Ông Bàn Tay Xòe
Tiếp xúc với Tư Khanh vài lần, đã thấy ngay ông là một con người mang đậm nét tính cách của một anh Hai Nam Bộ: giản dị, dễ gần, phóng khoáng, trọng nghĩa tình ...
Là con nhà cách mạng, từ năm 10 tuổi, Tư Khanh đã bắt đầu đi làm giao liên cho cách mạng. Tới năm 14 tuổi, ông bị trúng đạn vào cánh tay phải, mà di chứng thương tật còn để lại đến tận bây giờ, đó là những ngón tay bị co rụt khiến cho ông không thể tự sơ - vin hoặc đi giày. Thành ra, tiếng là doanh nhân giỏi, từng vinh dự góp mặt trong đoàn 1.000 doanh nhân tiêu biểu của cả nước về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…, nhưng dù ở nhà hay đi làm ăn giao dịch ở đâu đó, Tư Khanh vẫn luôn bỏ áo ngoài quần và đi dép lê. Người không biết, cứ tưởng Tư Khanh chỉ là một ông nông dân chân chất nào đó.
Sau ngày thống nhất đất nước, Tư Khanh trở về quê nhà, làm Bí thư Đảng ủy xã Song Thuận khi mới 19 tuổi. 24 tuổi ông đã làm Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành. Ngoài 30 tuổi, ông lên làm Phó Giám đốc Sở Lâm sản Tiền Giang. Đường quan lộ như vậy, kể cũng khá hanh thông. Nhưng rồi lại có nhiều lúc thăng trầm.
Sau khi về hưu, Tư Khanh trở về quê nhà và được anh em cựu chiến binh tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Song Thuận. Ngày ấy, dân Song Thuận còn nghèo, gia đình 124 cựu chiến binh, phần lớn đều khó khăn, vất vả. Thương anh em từng vào sinh ra tử mà giờ vẫn phải chịu cảnh nghèo, chất lính trong con người Tư Khanh lại “sôi” lên.
Còn 11 gia đình cựu chiến binh vẫn đang phải sinh sống trong những căn nhà mà mái lá đã dột nát, còn cột thì xiêu vẹo. Tư Khanh nghĩ ra cách giúp những gia đình cựu chiến binh ấy bằng phong trào “Mái tôn thay lá” và “Bộ cột đồng đội”, tức là vận động anh em cựu chiến binh có điều kiện, đóng góp mái tôn, cột nhà để giúp những cựu chiến binh nghèo khó sửa sang lại nhà cửa.
Do cánh tay phải bị thương, mỗi khi phát biểu trong các cuộc họp cựu chiến binh, Tư Khanh thường dùng bàn tay trái, các ngón xòe ra “chém” vào không khí. Thành thử, anh em cựu chiến binh trong xã gọi luôn những kế hoạch đó của ông bằng cái tên rất tếu táo theo kiểu lính là “kế hoạch bàn tay xòe”.
Xóa xong nhà dột nát, Tư Khanh tiếp tục vận động anh em cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo. Lần này “kế hoạch bàn tay xòe” của Tư Khanh lại rất… ngược đời. Ông đề xuất trích quỹ hội mua 5 con dê giống, 10 con thỏ giống rồi giao cho các hộ cựu chiến binh có điều kiện kinh tế khá giả, có kinh nghiệm chăn nuôi. Một năm sau, những hội này bàn giao lại cho Hội 10 con dê và 60 con thỏ được sinh ra từ số dê và thỏ nói trên. Toàn bộ số dê và thỏ đó được Hội cấp không cho các hộ cựu chiến binh nghèo.
Ngoài chương trình đó, Tư Khanh còn vận động anh em nuôi heo. Thấy nhiều hộ cựu chiến binh không có tiền mua cám, ông đánh liều mang sổ đỏ khu đất của mình tới thế chấp cho nhà máy thức ăn gia súc, lấy cám về cho anh em nuôi, 6 tháng sau trả lại. Nghe ông làm vậy, có người tới can: “Lỡ có người không chịu trả thì ông mất đứt cái nhà”. Nghe vậy, Tư Khanh chỉ cười: “Thời chiến tranh, anh em cùng nhau ra trận mà chẳng so đo, tính toán gì. Bây giờ, mình có lòng giúp họ thì chắc không anh em nào nỡ để Tư Khanh này bị mất nhà đâu”.
Đúng như suy nghĩ của Tư Khanh, những người được ông giúp mua cám chịu đều đã thanh toán đầy đủ. Và nhờ những “kế hoạch bàn tay xòe” đầy nghĩa tình đồng đội và cũng rất sáng tạo như trên, Tư Khanh đã góp công sức không nhỏ trong việc giúp cho toàn bộ các hộ cựu chiến binh ở xã Song Thuận thoát nghèo. Nhiều hộ nay đã trở nên khá giả.
Độc chiêu từ bưởi
Nhưng điều làm cho Tư Khanh được bạn bè, bà con trong vùng cũng như ở khắp nơi xa gần, biết tới và nể phục hơn cả, là ở chỗ ông đã mày mò nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng độc đáo từ bưởi và các loại cây cỏ khác.
6 năm trước, một “cơn bão” quét ngang qua các vườn bưởi ở Song Thuận nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. “Cơn bão” đó không đến từ biển mà lại từ mấy bài báo dịch từ báo chí nước ngoài viết rằng ăn bưởi có nguy cơ ung thư (mà không phân biệt rằng thứ bưởi đó là bưởi chùm bên Mỹ, khác hẳn với bưởi mình), khiến cho trái bưởi rụng vàng dưới những gốc cây vì bị người tiêu dùng từ chối.
