Gánh gạo bán tận nhà khách hàng
Hiện nay ra chợ hay vào bất kỳ tiệm bán gạo nào tại TP.HCM, người tiêu dùng đều thấy đủ loại gạo. Từ gạo cũ, gạo nở, gạo xốp, thơm lài, thơm Đài Loan, dẻo Thái... với giá phổ biến từ 12.000 đến 22.000 đồng/kg.
Mua gạo có khuyến mãi
Chị N.T.B. Bảy mới dọn về một chung cư mới tại quận Tân Bình, tìm chỗ mua gạo. Chị đến một tiệm gạo trên đường Âu Cơ mua 5 kg thơm giống Thái (trồng tại Việt Nam) giá 18.000 đồng/kg. Người bán lập tức hỏi thăm địa chỉ, phát danh thiếp và dặn nếu muốn mua thì chỉ cần alô là họ chở gạo đến tận nhà giao. Ở cự ly gần 5 kg cũng giao, không tính tiền, không tăng giá. Từ đó chị Bảy không cần chạy đi mua gạo như trước nữa.
“Có khi gọi gạo phải chờ cả nửa tiếng họ mới mang đến nhưng dù sao cũng tiện lợi cho mình, không mất công chạy ra tiệm” - chị Bảy nói.
Chủ tiệm gạo này cho hay khách mua hơn 10 kg còn được tặng thêm chai dầu ăn, bịch đường. Chủ tiệm nói: “Nhiều khách yêu cầu giao tận nhà, mình không giao là họ mua chỗ khác liền. Tui đảm bảo khách đặt loại gạo nào là bán đúng loại đó, cân đủ chứ không gian dối”.
Chị Thu Nguyệt, nhà ở quận 3, thích làm món sushi nên tìm nơi bán gạo giống Nhật (trồng tại Việt Nam) hạt tròn. Chị tìm được một website bán loại gạo này. “Mặc dù gia đình thường ăn loại gạo dẻo thơm gống Đài Loan, thơm Thái nhưng lâu lâu đổi khẩu vị, đặt mua gạo giống Nhật giá khoảng 35.000 đồng/kg và phải mua 5 kg mới được giao tận nhà. Gạo ngon, ăn cơm được, cuộn sushi chặt” - chị Nguyệt hài lòng.
Trên thực tế, dòng gạo giá 30.000 - 45.000 đồng/kg còn được nhiều công ty phân phối gạo tiếp thị tận nhà hoặc trên các website. Đơn cử chuỗi phân phối gạo Hoa Lúa với dòng gạo sạch, thơm, không hương liệu, đạt chuẩn GlobalG.A.P, giá 34.000 đồng/kg cũng miễn phí giao hàng với đơn hàng trên 5 kg tại nhiều quận. Với những quận vùng ven thì Hoa Lúa giao trên 10 kg/đơn hàng và thu phí 30.000 đồng.
Chị Nguyệt cho biết chị từng đặt mua gạo online với nhiều công ty, yêu cầu giao hàng tận nhà miễn phí. “Nhìn chung là dịch vụ tốt, bao bì gạo chắc chắn, mẫu mã đẹp…” - chị Nguyệt nhận xét.
Khách hàng đang chọn mua gạo tại siêu thị.
Cần linh động
Từng mua gạo qua một tờ rơi quảng cáo, chị Lan An, chủ một tiệm phở ở quận Tân Bình, bực bội kể lại cách đây mấy tháng, chị gọi mua 20 kg, sau khi nhận hàng thử cân lại thì hụt đến… 4 kg! “Bức xúc, tôi gọi điện thoại yêu cầu cửa hàng đến xem thì họ cãi là không cân thiếu. Từ đó đến giờ tôi sợ, không mua gạo giao tận nhà nữa. Họ bán qua điện thoại, giao tận nhà, mình muốn bắt đền cũng không biết làm sao” - chị An than phiền.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga, nhà ở quận Thủ Đức kể vài tuần trước có mấy cậu nhân viên một cửa hàng gạo đến phát 1 kg gạo ăn thử miễn phí cho từng nhà trong xóm, gửi tờ rơi quảng cáo có giao hàng tận nơi. Gạo ăn thử thấy ngon, thơm, dẻo. Nhưng nhu cầu dùng gạo cả tháng chỉ khoảng 5 kg, trong khi người bán chỉ giao hàng miễn phí nếu mua trên 10 kg. “Phải chi các doanh nghiệp, cửa hàng bán gạo linh động chịu giao số lượng ít thì tôi và nhiều người sẽ đặt mua” - bà Nga gợi ý.
