Gà Đồi Ba Vì Khát Thương Hiệu
Có một nghịch lý đang tồn tại trong thị trường gà thịt ở Thủ đô Hà Nội là, trong khi gà đồi Ba Vì (dù chất lượng rất tốt, giá cả phải chăng) đang bí đầu ra, người nông dân phải chăn nuôi cầm chừng do thương lái ép giá, thì gà đồi Yên Thế lại thâm nhập vào nội đô với số lượng ngày càng lớn.
Ba Vì là huyện vùng bán sơn địa, đất đai chia làm 2 nhóm: Nhóm đất vùng đồi núi có diện tích 18.478 ha (chiếm 58,9% đất đai của huyện); nhóm đất vùng đồng bằng 12.892 ha (chiếm 41,1% tổng diện tích). Khí hậu nhiệt đới gió mùa, giao thông thuận lợi… Đây là địa thế “vàng” để huyện phát triển chăn nuôi gà đồi, cung cấp nguồn thịt thương phẩm dồi dào, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thủ đô.
Năm 2012, toàn huyện xuất ra thị trường khoảng 6 triệu con gà thương phẩm. Nhưng, chỉ 1/3 trong số đó là gà ri lai Mía được nuôi theo mô hình thả vườn. Còn lại là gà trắng, nuôi theo phương thức công nghiệp. Ông Hứa Bá Trình, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Mỗi năm Hà Nội phải nhập không dưới 5 triệu con gà từ Yên Thế (Bắc Giang). Nếu đem ra so sánh với số lượng 2 triệu gà đồi Ba Vì thì quả thực là chênh lệch quá lớn.
Vậy, đâu là nguyên nhân khiến sản phẩm gà đồi Ba Vì thua đau trên sân nhà? Nói như ông Trình thì hiện tại người chăn nuôi gà đồi vẫn hoạt động mang tính tự phát; quy mô nhỏ lẻ và manh mún dẫn đến chất lượng không đồng đều. Mặt khác, cả huyện chưa có mô hình chuỗi liên kết từ khâu ấp nở đến chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khi gà đồi Ba Vì chưa được gắn nhãn hiệu riêng thì rất khó có thể đầu tư mở rộng SX, quản lý quy trình chăm sóc và được thị trường đón nhận.
Nhận thấy những điều kiện tự nhiên chưa được khai thác xứng tầm, tháng 4/2013, Trung tâm Phát triển chăn nuôi (TTPTCN) Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì thực nghiệm mô hình phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi tại 2 xã Thuỵ An và Cẩm Lĩnh.
Đến tháng 6/2013, Cẩm Lĩnh thành lập Chi hội chăn nuôi gà thả vườn với 61 hội viên tham gia. UBND huyện Ba Vì cũng đã lập Ban chỉ đạo phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Thế nhưng, hành trình của gà đồi Ba Vì đến với người tiêu dùng còn vô vàn gian nan. Ngay từ việc đăng ký tên thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm cũng đang phải bàn đi, tính lại nhiều lần. Bởi nếu đặt là gà đồi Ba Vì thì sợ “đụng hàng” với gà đồi Yên Thế. Mà đặt là gà thả vườn thì sợ thị trường không đánh giá cao.
Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nuôi gà đồi Cẩm Lĩnh cho biết: Tổng diện tích của xã là 26,62 km2, trong đó diện tích đất đồi khoảng 15 km2, rất thuận lợi để phát triển đàn gà thả vườn. Hiện có khoảng 1.500 hộ nuôi gà ta lai mía với số lượng khoảng 654.000 con.
Nhiều hộ nuôi chăn nuôi quy mô lớn từ 2.000 - 3.000 con như ông Phùng Văn Thoả, Nguyễn Văn Cẩm, Phùng Thế Đoàn, Phùng Viết Thuỷ… Từ việc tập trung chăn nuôi, trên địa bàn xã đã hình thành 11 cơ ở ấp nở trứng gia cầm, đảm bảo cung cấp nguồn giống dồi dào.
Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu tạo giống, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì còn muôn vàn khó khăn. Từ khi bắt đầu thành lập Chi hội Chăn nuôi gà đồi Cẩm Lĩnh, toàn xã có đến vài trăm hộ muốn đăng ký hội viên. Nhưng rà đi, soát lại chán chê mới chọn được ra 61 hộ. Còn lại là những thành phần chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Họ rất muốn phát triển số lượng đàn gà, nhưng phải nỗi thiếu vốn đầu tư.
