Gạo Hữu Cơ Đến Mỹ
Gạo được trồng theo phương thức hữu cơ có màu sắc sáng đẹp hơn, hương thơm hơn. Khi cắn hạt gạo, gạo chắc và có vị ngọt hơn. Cơm nấu để qua đêm trong tủ lạnh vẫn thơm dẻo.
Mỹ là nước XK gạo lớn, nhưng hàng năm nước này vẫn NK một lượng gạo không nhỏ. Đáng tiếc là do vấn đề chất lượng, gạo Việt Nam gần như chưa thâm nhập được vào thị trường khá tiềm năng này. Tuy nhiên, đến nay, đã có một DN làm được điều ấy.
Vừa qua, Cty CP Nông Nghiệp GAP (TP HCM) đã mang sản phẩm gạo hữu cơ lúa – tôm sang Mỹ cho người tiêu dùng nước này nếm thử. Kết quả cho thấy, những người Mỹ ăn thử cơm nấu từ gạo hữu cơ lúa – tôm đều đánh giá là ngon hơn so với cơm nấu từ các nhãn hiệu gạo Thái Lan đang bán phổ biến ở Mỹ như gạo 3 cô gái, gạo ông Địa …
Không chỉ người tiêu dùng Mỹ, gạo hữu cơ lúa – tôm của Cty CP Nông Nghiệp GAP cũng đã thuyết phục được những nhà NK gạo ở nước này. Bà Lê Thị Tú Anh, TGĐ Cty CP Nông nghiệp GAP, cho hay, một DN Mỹ đã ký hợp đồng NK gạo hữu cơ lúa – tôm, sắp tới, sẽ có 10 container được đưa sang nước này. Qua đó, đánh dấu sự kiện gạo Việt Nam XK được vào thị trường khó tính gần như nhất thế giới.
Để có được hạt gạo hữu cơ lúa – tôm nói trên, từ năm 2013, Cty CP Nông nghiệp GAP đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tại vùng luân canh lúa – tôm ở ĐBSCL, trong dự án “Tốt lúa – lợi tôm”. Trong vụ lúa 2013, Cty đã triển khai được trên diện tích 407,6 ha tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh, với 622 hộ nông dân tham gia. Tất cả những hộ này đều ký hợp đồng kinh tế với Cty CP Nông nghiệp GAP.
Theo đó, nông dân được chỉ định trồng giống lúa thơm ST5, được công ty hỗ trợ phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm 80%. Trong suốt quá trình sản xuất, nông dân tuân thủ quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Sau khi thu hoạch, lúa sẽ được công ty bao tiêu lại toàn bộ với giá cao hơn thị trường 5% trong 3 năm đầu. Từ năm thứ 4, công ty sẽ bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20%.
Có thể nói, bằng con đường đầu tư sản xuất gạo theo hướng hữu cơ, Cty CP Nông nghiệp GAP đã đưa được sản phẩm gạo của mình vào thị trường khó tính mà trước đây, các DN XK gạo chuyên nghiệp chưa làm nổi.
Sau thành công nói trên, công ty này đã mời một số DN XK gạo chuyên nghiệp như Cty Lương thực Sông Hậu, Cty Gentraco … cùng hợp tác tổ chức trồng và XK gạo thơm được sản xuất theo hướng hữu cơ vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU ...
Kết quả của vụ lúa đầu tiên cho thấy, năng suất lúa đạt mức bình quân khá tốt. Ở Trà Vinh, năng suất bình quân 5,4-6 tấn/ha, Kiên Giang 6-7 tấn/ha (có hộ đạt trên 8 tấn/ha), Sóc Trăng 6,5-8 tấn/ha, Bạc Liêu 6-7 tấn/ha. Năng suất bình quân của các ruộng lúa tham gia dự án “Tốt lúa – lợi tôm” đều tương đương hoặc cao hơn so với các ruộng lúa ngoài quy trình.
Với phương thức đầu tư sản xuất như trên, Cty CP Nông nghiệp GAP đã có được sản phẩm gạo hữu cơ với chất lượng cao. Theo đánh giá của kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ giống lúa thơm ST, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ trên nền đất luân canh lúa – tôm, nên giống lúa ST đã giữ được chất lượng vốn có của nó.
Không những thế, lúa trong dự án được canh tác theo phương thức hữu cơ kết hợp với nền đất nhiễm mặn đặc biệt của vùng luân canh lúa – tôm, đã làm cho chất lượng và hương thơm của hạt gạo được nâng lên ở tầm cao hơn.
GS.TS Võ Tòng Xuân, nhận định, so với các mẫu gạo thơm ST được trồng bằng phân hóa học và gạo thơm Thái Lan, gạo ST5 được trồng theo phương thức hữu cơ trong dự án có màu sắc sáng đẹp hơn, hương thơm hơn. Khi cắn hạt gạo, gạo chắc và có vị ngọt hơn.
Còn theo đánh giá của người tiêu dùng, cơm được nấu từ gạo hữu cơ lúa – tôm vẫn thơm dẻo ngay cả khi để qua đêm trong tủ lạnh. Không những thế, nhờ phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, mà những ruộng lúa tham gia dự án đã được cải tạo theo hướng tạo một môi trường tốt cho nuôi trồng thủy sản.
Nhờ đó, sau khi thu hoạch lúa và tiến hành nuôi tôm, cua, tỷ lệ sống của tôm cua trên những ruộng này đều cao hơn hẳn so với các ruộng sử dụng phân bón vô cơ khi sản xuất lúa, tôm cua cũng lớn nhanh hơn …
Đặc biệt, sau khi thu hoạch, Cty CP Nông nghiệp GAP đã gửi mẫu gạo hữu cơ lúa – tôm sang cho đối tác bên Mỹ là Cty Green Rice Field Tradinh để kiểm tra. Kết quả cho thấy, gạo hữu cơ lúa – tôm đạt tất cả các yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV của Mỹ. Đồng thời, phía khách hàng cũng đánh giá cao về chất lượng, hương vị của gạo.
Nhờ đó, mà như đã nói ở trên, sắp tới, gạo hữu cơ lúa – tôm của Việt Nam sẽ được XK sang Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
“Mới đầu mùa mà trời nắng nóng gay gắt, con người mà cũng không trụ nổi, huống chi là tôm. Thời tiết này mà kéo dài thì diện tích tôm nuôi bị bệnh chết còn diễn biến phức tạp”- anh Hà Dũng, người nuôi tôm ở xã Phú Xuân (Phú Vang - Thừa Thiên - Huế) bày tỏ.
Nhằm phát triển cây vải thiều bền vững, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang không chỉ chủ động hỗ trợ người dân về mặt sản xuất, mà còn đẩy mạnh chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra ổn định cho quả vải.
Tam Dương là một trong 3 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, BHNN đã giúp nông dân trong huyện yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Nghề khai thác rong mơ đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đông, xã Ninh Vân) có thu nhập khá cao trong suốt thời gian dài. “Những năm trước, khai thác rong mơ là nghề hái ra tiền ở xã Ninh Vân, vì vậy cứ tới mùa rong mơ (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) là cả làng đi biển, lặn rong.
Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi, nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.