Để không mua phải gạo trộn, gạo thiếu…, chị Bùi Thị Thùy Dung, quận Bình Chánh đúc kết kinh nghiệm: “Lần đầu tôi đến mua trực tiếp tại cửa hàng, thấy bán hàng đàng hoàng tôi mới đề nghị họ giao gạo tại nhà. Nếu không quen thì cũng không dám mua qua tờ rơi quảng cáo”.
Người Việt ăn gạo Thái Lan, Campuchia
Các loại gạo mà doanh nghiệp bán trong nước phần lớn là gạo cao cấp, gạo đặc sản vì đa phần người tiêu dùng Việt Nam bây giờ rất “kỹ tính”. Họ chọn mua gạo ngon, dẻo, thơm. Gạo bán tại thị trường nội địa rất được giá.
Cụ thể, một loại gạo thơm giá xuất khẩu 900 USD/tấn (tương đương hơn 21.000 đồng/kg) nhưng bán nội địa hơn 20.000 đồng/kg trong khi chi phí thấp hơn so với xuất khẩu. Nếu so sánh giá gạo trung bình thì giá gạo nội địa thậm chí cao hơn giá gạo xuất khẩu khoảng 20 USD/tấn.
Đáng tiếc là các doanh nghiệp gạo Việt Nam hiện nay chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Trong tổng lượng gạo của doanh nghiệp (bao gồm cả bán ra thị trường nội địa, xuất khẩu) thì thị phần gạo nội địa chỉ chiếm khoảng 10%. Số lượng doanh nghiệp bán gạo có bao bì, thương hiệu, kênh phân phối… đến người tiêu dùng không nhiều.
Người tiêu dùng nước ta nhiều năm nay vẫn chủ yếu ăn gạo “tạp nham”, không truy xuất được nguồn gốc, có loại gạo đóng gói nhưng lại không đồng nhất mà chủ yếu là gạo trộn. Đó là chưa kể nhiều người Việt đang ăn các loại gạo của Thái Lan, Campuchia nhập qua con đường tiểu ngạch.
Muốn chăm sóc thị phần nội địa, doanh nghiệp gạo nước ta phải xây dựng được thương hiệu, sản phẩm gạo giống nào ra giống đó, đồng nhất; phát triển các loại gạo đặc sản, đóng gói bao bì, liên kết với các cửa hàng, siêu thị, quảng bá tiếp thị tốt. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An
Xách nặng quá
Bà Kim Vân, nhà ở quận Tân Phú đang đứng chờ đong gạo trước một cửa hàng gạo ở chợ Tân Phú, than thở mỗi lần mua 10 kg gạo, cộng với rau thịt hằng ngày, khệ nệ xách nặng quá. “Nhà ở chung cư, vác gạo từ xe vô thang máy, từ thang máy vô nhà, đổ vô bồ gạo, đâu có dễ gì! Thế nhưng chỗ bán gạo này mua quen lâu nay nhưng họ không chịu giao hàng tận nhà”.
Có thể bạn quan tâm
Nói rằng trồng dâu tây chỉ cần 5 tuần là thu hoạch lứa đầu tiên quả là không mấy người tin. Nhưng đó đang và sẽ là sự thật của 4 chậu dâu tây duy nhất hiện nay đang có trong vườn của Công ty Sinh học sạch Biofresh (nằm trong khu vực khu du lịch hồ Than Thở, Đà Lạt) và chuyện ấy cứ như là chuyện Phù Đổng vậy!
Anh Ngô Văn Sáu, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6 mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
14 tấn dưa hấu vừa được một nhóm tình nguyện viên chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ nhằm ủng hộ, giúp đỡ bà con nông dân vùng lũ Quảng Nam vào tối 6/4. Bắc – Trung hợp sức
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Sau lũ, người trồng dưa bãi bồi sông Trà lại bắt tay xuống giống vụ dưa mới với hy vọng gỡ lại những thiệt hại do trận lũ trái mùa gây ra. Tuy nhiên, nhiều mối lo về thời tiết bất thường, rủi ro của thị trường dưa hấu vẫn đang “ám ảnh” người trồng dưa.