Gặp Khó Khăn Trong Tiêu Thụ Dong Riềng
Cùng với các địa phương khác, thời điểm này người dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đang tập trung thu hoạch dong riềng, năng suất trung bình ước đạt 60 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang là mối quan tâm lớn của người dân và các cấp, ngành chức năng.
Gia đình anh Lý Mã Phương là hộ đầu tiên của xã Nhạn Môn thu hoạch của dong riềng. Do ít nhân lực (2 vợ chồng và một người con), diện tích lớn (khoảng 2ha) nên vợ chồng anh Phương phải chủ động thu hoạch từ 2 tuần trước. Nương đồi ở vị trí không thuận lợi về giao thông, lo lắng về thị trường tiêu thụ, gia đình anh đã đầu tư mua máy sơ chế củ dong riềng với quy mô nhỏ. Theo tính toán của anh Phương, nếu thuê công vận chuyển và bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg, thì hiệu quả kinh tế rất thấp. Với máy sơ chế quy mô nhỏ sử dụng chủ yếu nhân công của gia đình sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của cây dong riềng. Sơ chế xong lượng củ của gia đình, anh Phương dự định sẽ giúp đỡ các hộ dân trong thôn.
So với những địa phương khác, người dân xã Giáo Hiệu gặp thuận lợi hơn trong việc bán củ dong riềng vì ngay tại xã có cơ sở sơ chế. Khoảng nửa tháng trước, cơ sở sơ chế này tiến hành thu mua và sơ chế tinh bột. Giá thu mua dao động đầu vụ từ 1.000 – 1.200 đồng/kg, nhưng hiện nay giảm xuống còn dưới 1.000 đồng/kg. Với công suất 40 – 50 tấn/ngày, cơ sở sơ chế ở Giáo Hiệu chỉ có thể đảm nhận tiêu thụ dong riềng cho người dân địa phương và lan sang một số xã lân cận. Trong khi đó, vì một số lý do nên cơ sở sơ chế dong riềng tại xã Bộc Bố trong năm nay đã ngừng hoạt động. Điều này càng gây sức ép lớn hơn đối với vấn đề tiêu thụ củ dong riềng cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND xã Cổ Linh cho biết: Năm 2013, toàn xã trồng được hơn 50ha cây dong riềng với sản lượng ước đạt hơn 3.000 tấn. Nửa tháng qua địa phương mới thu hoạch được khoảng 10% diện tích dong riềng. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ diễn ra chậm, giá bán thấp nên người dân muốn chờ đến khi giá tăng lên một chút rồi mới bán. Hiện tại, giá dong riềng chỉ dao động từ 700 – 800 đồng/kg, thấp bằng một nửa so với giá thu mua của năm trước.
Trong khi đó, các hộ dân đã thu hoạch dong riềng ở xã Nghiên Loan đang rất mong đợi giá thu mua có thể tăng thêm. Anh Mã Văn Dương– Trưởng thôn Khuổi Phây cho biết: Một tuần trước đã có 5 hộ dân trong thôn thu hoạch dong riềng bán cho tư thương với giá 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các tư thương này cũng chỉ thu mua với lượng nhỏ sau đó quay lại trả giá thấp xuống mức 800 đồng/kg, vì thế bà con chưa bán. Rất nhiều bao tải đựng củ dong riềng của các hộ dân vẫn xếp cạnh đường đợi được giá sẽ bán.
Trong khi đó, huyện Pác Nặm cũng đã đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn để tìm giải pháp giúp người dân bán nông sản. Một trong những giải pháp đó là kêu gọi các tư thương tham gia thu mua củ dong riềng cho người dân. Huyện Pác Nặm đã tiến hành thương thuyết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng thu mua dong riềng trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa thành. Theo lãnh đạo huyện Pác Nặm cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ củ dong riềng cho người dân trong huyện chính là vấn đề giao thông. Hiện tại, 2 tuyến đường huyết mạch của huyện đều trong quá trình thi công đã phần nào gây khó khăn cho việc vận chuyển nông sản của các tư thương, doanh nghiệp.
Nhiệm vụ quan trọng của huyện thời gian này là tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tư thương, doanh nghiệp tiêu thụ hết lượng củ dong riềng trong dân với tổng sản lượng ước khoảng 13.000 tấn. Từ những khó khăn trong khâu tiêu thụ đang gặp phải bên cạnh việc cần tới sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng thì vấn đề đặt ra trong những năm tới là huyện Pác Nặm cần có sự tính toán hợp lý về diện tích, đẩy mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình tiến hành sơ chế tại chỗ để bảo đảm phát triển cây dong riềng một cách bền vững, góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.
Đánh giá này trong báo cáo nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do RCD và Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố.
Trung bình mỗi năm, ngành chăn nuôi cần thêm 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu trong nước; đồng nghĩa với việc, ngành chăn nuôi ngành càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.
Trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong khu vực, trong khi cơ chế xuất khẩu gạo lại mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.