Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đường Bơi Khó Khăn Của Con Cá Ngừ Đại Dương

Đường Bơi Khó Khăn Của Con Cá Ngừ Đại Dương
Publish date: Saturday. May 10th, 2014

Nhiều năm, con cá ngừ đại dương được coi là sản phẩm biển quan trọng của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 tới nay, giá cá ngừ đại dương xuống thấp, thị trường xuất khẩu thu hẹp và sụt giảm. Con cá ngừ đại dương đang gặp khó khăn.

Làm gì để khơi thông đường bơi cho nó cũng như cho cả ngành thủy- hải sản Việt Nam? Đó là câu hỏi đang cần sự trả lời gấp rút và rõ ràng.

Khi tư duy manh mún

Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất khiến người nghèo mãi không thoát được cảnh nghèo. Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông dân sản xuất theo kiểu tự phát, không có kế hoạch, ít biết đến nhu cầu của thị trường. Vì thế mới dẫn đến chuyện được mùa rớt giá, nông phẩm ế ẩm.

Còn trong khai thác nguồn lợi hải sản, tư duy ấy cũng ăn sâu vào cách làm, cách sống của mỗi ngư dân Việt Nam. Lợi dụng lợi thế tạo hóa ban tặng, ngư dân nhiều nơi vùng ven biển cứ mạnh ai người ấy khai thác, khai thác theo kiểu tận diệt không cần biết đến những hệ lụy sẽ gây ra cho môi trường sống của các loài sinh vật biển.

Theo phản ảnh của nhiều người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gần đây, xuất hiện hàng loạt tàu đánh cá bằng lưới giã cào, lưới mùng 3 lớp của ngư dân tỉnh khác khai thác hải sản, quần nát vùng ven bờ biển khu vực này.

Anh Trần Văn Chiến, ngư dân xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn bày tỏ bức xúc khi cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng đánh bắt hải sản bằng lưới mùng 3 lớp của hàng chục tàu cá đến từ Khánh Hòa đã tận diệt sự sống của các loài hải sản ven bờ. Nguy hại ở chỗ, việc khai thác kiểu này không những tận diệt nguồn lợi hải sản mà còn ảnh hưởng đến bà con ngư dân làm ăn chân chính khi họ phá hủy cả ngư cụ của bà con.

Vẫn theo anh Chiến, khai thác hải sản bằng việc sử dụng lưới mùng 3 lớp đã bị cấm tại tỉnh Khánh Hòa nên các chủ tàu ở đây đưa phương tiện ra vùng biển tỉnh Quảng Ngãi để đánh bắt. Kiểu đánh bắt này không chỉ khiến các loại hải sản bị cạn kiệt, không thể hồi sinh mà còn hủy hoại luôn những rạn san hô và các loài thủy sinh sống ven đảo Lý Sơn.

"Kiểu khai thác như vậy nếu không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng chắc chắn sẽ hủy diệt môi trường biển cũng như các loài sinh vật biển nơi đây”, anh Chiến băn khoăn.

Theo các chuyên gia, việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân các vùng ven biển lâu nay vẫn đang đi vào lối mòn: tận thu, tận diệt và không tính đến tương lai.

Sau khi khai thác cạn kiệt nguồn lợi từ biển vùng này, thì lại chuyển sang vùng biển khác để đánh bắt. Kiểu khai thác này sớm muộn cũng sẽ hủy hoại môi trường biển và làm cạn kiệt mọi nguồn lợi từ kinh tế biển - một lợi thế Việt Nam được thụ hưởng từ thiên nhiên mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được.

Tất nhiên, việc này nguyên nhân chính đến từ ngư dân, nhưng không thể không nhắc đến những thiếu sót từ phía các nhà làm quản lý khi  lâu nay vẫn đang để người dân "tự bơi” trên ngư trường.

Chưa "bơi” được ra biển lớn

Nhiều năm trở lại đây, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương bỗng phát triển với tốc độ khá nhanh, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho ngư dân. Khai thác, đánh bắt cá ngừ trở thành nghề "kiếm cơm” chính của phần lớn ngư dân các địa phương Nam Trung bộ.

Nhưng con cá ngừ đại dương vẫn đang gặp quá nhiều khó khăn, rào cản trên con đường tiến đến mục tiêu trở thành "sản phẩm chiến lược”. Một trong những yếu tố rào cản phải kể đến khả năng khai thác, đánh bắt của ngư dân còn rất hạn chế.

