Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gặp đại gia sở hữu 25 ha tiêu

Gặp đại gia sở hữu 25 ha tiêu
Ngày đăng: 19/10/2015

Nét đặc biệt của vị đại gia này chính là anh không cho rằng mình lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, mà tất cả nhờ vào sự quyết tâm, ý chí kiên định trên con đường đã chọn và cộng thêm một chút táo bạo của tuổi trẻ.

Đất cũ đãi người mới

Thời gian gần đây, tại tổ 8 (thị trấn Chư Sê) bỗng mọc lên một căn nhà bề thế với giá trị hơn 5 tỷ đồng và bên trong còn có 3 chiếc ô tô đắt tiền khiến nhiều người không khỏi tò mò.

Tại phòng khách, đập vào mắt chúng tôi là một chiếc giá sách trưng bày hơn hai chục giấy khen, bằng khen, huy chương do các bộ, ngành trung ương và địa phương khen thưởng cho gia chủ vì những cống hiến trong sự nghiệp làm nông.

Khi chủ và khách yên vị bên bộ tràng kỷ đắt tiền, người đàn ông với dáng người to khỏe đúng chất dân lao động mộc mạc kể lại quá trình làm giàu của mình.

 

Anh Đào Tiến Tình bên vườn tiêu của gia đình.

Quê anh ở xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Nơi đây vốn là vùng đất chiêm trũng, đất chật người đông, rất khó cho việc sản xuất nông nghiệp.

Tại quê, sau khi lập gia đình, bố mẹ tạo dựng cho vợ chồng anh Tình một cửa hàng vật liệu xây dựng nho nhỏ.

Dù đôi vợ chồng trẻ luôn cần mẫn, chí thú lao động song mãi cũng chỉ vừa đủ ăn, cuối năm không dư dả được là bao.

Cuộc sống tưởng rằng cứ thế bình thản qua đi thì đến năm 1999, khi anh Tình “hộ tống” đứa cháu vào Gia Lai thi Trường Cao đẳng Sư phạm.

Trong lúc vào huyện Chư Sê thăm người quen, anh phát hiện nhiều người trước đây nghèo đến độ phải ly hương nhưng giờ có của ăn của để.

Tò mò tìm hiểu thì anh Tình được biết, nhờ trồng hồ tiêu, cà phê và gặp lúc được giá, năng suất cao nên họ nhanh chóng phất lên.

Quá ấn tượng với điều này, anh Tình đã bỏ công tìm hiểu vùng đất này.

Trở về nhà, sau nhiều đêm trăn trở, anh nói với gia đình về quyết định lập nghiệp tại mảnh đất Tây Nguyên.

“Khuyên mãi không được, mọi người cũng đành để tôi đi.

Thế là gom góp, vay mượn được khoảng 20 triệu đồng, tôi để lại vợ và đứa con trai mới 4 tuổi, bắt xe vào Chư Sê”.

Qua giới thiệu của bạn bè, anh Tình mua được 1,5 ha rẫy cà phê của một chủ bỏ lâu không chăm sóc ở xã Al Bá với giá 17 triệu đồng.

Thế là, với số vốn ít ỏi còn lại, anh Tình bỏ công cải tạo vườn cà phê xấu.

Hàng ngày, để có tiền sinh sống, anh đi làm thuê cho các nhà vườn lân cận.

Khi không có việc, anh lại chịu khó đạp xe ra thị trấn mua lương thực, thực phẩm rồi cần mẫn vào các thôn làng khó khăn về giao thông để bán lại cho bà con kiếm lời.

Bao nhiêu tiền do vất vả lao động mà có được, anh Tình đều đầu tư vào vườn cà phê, gọi là lấy ngắn nuôi dài.

Chỉ 2 năm sau, 1,5 ha cà phê đã hồi phục, chẳng những giúp anh thu hồi đủ vốn mà còn dư thêm chút đỉnh.

“Trong một lần tự đào giếng để có nước tưới vườn, chẳng may tôi bị tai nạn phải nằm ở bệnh viện mất 5 tháng.

Rồi khi Tết đến Xuân về, người ta đầm ấm bên vợ con, còn mình thì lủi thủi trong vườn cà phê.

Thế là, sau nhiều lần thuyết phục, đến năm 2003, vợ và con đã đồng ý vào Gia Lai với tôi.

Khi vợ chồng đã đồng lòng, tôi tin rằng không có thứ gì trên đời có thể ngăn cản mình làm giàu”-anh nói.

Thời gian này, phong trào trồng tiêu ở Gia Lai đang phát triển rầm rộ.

Anh quyết định lấy số tiền tích cóp bấy lâu, vay thêm ngân hàng được 15 triệu đồng để mua 3 sào đất, trồng 700 gốc tiêu.

Nhờ sự cần cù của hai vợ chồng, 3 năm sau, vườn tiêu cho năng suất và thu nhập cao.

Và đến nay, sau nhiều năm kiên nhẫn tích tụ đất đai, anh đã có hơn 25 ha hồ tiêu (trong đó hơn 10 ha với trên 17.000 trụ tiêu đang thời đỉnh kinh doanh).

Như vậy là, chỉ mới rời quê hương Thái Bình được 15 năm, anh Tình đã có trong tay một cơ ngơi hoành tráng với giá trị nhiều tỷ đồng.

Hội viên nông dân trên cả tuyệt vời

Điều đặc biệt là, với diện tích đất lớn như thế nhưng anh Tình chỉ sở hữu 2 bìa đỏ và 2 lô đất này nằm cách nhau không xa là mấy.

