Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gạo Đồ Hướng Đi Mới Trong Xuất Khẩu Gạo

Gạo Đồ Hướng Đi Mới Trong Xuất Khẩu Gạo
Ngày đăng: 31/07/2013

An Giang có 2 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạo đồ (parboiling) là Công ty TNHH Khiêm Thanh và Công ty Cổ phần Toàn Cầu, có tổng công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày. Không chỉ bán được giá cao hơn, chế biến gạo đồ còn giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo hiện tại.

Theo Giám đốc Sở Công thương Mai Thị Ánh Tuyết: Gạo đồ là sản phẩm được một số nước Đông Âu, Châu Á, Trung Đông rất ưa chuộng, nên việc doanh nghiệp ở An Giang mở rộng sản xuất mặt hàng này là định hướng tích cực, mới mẻ và đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, để tiếp cận thị trường mới đang có nhu cầu lớn. Hơn nữa, giá xuất khẩu gạo đồ chênh lệch cao hơn so gạo thường từ 40-50 USD/tấn, đây là lợi thế rất tốt.

Do đó, vấn đề tiếp tục tác động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo đồ không dễ, vì thị trường hiện tại đang thuộc về Thái Lan và Ấn Độ, trong khi đầu tư vào gạo đồ có nhiều khó khăn hơn so với gạo trắng. Do chi phí đầu tư cao và việc tìm thị trường xuất khẩu loại gạo này khó khăn, nên nhiều công ty chưa mạnh dạn đầu tư.

Hơn nữa, chế biến gạo đồ chỉ cần một loại lúa nguyên liệu đồng nhất, không phân biệt phẩm cấp theo phần trăm tấm như gạo trắng, nên các nhà máy có thể sử dụng loại lúa IR50404 hạt dài để chế biến, giải quyết một phần đầu ra cho loại lúa mà các cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế sử dụng nhiều năm qua chưa có kết quả. Hơn nữa, chế biến gạo đồ có thể sử dụng được lúa ướt, mua trực tiếp từ đồng ruộng, giúp người dân đỡ công sấy và bảo quản, nhất là lúc thu hoạch vụ hè thu mưa bão liên tục như thời gian qua.

Là doanh nghiệp tiên phong của tỉnh đầu tư dây chuyền sản xuất gạo đồ hiệu quả, Giám đốc Công ty Cổ phần Toàn Cầu Trần Ngọc Khanh (ấp Phú Hòa, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) cho biết: Từ năm 2010, công ty đã tham gia thị trường xuất khẩu gạo đồ, đến nay, bình quân mỗi năm xuất khẩu từ 60.000-70.000 tấn sang thị trường Trung Đông, loại 5% tấm, với giá cao hơn giá xuất gạo trắng vài chục USD/tấn.

Công ty thu mua lúa tươi với giá rất hấp dẫn: OM 4218 giá 5.200 đồng/kg, OM 6976 giá 5.000-5.100 đồng/kg, IR 50404 giá 4.900 đồng/kg, nhờ đó góp phần tiêu thụ lượng lớn lúa hàng hóa cho nông dân tại đồng. Bà Lý Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Khiêm Thanh (ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân), đơn vị có kim ngạch xuất khẩu gạo khá lớn ở Phú Tân nói rằng: Giá gạo đồ trên thị trường xuất khẩu luôn cao hơn khoảng 50 USD/tấn so với gạo trắng thường cùng loại.

Như vậy, cái được đầu tiên trong việc xuất khẩu gạo đồ là góp phần vào mở rộng thêm thị trường cho hạt gạo Việt Nam, nhất là ở những nước lâu nay vẫn tiêu thụ gạo đồ với khối lượng lớn. Nhưng cái được lớn hơn chính là hiệu quả kinh tế, nhất là đối với người nông dân.

Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồ, giá gạo đồ tuy cao hơn gạo trắng tới 40-50 USD/tấn, nhưng chi phí sản xuất gạo đồ cao hơn, nên lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hạt gạo đồ chỉ cao hơn gạo trắng một chút, nhưng nông dân thì lại có thêm được khoản tiền không nhỏ nhờ bán lúa cho nhà máy chế biến gạo đồ. Hơn nữa, do được làm từ lúa tươi, nên các doanh nghiệp có thể mua lúa trực tiếp từ người nông dân mà không cần phải qua nhiều tầng nấc trung gian như khi sản xuất gạo trắng.

Việc doanh nghiệp mạnh đạn đầu tư xuất khẩu gạo đồ có ý nghĩ rất lớn trong bối cảnh khó khăn đầu ra của hạt gạo như hiện nay. Ngoài ra, góp phần giúp giải quyết đầu ra cho lúa IR 50404 và lúa ướt trong vụ hè thu. Đây được xem là hướng đi mới của “hạt ngọc” Việt đối với thị trường xuất khẩu.

Gạo đồ là loại gạo thu được từ lúa, được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác, như: Xay xát, đánh bóng… Cuối cùng thu được gạo đồ chứa 80% dinh dưỡng so với gạo lứt và hạt gạo đã được nấu chín một phần. Hạt gạo đồ cứng và bóng hơn gạo trắng. Nấu cơm gạo đồ cần thời gian lâu hơn, cơm cứng và ít dính hơn. Thông thường phải đun từ 20 đến 35 phút gạo mới chín.

Lượng gạo thương mại toàn cầu khoảng 35-36 triệu tấn/năm, trong đó gạo đồ chiếm 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn cung loại gạo đồ chủ yếu đến từ Thái Lan và Ấn Độ với trên 70% tổng sản lượng. Trong khi đó, Việt Nam đang có nhiều ưu thế so với hai nước xuất khẩu gạo đồ lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt Nam có chất lượng tốt với nhiều chủng loại trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu đã được hoàn thiện sau nhiều năm xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 3 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được gần 16.400 tấn gạo đồ (chiếm khoảng 1,13% tổng lượng gạo xuất khẩu). Điều đó cho thấy đầu tư gạo đồ là thể hiện sự phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Gừng Đà Bắc Rớt Giá Thê Thảm Ở Hòa Bình Gừng Đà Bắc Rớt Giá Thê Thảm Ở Hòa Bình

Vài năm trở lại đây, gừng ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) bán rất được giá và khá hơn so với cây trồng khác cùng vụ. Nhưng năm nay giá gừng đột ngột giảm mạnh, nhiều hộ trồng gừng “sốc” với giá rẻ như bèo, bán ra thì lỗ nặng, để lại chờ giá thì khó bảo quản được lâu vì khi gừng héo và nhú mọng sẽ mất giá trị.

21/01/2013
Sạt Nghiệp Vì Cá Lồng Bè Chết Sạt Nghiệp Vì Cá Lồng Bè Chết

Sau 1 trận mưa, hàng chục hộ dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nuôi cá bè, lồng trên sông Kênh Than bỗng dưng trắng tay vì cá chết hàng loạt.

02/08/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ta Thả Đồng Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ta Thả Đồng

Đi dọc tuyến quốc lộ 12B qua xóm Lạng, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) người đi đường sẽ thấy rất nhiều những “trại gà” của những hộ nông dân ngay trên những cánh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Trên từng khoảnh ruộng, khu ruộng có đến hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn.

22/01/2013
Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi

Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.

22/01/2013
Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc được thương lái mua tại vườn với giá cao, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nhà vườn chuyên canh trái xoài đặc sản này ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đạt lợi nhuận cao.

23/01/2013