Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dứt tình với gà lông trắng, nông dân sẽ nuôi loại nào

Dứt tình với gà lông trắng, nông dân sẽ nuôi loại nào
Ngày đăng: 02/10/2015

Vì sao lại có kiến nghị đó? Nếu “dứt tình” với giống gà này thì nông dân sẽ chuyển sang nuôi loại nào?

Loay hoay tìm mối bán

 Tiếp chúng tôi khi vừa xuất chuồng đàn gà lông trắng hơn 18.000 con chỉ với giá 17.000 đồng/kg (bằng nửa giá bát phở), trong khi giá thành đã từ 24.000 – 25.000 đồng/kg, ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ rầu rĩ:

Bán dưới giá thành xấp xỉ 10.000 đồng mỗi con gà thịt cả gần năm nay, vậy mà loay hoay mãi vẫn không tìm được mối để bán ra.

 

Trại gà trắng

Ông Quyết cho biết, thông thường, gà lông trắng chỉ cần nuôi khoảng 40 ngày, đạt trọng lượng từ 2 – 2,5kg/con là có thể xuất chuồng, tuy nhiên, cũng như nhiều lứa gà trước đó, ông Quyết không tìm được người mua nên phải giữ lại nuôi tiếp. Đến khi tìm được mối xuất chuồng, đàn gà lông trắng của ông Quyết đã “quá lứa” hơn 20 ngày.

“Đàn gà hiện nay vượt quá trọng lượng rồi, đã đạt từ 4 – 4,2kg mỗi con, không bán được nữa sẽ thành gà già, gà dai mất.

Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi cầm chắc phá sản”- ông Quyết mếu máo.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Công Phi Long (ngụ Long Thành, Đồng Nai) nhiều tháng qua đứng ngồi không yên với trại gà.

Ông Long có tổng đàn gà lông trắng khoảng hơn 300.000 con, ngoài việc xuất bán gà cho các doanh nghiệp, ông Long còn đầu tư xây dựng thêm nhà máy giết mổ để giảm bớt phụ thuộc và tăng giá trị cho sản phẩm gà lông trắng của trang trại.

Thế nhưng, gần 2 năm trở lại đây, việc thịt gà nhập khẩu từ các nước ào ạt tràn vào với giá rẻ bèo, chỉ từ 17.000 – 20.000 đồng/kg khiến gà lông trắng công nghiệp trong nước rơi vào cảnh “bầm trầy” vì cạnh tranh.

Ông Long cũng không nằm ngoài luồng xoáy đó, số gà nuôi trong trang trại ông Long liên tục bị ứ hàng, phải nuôi đến “quá lứa”, khoản lỗ từ đầu năm 2015 đến nay tính bằng tiền tỷ.

“Cứ loay hoay mãi  mà con gà lông trắng trong nước không cạnh tranh lại được gà nhập khẩu giá rẻ, còn xuất khẩu thì vướng mắc các thủ tục, an toàn dịch bệnh, thú y...

Hơn nữa, là nông dân nên chúng tôi cũng rất khó trong việc tìm kiếm, tiếp xúc với khách hàng nước ngoài, nếu không có sự hỗ trợ cơ quan chức năng”- ông Long nói.

Vẫn không thể “dứt tình”

Mặc dầu đang phải sống “lay lắt”, thậm chí thua lỗ nhưng ông Long cho rằng, vẫn khó “dứt tình”, bỏ con gà lông trắng để chuyển sang nuôi gà hoặc chuyển hướng sang các đối tượng chăn nuôi khác.

"Khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ hiện có khoảng trên 3.000 trang trại lạnh, chăn nuôi gà lông trắng, mỗi trại trị giá đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, tính chung cả nước hiện có trên 5.500 trang trại gà lông trắng”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo ông Long, so với gà lông trắng, chi phí, kỹ thuật chăn nuôi gà lông màu hoàn toàn khác biệt. Hơn nữa, chi phí giá thành gà lông màu rất cao trong khi giá bán ra cũng không hơn gà lông trắng bao nhiêu.

Cụ thể, ông Long cho rằng, nếu gà lông trắng được nuôi chủ yếu trong trại lạnh, khép kín, mật độ chăn nuôi có thể đạt từ 15 – 16 con/m2 trong khi mật độ tối đa cho gà lông màu là chỉ 8–11 con/m2.

Hơn nữa, gà màu chỉ có thể nuôi ở trại hở, tức được chăn thả tự do hoặc nuôi trong khuôn viên sân vườn, khác hoàn toàn với trang trại lạnh nuôi gà trắng hiện nay.

“Gà màu chỉ thích hợp phát triển ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có vườn để chăn thả.

Nếu doanh nghiệp muốn đầu tư nuôi gà màu với số lượng lớn phải có diện tích đất rất rộng, đủ không gian cho gà màu tự do đi lại, ăn uống, tìm mồi…

Mà điều này là không thực tế trong điều kiện hiện nay khi mà việc tìm kiếm đất đai, đầu tư chuồng trại tốn chi phí rất lớn”- ông Long phân tích.