Bưởi vườn nhà bán chẳng ai mua, bưởi từ các vườn khác trong xóm cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm. Máu lính lại nổi lên, Tư Khanh quyết tâm nghĩ cách làm sao để những trái bưởi đó không bị bỏ đi một cách oan uổng. Vốn đã có bằng lương y, lại đã từng nghe nói tới một số bài thuốc dân gian từ bưởi, nhất là việc một số người bị bệnh rụng tóc đã từng thử dùng tinh dầu bưởi để kích thích cho mọc tóc, Tư Khanh nghĩ nếu làm được bài thuốc mọc tóc từ bưởi, ông không chỉ có giúp cho nhiều người bị rụng tóc có cơ hội “phủ xanh đất trống đồi trọc”, mà sẽ làm gia tăng đáng kể về giá trị cho cây bưởi quê nhà. Nghĩ là làm. Ông bắt tay ngay vào việc mày mò thử nghiệm hết ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, Tư Khanh cũng đã tạo được loại tinh dầu từ hoa bưởi và vỏ bưởi có khả năng kích thích cho tóc mọc trở lại.
Để chắc ăn, Tư Khanh đem tặng cho nhiều người bị rụng tóc để họ dùng thử, trong đó có cả những Việt kiều về thăm quê. Sau một thời gian ngắn, phần lớn những người dùng thử đã hồ hởi báo cho Tư Khanh biết tóc họ đã mọc lên. Hai “đầu xanh”, chủ một tiệm mỹ phẩm ở gần nhà Tư Khanh, bị rụng tóc đã lâu năm. Tháng nào, Hai “đầu xanh” cũng tốn tiền triệu dùng mấy loại thuốc mọc tóc của nước ngoài, mà không ăn thua. Nhưng sau 2 tháng dùng hết 3 chai dầu bưởi của Tư Khanh, tóc trên đầu Hai “đầu xanh” đã lún phún ngoi lên. Hai “đầu xanh” mừng quá, phóng xe đến nhà Tư Khanh. Xe chưa vào đến sân mà đã nghe thấy tiếng Hai “đầu xanh” khoe ầm cả lên “mọc, mọc rồi …”. Tư Khanh cho Hai “đầu xanh” thêm vài chai dầu nữa. Dùng xong, cái biệt danh “đầu xanh” của Hai đã xứng với cái đầu đầy tóc, mà không còn mang ý đùa bỡn như trước nữa.
Tư Khanh cười: "Vốn liếng và công nghệ mình chẳng bằng người ta, nên phải lựa những cái độc chiêu mà làm”. Tư Khanh cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm một số sản phẩm “độc chiêu” khác như kẹo dừa sáp, kẹo ngậm từ quả cây thần kỳ… Nhưng những “độc chiêu” mà ông tâm đắc nhất, vẫn là các sản phẩm từ cây bưởi quê hương.
Tiếng lành đồn xa, dầu bưởi giúp mọc tóc của Tư Khanh đã nhanh chóng được những người bị rụng tóc hay bạc chân tóc, trong đó có cả những người đang hành nghề y, tìm mua về dùng thử. Phần lớn trong số họ đều có kết quả tích cực. Có thể kể ra đây một số nhân vật người thật việc thật như bác sỹ Long (số 9A, đường Ống Nước, phường Đông Hưng Thuận, Q12, TP HCM), ông Nguyễn Văn Ba cán bộ hưu trí ở Khu phố 1, thị trấn Chợ Gạo, Tiền Giang…
Chưa dừng ở đó, Tư Khanh tiếp tục nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại thực phẩm, sản phẩm từ hạt bưởi như nước ép bưởi có công dụng hạ men gan, giảm mỡ trong gan, trong máu, giải độc gan, xẹp bụng mỡ…; dầu gội bằng tinh dầu hoa bưởi làm sạch gàu, sạch nấm ngứa…; tinh dầu hoa bưởi dùng để khử mùi cho nón bảo hiểm, dùng xịt phòng, xe hơi… Đặc biệt, ở sản phẩm nước bưởi ép, Tư Khanh là người duy nhất ở nước ta cho đến giờ đã thành công trong việc dùng chất bảo quản bằng nguyên liệu thiên nhiên.
Ngoài ra, ông còn nghiên cứu làm các loại sản phẩm, thực phẩm chức năng từ các loài cây cỏ khác như trà diệp hạ châu (cây chó đẻ) có công dụng ngừa ung thư, phóng xạ, hỗ trợ trị bệnh viêm gan. Mới đây, trong một chuyến đi tìm vị thuốc ở vùng Đồng Tháp Mười, Tư Khanh phát hiện ra một loại lá có khả năng giúp cho răng khỏi bị lung lay. Ngay lập tức, Tư Khanh lấy loại lá này về và đang nghiên cứu chế ra loại kẹo ngậm có khả năng làm chặt chân răng.
Có thể bạn quan tâm
Ở thôn Cẩm Lang, nơi xa trung tâm, hẻo lánh thuộc xã Tiên Nha, huyện Lục Nam (Bắc Giang) mô hình trồng cam, bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“So với sản phẩm sữa tươi cùng sản xuất theo quy trình công nghệ giống như của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thì sữa tươi của Nutifood rẻ hơn khoảng 3.000 đồng/lít” - ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood cho biết tại buổi lễ ra mắt sản phẩm sáng 29.9.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 2 (2014-2015) trên Báo Nông Thôn Ngày Nay cho rằng, cuộc thi đã thu hút được nhiều bài viết hay, đề tài độc đáo, trong đó mỗi bài viết là một bí quyết làm ăn quý.
Ngày 29.9, tại trụ sở Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN), Ban tổ chức Cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam 2015” trên báo NTNN đã tổ chức chấm chung khảo.