Gà đồi Sóc Sơn bí đầu ra
Với phần lớn diện tích đất tự nhiên là vùng gò đồi, huyện Sóc Sơn có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, trong đó có thế mạnh về nuôi gà đồi. Mặc dù quy trình chăn nuôi của các hộ nông dân đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về ATTP nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Chất lượng tốt vẫn khó tiêu thụ
Xã Nam Sơn được coi là "thủ phủ" chăn nuôi gà đồi của huyện Sóc Sơn với nhiều trang trại tận dụng lợi thế vườn đồi nuôi theo kiểu bán hoang dã dưới tán cây ăn quả. Toàn xã có gần 3.000ha đất tự nhiên thì có tới 3/4 diện tích là đồi, rừng. Ông Nguyễn Văn Mạc - Bí thư Đảng ủy xã Nam Sơn cho biết, từ hơn 10 năm trước, bà con nông dân đã được tiếp cận với các phương thức chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP riêng đối với gà đồi. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chủ yếu bán ra thị trường tự do, chưa có tổ chức nào đứng ra thu gom, tiêu thụ nên đầu ra còn khó khăn.
Nhằm hỗ trợ cho người dân, từ năm 2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã bắt tay cùng UBND huyện Sóc Sơn xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, được thực hiện chủ yếu tại hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn. Tiếp đó, đầu năm 2015, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn ra đời với trên 20 hội viên, gắn kết các hộ chăn nuôi để cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, dù đã rất cố gắng, song Hội vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho hội viên trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, đa số hộ chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn đều áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm đảm bảo ATTP. Gà được phân thành từng khu chuồng theo độ tuổi để có chế độ chăm sóc phù hợp. Đồng thời, các hộ chăn nuôi thường tận dụng cây cỏ thiên nhiên làm thức ăn cũng vừa là các vị thuốc giúp tăng cường sức đề kháng cho gà. Tuy vậy, điểm hạn chế là trên địa bàn các xã hiện vẫn chưa có cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y. Đây là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Từng bước tháo gỡ
Mong muốn của nhiều hộ chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn là đưa sản phẩm thịt gà chất lượng, đảm bảo ATTP tới tất cả mọi đối tượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây dù đã được quan tâm hỗ trợ phát triển, song gà đồi Sóc Sơn vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng như gà đồi Yên Thế từng một thời gây sốt trên thị trường Hà Nội. Nhằm giúp nông dân tháo gỡ đầu ra, mới đây, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức đoàn Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thăm mô hình chăn nuôi gà đồi tại huyện Sóc Sơn. Chuyến đi đã giúp những nhà bán lẻ và người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn của Thủ đô.
Qua thăm thực tế mô hình nuôi gà đồi Sóc Sơn, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, đây là sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo bà Loan, trong bối cảnh hội nhập tới đây, nhiều sản phẩm chăn nuôi giá rẻ của các nước sẽ tràn vào Việt Nam, gây sức ép cho chăn nuôi trong nước. Do đó, cần đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trước hết trên địa bàn Thủ đô. Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cam kết, sẽ đẩy mạnh tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn trong hệ thống các thành viên của Hiệp hội thời gian tới.
Theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, nhiều sản phẩm chăn nuôi của TP có chất lượng ngon, đảm bảo ATTP nhưng đầu ra còn hạn chế. Do đó, việc kết nối với các nhà bán lẻ, câu lạc bộ người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng nhằm từng bước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Đặc biệt, về giết mổ gia cầm, Trung tâm đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn và các xã chăn nuôi gà đồi trọng điểm để lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ hợp lý. Hy vọng, với những giải pháp tích cực này, đầu ra của sản phẩm gà đồi Sóc Sơn sẽ ngày một rộng mở hơn.
Hiện nay, toàn huyện Sóc Sơn có khoảng 480.000 con gà thịt, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú...
Có thể bạn quan tâm
Cùng với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thời gian gần đây mô hình trồng cây mít Thái và cây cam sành của ông Huỳnh Hùng ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã mở ra nhiều triển vọng về những loại cây ăn quả mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở NN&PTNT, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm, trong đó có cây dừa và cây điều. Riêng đối với cây dừa, toàn tỉnh hiện có 9.353,7 ha, giảm 135,4 ha so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn nông dân hoàn thành hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Thủy sản cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản nên tập trung đi theo hướng mới, trong đó có đầu tư nuôi cá biển.
Phí kiểm dịch lợn thịt cao nhất là 1.000 đồng/con còn phí kiểm soát giết mổ sẽ phụ thuộc công suất của cơ sở giết mổ.