Đường Bơi Khó Khăn Của Con Cá Ngừ Đại Dương

Nhiều năm, con cá ngừ đại dương được coi là sản phẩm biển quan trọng của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 tới nay, giá cá ngừ đại dương xuống thấp, thị trường xuất khẩu thu hẹp và sụt giảm. Con cá ngừ đại dương đang gặp khó khăn.
Làm gì để khơi thông đường bơi cho nó cũng như cho cả ngành thủy- hải sản Việt Nam? Đó là câu hỏi đang cần sự trả lời gấp rút và rõ ràng.
Khi tư duy manh mún
Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất khiến người nghèo mãi không thoát được cảnh nghèo. Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông dân sản xuất theo kiểu tự phát, không có kế hoạch, ít biết đến nhu cầu của thị trường. Vì thế mới dẫn đến chuyện được mùa rớt giá, nông phẩm ế ẩm.
Còn trong khai thác nguồn lợi hải sản, tư duy ấy cũng ăn sâu vào cách làm, cách sống của mỗi ngư dân Việt Nam. Lợi dụng lợi thế tạo hóa ban tặng, ngư dân nhiều nơi vùng ven biển cứ mạnh ai người ấy khai thác, khai thác theo kiểu tận diệt không cần biết đến những hệ lụy sẽ gây ra cho môi trường sống của các loài sinh vật biển.
Theo phản ảnh của nhiều người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gần đây, xuất hiện hàng loạt tàu đánh cá bằng lưới giã cào, lưới mùng 3 lớp của ngư dân tỉnh khác khai thác hải sản, quần nát vùng ven bờ biển khu vực này.
Anh Trần Văn Chiến, ngư dân xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn bày tỏ bức xúc khi cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng đánh bắt hải sản bằng lưới mùng 3 lớp của hàng chục tàu cá đến từ Khánh Hòa đã tận diệt sự sống của các loài hải sản ven bờ. Nguy hại ở chỗ, việc khai thác kiểu này không những tận diệt nguồn lợi hải sản mà còn ảnh hưởng đến bà con ngư dân làm ăn chân chính khi họ phá hủy cả ngư cụ của bà con.
Vẫn theo anh Chiến, khai thác hải sản bằng việc sử dụng lưới mùng 3 lớp đã bị cấm tại tỉnh Khánh Hòa nên các chủ tàu ở đây đưa phương tiện ra vùng biển tỉnh Quảng Ngãi để đánh bắt. Kiểu đánh bắt này không chỉ khiến các loại hải sản bị cạn kiệt, không thể hồi sinh mà còn hủy hoại luôn những rạn san hô và các loài thủy sinh sống ven đảo Lý Sơn.
"Kiểu khai thác như vậy nếu không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng chắc chắn sẽ hủy diệt môi trường biển cũng như các loài sinh vật biển nơi đây”, anh Chiến băn khoăn.
Theo các chuyên gia, việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân các vùng ven biển lâu nay vẫn đang đi vào lối mòn: tận thu, tận diệt và không tính đến tương lai.
Sau khi khai thác cạn kiệt nguồn lợi từ biển vùng này, thì lại chuyển sang vùng biển khác để đánh bắt. Kiểu khai thác này sớm muộn cũng sẽ hủy hoại môi trường biển và làm cạn kiệt mọi nguồn lợi từ kinh tế biển - một lợi thế Việt Nam được thụ hưởng từ thiên nhiên mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được.
Tất nhiên, việc này nguyên nhân chính đến từ ngư dân, nhưng không thể không nhắc đến những thiếu sót từ phía các nhà làm quản lý khi lâu nay vẫn đang để người dân "tự bơi” trên ngư trường.
Chưa "bơi” được ra biển lớn
Nhiều năm trở lại đây, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bỗng phát triển với tốc độ khá nhanh, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho ngư dân. Khai thác, đánh bắt cá ngừ trở thành nghề "kiếm cơm” chính của phần lớn ngư dân các địa phương Nam Trung bộ.
