Ghép Chồi Cà Phê Ở Ðắk Mil Mang Lại Kết Quả Khả Quan
Trong những năm gần đây, để cải tạo các diện tích cà phê già cỗi, người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.
Vào thời điểm này đang là giai đoạn cuối của mùa khô, nhưng những vườn cà phê ghép chồi của bà con vẫn xanh tốt, tán lá sum suê. Gia đình bà Trương Thị Tỉnh ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh trồng cà phê từ năm 1983.
Do chưa có kinh nghiệm nên ngày đó, bà Tỉnh chủ yếu chọn hạt giống từ những rẫy cà phê trong xã về ươm thành cây giống để trồng. Vì thế, năng suất, chất lượng vườn cà phê hàng năm không cao, dù gia đình rất chú trọng đến các khâu chăm sóc. Sau nhiều lần tìm cách cải tạo vườn cà phê kém năng suất của vườn nhà, bà được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách ghép chồi trên cây cà phê.
Với những kiến thức có được, bà đã tiến hành chọn một số cây cà phê có ưu điểm vượt trội trong vườn để lấy chồi ghép và mỗi năm ghép khoảng 200 cây. Sau vài năm thì vườn cà phê của bà Tỉnh đã được “trẻ hóa” bằng cách cắt bỏ thân già ghép chồi non để tái sinh trở lại.
Theo bà Tỉnh thì do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình đã phát triển vượt trội so với các vườn chưa cải tạo giống trong vùng. Nếu như trước đây khi chưa ghép chồi cho vườn cây, bà chỉ thu hoạch gần 3,5 tấn/ha thì những năm gần đây, vườn cà phê của bà cho thu hoạch từ 6 -7 tấn/ha.
Nhận thấy vườn cà phê nhà bà Tỉnh cho năng suất cao, người dân trong vùng tìm đến tham quan học tập kinh nghiệm, lấy giống về ghép. Ông Nguyễn Thành Nam ở xã Đắk Sắk nghe tiếng cũng tìm đến tận nơi học tập kinh nghiệm.
Ông Nam cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi có đến tìm hiểu và học cách ghép chồi để cải tại vườn cà phê của gia đình bà Tỉnh về áp dụng tại vườn nhà. Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện cách làm này, kết quả hơn cả mong đợi là 500 cây cà phê ghép chồi tái canh phát triển khá tốt”.
Ngoài những vườn cà phê được bà con đúc kết kinh nghiệm, thay thế giống mới bằng phương pháp ghép chồi thì những năm gần đây, việc cải tạo, tái canh cà phê ở huyện Đắk Mil cũng được các cấp, ngành chuyên môn như Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp - PTNT triển khai nhiều mô hình tái canh cà phê, trong đó có áp dụng phương pháp ghép chồi.
Được sự hỗ trợ về giống ghép cũng như hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện được hưởng lợi. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Thành Công ở thôn 11B, xã Đắk Lao đã ghép 3,5 ha cà phê với nhiều loại giống như TR5, TR6, TR8...
Vườn cà phê ghép mới được một năm, nhưng cành vươn ra khỏe mạnh, thân mập mạp, lá xanh tốt, trái nhiều. Hơn nữa, cà phê ghép ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt. Nhờ đó, mỗi năm, từ vườn cà phê ghép, gia đình ông Công đã thu hoạch được 6,3 tấn/ha, tăng gấp 2 lần so với giống cũ.
Theo bà con nông dân, hiệu quả ban đầu cho thấy, phương pháp ghép chồi cần thận trọng ở các khâu cưa gốc và kỹ thuật ghép, chỉ chọn những cây có u ở thân để chồi phát triển, không nên cưa thân bằng phẳng hay lõm xuống mà mặt cưa phải có độ chênh hướng về phía mặt trời mọc và xoay lưng về phía mặt trời lặn để hạn chế việc nứt thân.
Phương pháp ghép cải tạo cà phê có nhiều ưu điểm là dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, rút ngắn được thời gian chăm sóc, cây sớm cho thu hoạch hơn so với trồng cây mới… đó là những lợi thế của phương pháp ghép chồi tái canh so với việc nhổ bỏ vườn cà phê cũ để trồng mới hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
Chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với những đồn thổi về chất lượng thịt của loại chồn này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua chồn nhung đen về nuôi mong thu lợi cao.
Trong thời gian qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên thê giới liên tục giảm mạnh, nhưng giá TĂCN vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá TĂCN trong nước cũng sẽ giảm.
Ở các nước phát triển, nông dân thường dùng những chậu cá nhỏ, bể nuôi, hoặc hồ nuôi cá để vận dụng làm mô hình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh.
Cùng với trồng trọt, huyện Tam Nông đã và đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị, hiệu quả, tập trung ở các hộ có điều kiện về mặt bằng, đầu tư vốn, ứng dụng kỹ thuật giống, thức ăn, phòng trị bệnh. Theo số liệu điều tra đầu năm 2013 toàn huyện có trên 213.100 con trâu, bò giảm gần 30% so với năm 2008; đàn lợn 30 ngàn con, tăng gần 1.900 con; đàn gia cầm có 780 ngàn con, tăng gần 150 ngàn con.
Thời gian gần đây người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi giảm. Trung tâm Giống vật nuôi Phú Thọ đã có nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn.