Gặt Đập Liên Hợp Đắt Khách
Dịch vụ máy gặt đập liên hợp (GĐLH) ngày càng phát triển, làm không hết việc. Đầu tư máy GĐLH đi làm dịch vụ chỉ khoảng 3 năm là thu hồi vốn.
Thâm canh tăng vụ khiến nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL ngày càng lớn, từ khâu làm đất, bơm tưới đến thu hoạch và sau thu hoạch. Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH có nhiều cái lợi nên nông dân rất ưa chuộng.
Giá thu hoạch bằng máy thấp hơn thu hoạch thủ công khoảng 1,5 triệu đ/ha, lại giảm thất thoát trong khâu thu hoạch từ 5-6% xuống còn 2%, từ đó lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể.
Nếu như trước đây nông dân mua máy chủ yếu để làm ruộng nhà, sau đó mới đi làm thêm cho bà con xung quanh thì hiện nay đã có nhiều người sở hữu 3-4 máy, chuyên đi làm dịch vụ.
Anh Nguyễn Công Hiếu, ở ấp kênh 4A, xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp (Kiên Giang) đang có trong tay 5 chiếc máy GĐLH hiệu Kubota (do Nhật Bản sản xuất) chuyên đi làm dịch vụ. Anh Hiếu là một trong những nông dân tiên phong mua máy GĐLH về phục vụ SX.
Khởi nghiệp từ chiếc máy do Trung Quốc SX, làm ăn hiệu quả nên số máy của gia đình anh cứ tăng dần từng năm.
Theo anh Hiếu, khi máy GĐLH mới xuất hiện, nông dân còn dè dặt không dám thuê nhưng sau họ kêu làm không hết việc. Không chỉ làm trong ấp, anh Hiếu còn đi nhiều địa phương khác để làm dịch vụ.
Anh Hiếu tâm sự: “Hồi mới mua máy, tôi đi làm quanh năm, thời gian máy hoạt động lên đến 6-7 tháng/năm, công thuê cắt cũng cao nên trừ chi phí còn lãi đến 40-50%. Vì vậy, máy chỉ cần hoạt động 1,5-2 năm là đã thu hồi vốn”.
Rồi khi máy Nhật xuất hiện, anh lại quyết định bán máy Trung Quốc chuyển sang đầu tư máy Nhật. Anh Hiếu cho biết: “Các loại máy do Trung Quốc và Việt Nam sản xuất chỉ sử dụng được 6 vụ (3 năm) là máy hư hỏng rất nhiều, không còn khả năng đi làm dịch vụ.
Máy do Nhật sản xuất sử dụng bền hơn rất nhiều, lên đến trên 10 vụ. Vì vậy, máy Nhật dù có giá thành cao hơn từ 100-150 triệu đ/máy vẫn được nhiều nông dân đầu tư mua sắm để làm dịch vụ mang lại hiệu quả cao hơn”.
Ngay cả nông dân và thương lái đi mua lúa cũng chọn máy Nhật vì yên tâm hơn, không sợ bị hỏng hóc nửa chừng, phải chờ đợi. Vì vậy, những người trước đây lỡ mua máy Trung Quốc hoặc máy do các xưởng cơ khí trong nước sản xuất giờ chỉ có thể làm ruộng nhà mà thôi.
Ông Lê Văn Thương, một thương lái chuyên thu mua lúa ở Tân Hiệp cho biết: “Máy Nhật có tính ổn định cao, ít khi bị hư hỏng vặt nên khi đã đặt cọc với nông dân là cầm chắc mua được lúa.
Còn những loại máy khác, nhất là khi máy đã cũ rất hay bị nằm đồng do hư hỏng, phải đợi qua ngày sau mới đầy ghe lúa, vừa mất thời gian vừa lỡ lịch hẹn sấy, chất lượng gạo bị giảm, dễ bị thua lỗ”.
Hiện nay, thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa của tỉnh Kiên Giang mới đạt khoảng 60-70% diện tích. Hơn nữa, nhiều máy đã cũ, nhất là máy do Trung Quốc sản xuất nên hoạt động không còn hiệu quả. Vì vậy, nhu cầu mua sắm máy mới vẫn còn rất lớn.
Theo tính toán của các chủ máy, bình quân thời gian hoạt động của máy GĐLH hiện nay từ 60-70 ngày/năm, trong đó 2/3 thời gian là làm tại tỉnh nhà, còn lại đi làm dịch vụ ngoài tỉnh. Với 3 vụ lúa/năm, một máy có thể thu hoạch được từ 200 - 250 ha.
Trừ chi phí nhiên liệu, thuê mướn nhân công theo máy, khấu hao… lợi nhuận thu được khoảng 150-200 triệu đ/máy. Với giá máy như hiện nay thì chỉ sau 3 năm hoạt động chủ máy sẽ thu hồi vốn đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá – lúa đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Đó cũng là hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Với quy mô hơn 20.000 con gà được chăn nuôi theo hướng VietGAP, mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Phúc (Trực Hùng, Trực Ninh, tỉnh Nam Định)
Ông Thịnh, người nuôi hàng nghìn con lươn trong can nhựa ở Hậu Giang, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng có những chia sẻ bất ngờ về kỹ thuật nuôi lươn
Đó là mô hình nuôi gà bằng thảo dược của ông Nguyễn Minh Lý, ngụ ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Mô canh tác lúa của của ông Dương Xuân Quả (Năm Nhã) cả vụ chỉ sử dụng sữa tươi, hột gà và phân lân Địa Long phun cho lúa.