Nhưng con cá ngừ đại dương vẫn đang gặp quá nhiều khó khăn, rào cản trên con đường tiến đến mục tiêu trở thành "sản phẩm chiến lược”. Một trong những yếu tố rào cản phải kể đến khả năng khai thác, đánh bắt của ngư dân còn rất hạn chế.
Theo đó, từ cuối năm 2012 đến nay, hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương gặp khó khăn. Số tàu khai thác tăng, kéo theo sản lượng cá ngừ tăng nhanh, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm cá ngừ giảm, dẫn tới tỷ lệ sản phẩm có giá trị kinh tế cao (dùng làm sashimi) giảm.
Việc tiêu thụ khó khăn đã khiến hiệu quả sản xuất giảm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân, thất thoát về giá trị và nguồn lợi, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam, giảm khả năng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.
Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tới nay chúng ta vẫn chưa xác định cá ngừ là đối tượng chủ lực và giá trị kinh tế đối với tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản xa bờ. Bên cạnh đó, từ khâu khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ chủ yếu theo hướng tự phát, nhỏ lẻ… đã dẫn đến thực trạng chất lượng cá không đồng đều, việc sản xuất, xuất khẩu thiếu bền vững.
Vì thế, cũng không lạ gì khi con cá ngừ Việt Nam khó có thể vươn rộng, vươn xa hơn ra nhiều thị trường trên thế giới. TS Irawa, một chuyên gia ngành thủy sản đến từ Nhật Bản cho biết, chất lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam thấp ngoài lý do về bảo quản, sơ chế còn do cách thức khai thác cá ngay từ ngoài biển. "Việc ngư dân Việt Nam khai thác cá ngừ đại dương bằng cách dùng chày gỗ đập vào đầu cá ngừ cho chết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá”, vị chuyên gia phân tích.
Ý kiến chúng của giới chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa xứng tầm. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dự báo ngư trường là vấn đề hết sức cần thiết đối với lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, việc đầu tư cho dự báo ngư trường chưa tương xứng.
Cụ thể, theo ông Tuấn, trong đề án 47, cần 176 tỉ đồng để làm dự báo ngư trường nhưng trong 3 năm Nhà nước mới phân bổ được 51 tỉ đồng. "Muốn làm dự báo mà ngành thủy sản không có con tàu nghiên cứu nào hết. Như vậy là rất khó khăn”, ông Tuấn bày tỏ.
Như vậy, rõ ràng, muốn con cá ngừ đại dương, mà không chỉ con cá này "bơi” được tới các thị trường rộng lớn, thì còn quá nhiều việc phải làm.
Để có một nền kinh tế biển ổn định, phát triển vững mạnh, sự cố gắng nỗ lực của bản thân các ngư dân, doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kết nối "các nhà”, cũng như có sự đầu tư hợp lý, xứng với tiềm năng kinh tế biển.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Khuông (68 tuổi) ở ấp 2, xã Minh Đức (Hớn Quản - Bình Phước) đã sở hữu 9 ha trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Gia đình ông còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Riêng THT chôm chôm Phú Phụng và THT bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh (Bến Tre) được công nhận GlobalGAP. Mỗi THT có diện tích từ 3 đến dưới 20ha. Chi phí đầu tư cho THT được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP thấp nhất hơn 100 triệu đồng và cao nhất hơn 700 triệu đồng. Chứng nhận GlobalGAP có thời hạn 3 năm nhưng mỗi năm phải tiến hành tái chứng nhận.

Theo kế hoạch, ngày 31-10 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2014 sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của Chương trình hợp tác phát triển thương mại giữa Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công thương các tỉnh, thành. Theo dự kiến sẽ có 27 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết quý 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,276 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Vì vậy, nghề nuôi bò sữa được xem là có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước và cần phải có một bước đột phá lớn để có thể cung ứng đủ lượng sữa ra thị trường. Nhưng hiện tại, một số nông hộ chăn nuôi bò sữa tại TP.Hồ Chí Minh đang gặp khó trăm bề.