xuất khẩu gạo.