Đây cũng chính là thuận lợi cho việc bảo quản nông sản, đầu tư, canh tác theo hướng công nghệ cao.

Vài niên vụ gần đây, giá hồ tiêu luôn dao động ở mức từ 170.000 đồng đến 230.000 đồng/kg thì 10 ha hồ tiêu kinh doanh của anh Tình cho thu nhập mỗi năm trên dưới chục tỷ đồng, sau khi trừ chi phí.

Riêng niên vụ 2013 - 2014, gia đình anh Tình thu được sản lượng kỷ lục, lên đến 60 tấn, lại trúng vào thời điểm giá tiêu lên đến 230 ngàn đồng/kg.

Có tiền, anh tập trung mua thêm máy móc, xây dựng nhà kho, mua sắm phương tiện sản xuất, sinh hoạt đắt tiền.

Đưa chúng tôi tham quan vườn tiêu, anh Tình chia sẻ.

Mỗi trụ như vậy cho thu hoạch từ 10kg đến 14kg, với năng suất bình quân đạt 5 đến 7 tấn/ha.

Nói về bí quyết, anh Tình cho biết, để vườn tiêu đạt năng suất cao cũng như ổn định qua từng mùa, gia đình anh chỉ bón phân hữu cơ do nhà tự làm.

Nghĩa là, gia đình anh mua phân bò về, trộn thêm chất độn là trấu, mùn cưa, tro mía, men vi sinh, sau đó ủ một thời gian sẽ cho ra một loại phân cực tốt và bền vững đối với cây tiêu.

Cũng theo anh Tình, việc tự chế phân bón này ngoài làm cho tiêu sinh trưởng tốt cũng tiết kiệm cho gia đình hơn một nửa chi phí phân tro nếu so với việc đi mua phân vi sinh từ bên ngoài.

Ngoài ra, anh còn thường xuyên chăm sóc, tỉ mẩn kể cả đến từng trụ tiêu, chẳng khác nào chăm con mọn.

Theo anh Tình, thường ngày luôn có 15 người làm cho gia đình anh với thu nhập từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng.

Những lúc vào mùa, mỗi ngày anh thuê hơn 100 nhân công hái tiêu và phải hái cả tháng trời mới xong.

Toàn bộ lao động, anh đều thuê đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vì tin tưởng vào sự trung thực ngoài ra là tạo việc làm cho họ lúc nông nhàn.

Nhiều người làm công cho anh đã tiện thể tiếp thu học luôn kỹ thuật chăm sóc tiêu rồi về áp dụng cho gia đình, tạo ra hiệu ứng tốt trong vùng.

Đánh giá về vị “đại gia chân chất” này, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chư Sê Đỗ Văn Khánh cho biết.

Anh Tình là một hội viên Hội Nông dân trên cả tuyệt vời.

Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, anh luôn tâm huyết với công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương, nhất là phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Hàng năm, gia đình anh Tình hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để giúp các hộ nghèo ở địa phương làm kinh tế, hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn.

Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật sản xuất và tạo việc làm cho nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Vụ Cá Bắc Đạt 42.250 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản Vụ Cá Bắc Đạt 42.250 Tấn

Vụ cá Bắc vừa qua (từ tháng 10 năm 2013 đến hết tháng 3 năm 2014), ngư dân tỉnh Thanh Hoá đã kiên trì bám biển dài ngày để khai thác hải sản.

18/03/2014
Không Nên Vội Bỏ Tôm Sú Không Nên Vội Bỏ Tôm Sú

Cách đây 4-5 năm, nông dân thường phải đắn đo suy nghĩ giữa việc chọn thả nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng (TTCT) trước mỗi vụ tôm mới. Tuy nhiên, do vụ tôm thẻ cuối năm 2013 thắng lớn nên hiện nay TTCT là lựa chọn số 1 của nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL.

21/02/2014
Xuất Khẩu Tôm Doanh Nghiệp Thiếu “Thẻ Thông Hành” Xuất Khẩu Tôm Doanh Nghiệp Thiếu “Thẻ Thông Hành”

Xuất khẩu thủy sản, trong đó có tôm, được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn ở ĐBSCL. Vậy nhưng bài toán nguồn tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến đến nay vẫn chưa có lời giải. Đến mùa vụ, doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu “khát tôm”, còn nguồn tôm do nông dân sản xuất ra lại thay nhau tuồn ra ngoài?

18/03/2014
GAA Ra Mắt Trang Web Về EMS GAA Ra Mắt Trang Web Về EMS

Một trong những tài liệu quan trọng là báo cáo của GAA về EMS mang tên “Managing the perfect killer”, tài liệu là cơ sở cho hội thảo toàn cầu về EMS tổ chức tại Việt Namhồi tháng 12/2013.

21/02/2014
Hội Thảo Về An Toàn Thức Ăn Và Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi Hội Thảo Về An Toàn Thức Ăn Và Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi

Ngày 14-3, Hội Chăn nuôi (CN) tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ CN Xuân Phú (tỉnh Đồng Nai) tổ chức Hội thảo về an toàn thức ăn CN và giải pháp giảm chi phí, tăng năng suất trong CN. Tham dự hội thảo, có GS-TS Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cùng 150 đại biểu là đại diện các trạm thú y trong tỉnh và là các hộ CN của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

18/03/2014