Giá Bồi Thường Cây Trồng Trên Địa Bàn Tỉnh Cần Sớm Xây Dựng, Ban Hành Mới Cho Phù Hợp Hơn

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn thư khiếu kiện với nội dung liên quan đến đền bù, hỗ trợ cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất. Người dân cho rằng khung giá mà Nhà nước đưa ra đối với một số loại cây trồng hiện nay là chưa thực sự phù hợp với giá trị thực tế trong từng giai đoạn.
Cụ thể, theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 1/11/2011 của UBND tỉnh về việc quy định giá bồi thường cây trồng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì mức giá áp dụng cho đa phần loại cây trồng kinh doanh đều chưa phù hợp với thực tế.
Cụ thể, cây cao su kinh doanh từ năm thứ 1 đến năm thứ 4 có mức giá loại A là 230.000 đồng/cây, loại B 184.000 đồng/cây và loại C 138.000 đồng/cây; cây tiêu từ năm thứ 5 trở đi thì loại A được áp dụng mức giá 485.000 đồng/cây, loại B 388.000 đồng/cây và loại C 291.000 đồng/cây (chưa bao gồm giá đầu tư trụ); cây điều kinh doanh từ năm thứ 3 trở lên loại A có giá 170.000 đồng/cây…
Với quy định trên, người dân cho rằng nếu cây trồng trong thời điểm chăm sóc thì không nói làm gì nhưng thời điểm thu hồi giải tỏa mà cây trồng đang trong giai đoạn kinh doanh thì rất nhiều trường hợp bị thiệt thòi. Ví dụ, đối với cây điều, khả năng cho năng suất đạt cao nhất là khoảng từ năm thứ 6, 7 trở lên.
Tuy nhiên trong khung giá của UBND tỉnh chỉ áp dụng một mức tối đa cho cây điều từ 3 năm trở lên nên nhiều trường hợp cùng 2 vườn điều, một bên là điều kinh doanh năm thứ 3 và một bên là điều kinh doanh năm thứ 7 nhưng giá đền bù lại như nhau. Trong khi đó, giá trị kinh tế của vườn điều năm thứ 7 lớn hơn rất nhiều so với vườn điều năm thứ 3.
Tương tự, đối với cây cao su, cà phê, mức giá cũng chưa được thực sự chi tiết với giá trị tại thời điểm cây trồng cho sản phẩm năng suất như cà phê kinh doanh từ 3 năm trở đi đều có chung một mức giá; cao su kinh doanh từ 5 năm trở lên đều có chung một mức giá.
Chưa kể đến, khung giá của tỉnh được xây dựng từ năm 2011 nên đến nay, một số cây trồng mới hoặc giá cây trồng biến động lớn nhưng chưa được bổ sung dẫn đến khó khăn cho việc áp giá khi đền bù.
Chẳng hạn như cây tiêu thời điểm năm 2011 được tính 485.000 đồng/cây tiêu kinh doanh loại A từ năm thứ 5 trở đi và đến nay khung giá vẫn chưa thay đổi. Thế nhưng giá hồ tiêu từ năm 2011 so với năm 2013 và thời điểm hiện tại đã tăng lên hơn 4 lần. Trong đền bù trụ tiêu, quy định cũng mới chỉ đề cập đến một số loại trụ như trụ gỗ, trụ xây, trụ sống mà chưa có danh mục trụ bê tông hoặc trụ cây sống là loại cây ăn quả kinh doanh được trồng xen canh.
Đối với một số loại cây mới như măng cụt, khung giá đưa ra theo người dân cũng chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, cây măng cụt hiện nay khoảng từ năm thứ 6 đến năm thứ 7 là đã cho quả và đến khoảng từ năm thứ 11 trở đi thì bắt đầu cho năng suất cao. Nhưng trong quy định, cây măng cụt kinh doanh chỉ được tính bắt đầu từ năm thứ 11 trở đi, còn năm thứ 10 trở về trước chỉ được tính theo giá trị chăm sóc…
Ông Nguyễn Đăng Nhân, Chánh Thanh tra huyện Đắk R’lấp cho biết: “Qua thực tế tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện thời gian qua cho thấy, vì một số bất cập trong khung giá đền bù cây trồng hiện nay đã làm phát sinh khiếu kiện. Vì thế, việc thay đổi, bổ sung khung giá đền bù các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất cần thiết để vừa tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho đơn vị chức năng trong kê khai, áp giá đền bù, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân”.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 vừa qua, đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tỉnh UBND tỉnh cũng cho biết: “Việc xây dựng, ban hành khung giá bồi thường mới đối với cây trồng trên địa bàn tỉnh cần phải thực hiện ngay trong năm 2014. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng như địa phương phải sớm rà soát, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh phương án cụ thể về giá đền bù, hỗ trợ các loại cây trồng trên địa bàn theo hướng phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn hiện nay”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Hữu Ánh, phó trưởng Trạm khuyến nông - lâm - ngư huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết để khắc phục tình trạng bị thoái hóa giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, một nhóm kỹ sư của trạm đã nhân giống thành công chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với các loại giống chuối thông thường, chuối nuôi cấy mô có thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, thu hoạch đại trà cả vườn một lần, năng suất cao...

Hươu ở Hương Sơn đang có bước tăng đột phá cả về tổng đàn và giá trị kinh tế nhờ biết kết hợp các hình thức nuôi. Hà Tĩnh đang tập trung các giải pháp để tìm đầu ra cho nhung hươu.

Mong muốn tìm ra được loại giống đậu bắp thuần chủng đạt chuẩn, kháng sâu bệnh, năng suất cao, đáp ứng được thị trường xuất khẩu, lão nông Lê Văn Trung (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã sang Nhật và “săn” được giống tốt.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa X) của Đảng về phát triển kinh tế biển, ngư dân đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã nuôi gần 500 lồng cá bớp thương phẩm, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Huyện Thuận Thành đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp chống úng và tích cực, linh hoạt trong công tác chống hạn với phương châm: cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau, tập trung tưới nhanh gọn và đủ. Các trạm bơm lớn bơm rút dưới, các trạm bơm nhỏ tranh thủ tận dụng nguồn nước trên kênh tiêu để bơm tưới, hạn chế sự xâm nhập nước ngoại lai, trừ trường hợp phải tạo nguồn cho trạm bơm lớn hoạt động.