Theo đó, từ cuối năm 2012 đến nay, hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương gặp khó khăn. Số tàu khai thác tăng, kéo theo sản lượng cá ngừ tăng nhanh, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm cá ngừ giảm, dẫn tới tỷ lệ sản phẩm có giá trị kinh tế cao (dùng làm sashimi) giảm.

Việc tiêu thụ khó khăn đã khiến hiệu quả sản xuất giảm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân, thất thoát về giá trị và nguồn lợi, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam, giảm khả năng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tới nay chúng ta vẫn  chưa xác định cá ngừ là đối tượng chủ lực và giá trị kinh tế đối với tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản xa bờ. Bên cạnh đó, từ khâu khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ chủ yếu theo hướng tự phát, nhỏ lẻ… đã dẫn đến thực trạng chất lượng cá không đồng đều, việc sản xuất, xuất khẩu thiếu bền vững.

Vì thế, cũng không lạ gì khi con cá ngừ Việt Nam khó có thể vươn rộng, vươn xa hơn ra nhiều thị trường trên thế giới. TS Irawa, một chuyên gia ngành thủy sản đến từ Nhật  Bản cho biết, chất lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam thấp ngoài lý do về bảo quản, sơ chế còn do cách thức khai thác cá ngay từ ngoài biển. "Việc ngư dân Việt Nam khai thác cá ngừ đại dương bằng cách dùng chày gỗ đập vào đầu cá ngừ cho chết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá”, vị chuyên gia phân tích.

Ý kiến chúng của giới chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa xứng tầm. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dự báo ngư trường là vấn đề hết sức cần thiết đối với lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, việc đầu tư cho dự báo ngư trường chưa tương xứng.

Cụ thể, theo ông Tuấn, trong đề án 47, cần 176 tỉ đồng để làm dự báo ngư trường nhưng trong 3 năm Nhà nước mới phân bổ được 51 tỉ đồng. "Muốn làm dự báo mà ngành thủy sản không có con tàu nghiên cứu nào hết. Như vậy là rất khó khăn”, ông Tuấn bày tỏ.

Như vậy, rõ ràng, muốn con cá ngừ đại dương, mà không chỉ con cá này "bơi” được tới các thị trường rộng lớn, thì còn quá nhiều việc phải làm.

Để có một nền kinh tế biển ổn định, phát triển vững mạnh, sự cố gắng nỗ lực của bản thân các ngư dân, doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kết nối "các nhà”, cũng như có sự đầu tư hợp lý, xứng với tiềm năng kinh tế biển.


Related news

Mỹ Áp Thuế 32 Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tôm Việt Nam Mỹ Áp Thuế 32 Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tôm Việt Nam

Ngày 23/9, Luật sư Ngô Quang Thụy – Giám đốc Công ty Luật NT Trade Law, cho biết Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định sơ bộ đối với kỳ rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8).

Wednesday. September 24th, 2014
Nam Á Có Nhu Cầu Nhập Khẩu Lượng Lớn Hạt Tiêu Từ Việt Nam Nam Á Có Nhu Cầu Nhập Khẩu Lượng Lớn Hạt Tiêu Từ Việt Nam

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Nam Á, Tây Á, với dân số đông nhất trên giới (1,7 tỷ người) cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong món ăn, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này vào khu vực Nam Á.

Wednesday. September 24th, 2014
Kim Ngạch Xuất Nhập Khẩu Việt Nam- Mexico Đạt Gần 1 Tỉ USD Kim Ngạch Xuất Nhập Khẩu Việt Nam- Mexico Đạt Gần 1 Tỉ USD

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 3 quý đầu năm 2014 gần đạt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ, ước đạt 986 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2013.

Wednesday. September 24th, 2014
Xuất Khẩu Rau Quả Tăng Kim Ngạch Ở Thị Trường Lớn Xuất Khẩu Rau Quả Tăng Kim Ngạch Ở Thị Trường Lớn

Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) “tỷ đô” mỗi năm, tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, thị phần rau quả Việt còn rất hạn chế.

Wednesday. September 24th, 2014
Krông Nô, Các Cấp Hội Phụ Nữ Giúp Hội Viên Vươn Lên Trong Cuộc Sống Krông Nô, Các Cấp Hội Phụ Nữ Giúp Hội Viên Vươn Lên Trong Cuộc Sống

Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.

Wednesday. September 24th, 2014