Hơn nữa, do nuôi chăn thả nên gà màu thường tiếp xúc nhiều với chim, chuột, các nguồn mang mầm bệnh từ bên ngoài. Vì vậy, nếu mở rộng quy mô, doanh nghiệp, chủ trang trại sẽ rất khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh.

Về ý kiến nói cần bỏ con gà trắng để chuyển sang nuôi gà màu, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước nói:

“Tui đầu tư gần 100 tỷ đồng cho con gà trắng rồi, giờ nói bỏ gà trắng để nuôi gà màu khác nào đào hố chôn mình chứ! Những trại nhỏ thì có thể “nhắm mắt làm liều” chứ những trại lớn, đâu ai làm vậy được”.

Không chỉ vậy, ông Hùng phân tích: Gà lông trắng chỉ cần nuôi từ 40 – 45 ngày là có thể đạt trọng lượng từ 2 – 2,5kg/con.

Trong khi đó, gà lông màu phải nuôi ít nhất 66 – 70 ngày mới có thể đạt trọng lượng xuất chuồng.

Các chi phí như tiền điện thắp sáng, quạt mát cho trại gà lông màu hoặc thức ăn chăn nuôi đều cao hơn ít nhất 30% so với việc nuôi gà lông trắng”.

Có thể thấy rõ là, dù gà lông trắng vẫn có một số điểm lợi, nhưng với thực tế hiện nay là giá bán rất thấp; thức ăn, vaccine, giống đều phụ thuộc nhập khẩu; không có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hội nhập... thì  ý kiến đề nghị ngừng nuôi loại gà này không phải là  không có cơ sở.

Vấn đề hiện nay là do đã lỡ đầu tư, chưa tìm được hướng đi mới, nên các chủ trang trại, nông dân đành phải tìm cách níu kéo con gà lông trắng.  Nhưng níu kéo đến bao giờ,  khi nào “dứt tình” với con gà lông trắng, có lẽ với người nông dân thì thật khó để có câu trả lời thỏa đáng...

 Theo thống kê của Viện Chăn nuôi, hiện Việt Nam đang có khoảng gần 10 giống gà lông trắng khác nhau được nhập khẩu từ nhiều nước.

Tất cả các giống gà này có đặc điểm giống nhau là lông trắng, mào đỏ, siêu thịt, thời gian nuôi chỉ từ 3-4 tháng là đạt trọng lượng tối đa, con mái từ 2,5–3,5kg, con trống từ 3-4,5kg tùy từng giống; sản lượng trứng đạt từ 160-180 trứng/năm.  

Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Sẽ tìm thị trường cho các sản phẩm gia cầm

Chăn nuôi gà lông trắng ở Việt Nam hiện nay giá thành vẫn còn cao hơn so với các nước.

Do đó, ngành chăn nuôi cũng đang triển khai quyết liệt các giải pháp từ khâu sản xuất bao gồm giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi… để hạ giá thành sản phẩm cho các loại gia cầm trong đó có gà lông màu.

Quan điểm của ngành chăn nuôi là không loại bỏ vật nuôi này ra khỏi cơ cấu chăn nuôi hiện nay mà vấn đề mấu chốt là phải tìm mọi giải pháp hạ giá thành xuống.

Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng đang làm “thị trường” cho các sản phẩm gia cầm, trong đó có gà  trắng.  


Có thể bạn quan tâm

Lập lờ đánh lận đông trùng hạ thảo Lập lờ đánh lận đông trùng hạ thảo

Từ bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng đăng trên Dân Việt cảnh báo về việc lập lờ sản phẩm nhộng trùng thảo với đông trùng hạ thảo (ĐTHT), phóng viên Dân Việt đã tiến hành khảo sát thị trường và nhận thấy có sự bát nháo về sản phẩm này.

28/08/2015
Xuất khẩu nông sản 8 tháng giảm 4,8% Xuất khẩu nông sản 8 tháng giảm 4,8%

Ngày 26.8, Bộ NNPTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 8.2015 ước đạt 2,38 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng đầu năm 2015 lên 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014.

28/08/2015
Trồng cam lỗ nặng Trồng cam lỗ nặng

Theo nhà vườn ở Hậu Giang, giá cam sành ở tỉnh này giảm gần 1 tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng lại. Cụ thể, giá cam được thương lái thu mua khoảng 15.000 đồng/kg, giảm gần gấp đôi so với đầu vụ. Mặc dù, giá giảm mạnh nhưng mức tiêu thụ vẫn chậm, khó bán, đầu ra không ổn định.

28/08/2015
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Mỹ tăng mạnh Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Mỹ tăng mạnh

Nhu cầu tăng cao giúp kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

28/08/2015
Nước lên, ĐBSCL được mùa thu hoạch đặc sản cá linh non Nước lên, ĐBSCL được mùa thu hoạch đặc sản cá linh non

Mùa nước nổi đã được hơn một tháng nay, nhưng đến thời điểm này, mực nước trên các sông thấp ở mức kỷ lục so với cùng kỳ hàng năm.

28/08/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.