“TGST từ khi gà nở đến xuất bán kéo dài 6 tháng. Trung bình trọng lượng mỗi con gà nặng 2 kg, bán được 200.000 đồng thì người nuôi phải bỏ ra ít nhất 160.000 đồng chi phí (chưa tính lãi suất). Nếu muốn nuôi với số lượng lớn khoảng 1.000 con thì người nuôi phải có trong tay ít nhất 160 triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn, trong khi mỗi hộ chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi”, ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, người dân chủ yếu nuôi theo thời vụ. Theo kinh nghiệm thì cứ khoảng tháng 7 âm lịch giá gà giống rất sốt, bởi các hộ tập trung nuôi bán dịp Tết. Những thời điểm khác số lượng đàn gà giảm hẳn. Nguyên do cũng bởi gà đồi Ba Vì chưa được công nhận thương hiệu, nhãn hiệu. Các siêu thị lớn như BigC chưa chú ý tới.
Ông Phùng Viết Thuỷ, một hộ chăn nuôi gà đồi lớn ở thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh chia sẻ: Giống gà ri lai mía có trọng lượng tối đa thường chỉ khoảng 1,6 - 1,7 kg, màu trắng xám. Gà trống trọng lượng tối đa khoảng 2,5 kg, lông màu đỏ sẫm bóng mượt xen lẫn màu đen ở cánh và đuôi, chân to vừa phải, màu vàng. Thịt có độ dai, thơm đặc trưng, không béo lắm, độ nạc cao. So với gà Yên Thế, chất lượng không hề thua kém, thậm chí còn nhỉnh hơn. Bởi, qua tìm hiểu tôi được biết giống gà Yên Thế chủ yếu là gà lai tam hoàng, TGST từ khi nở đến xuất bán chỉ khoảng 4 tháng.
Ông Thuỷ tiết lộ: Để gà mọc đều lông ở phần bụng thì cần phải làm sàn bằng sào tre cho gà nằm ngủ, tránh tình trạng gà nằm bệt xuống đất. Đặc biệt, cần phải mài mỏ 2 lần để gà trong đàn không mổ lông, cắn đuôi nhau. Cách 3 - 5 ngày phải quải thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại. Vườn thả gà phải trồng cây bóng mát, khô thoáng.
Thực tế cho thấy, gà đồi là vật nuôi ít có sự biến động về giá cả. Bởi thế, trong thời kỳ thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay, trong khi các chủ trại gà công nghiệp, lợn… đang điêu đứng, thì người nuôi gà đồi vẫn có thu nhập cao, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho nông dân.
Để phát triển mô hình gà thả vườn, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội sẽ hỗ trợ 30.000 con giống là giống gà ta lai Mía. Các thành viên còn được tham quan học tập các mô hình nuôi gà thả vườn đã thành công trong và ngoài thành phố. Đồng thời, trung tâm cũng cam kết giới thiệu các DN hợp tác SX, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Mặc dù, sự giúp đỡ quý báu này cần phải có thời gian để thực hiện, nhưng đây là những tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn sự khởi sắc trong chăn nuôi gà đồi tại Ba Vì.
“Trong thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình gà thả vườn. Trước mắt là thí điểm ở 2 xã Thuỵ An và Cẩm Lĩnh. Sau đó, tổ chức đánh giá tính hiệu quả kinh tế, kiểm định chất lượng và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Dự kiến đến năm 2015, tổng đàn gà thả vườn đạt từ 3,5 - 4 triệu con”, ông Hứa Bá Trình, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì.
Có thể bạn quan tâm
Xác định rõ dự trữ hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2015, Sở Công thương đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường trong mùa mưa bão đến các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Sau khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã bắt tay ngay vào chuẩn bị các bước xây dựng kế hoạch, đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện tuy còn nhiều khó khăn song cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
UBND huyện Yên Lập phối hợp với Công ty TNHH Cường Tân tổ chức tổng kết mô hình trình diễn sản xuất giống lúa lai CT 16 và TH 3-3 do Việt Nam sản xuất, áp dụng theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI).
UBND huyện Tam Nông vừa tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2015.
Sáng 3-6, Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ (1 tấn) đã đến nơi an toàn và được nhà nhập khẩu đánh giá chất lượng tốt và mẫu mã đẹp.