Đường Bình Định Niên Vụ Mới Đầy Thách Thức
Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành mía đường, Cty CP Đường Bình Định (BISUCO) đã gặp phải nhiều trắc trở trong kinh doanh, dẫn tới nợ nần nông dân khoản tiền lớn.
Sau khi thanh toán rốt ráo cho nông dân khoản nợ 45 tỷ đồng, bước vào niên vụ ép mới, BISUCO phải đối mặt với nỗi khó lớn về tài chính.
Theo ông Đỗ Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), địa bàn BISUCO đứng chân, cho biết, trong năm qua do khó khăn về tài chính nên Cty không thực hiện được các chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu. Do đó, sự mặn mà của nông dân đối với BISUCO giảm sút rõ rệt. Cụ thể trước mắt là diện tích mía trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm rất mạnh.
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh này, nếu như vào năm 2013, diện tích vùng nguyên liệu mía của BISUCO trên địa bàn Bình Định là 2.819 ha, thì hiện nay chỉ còn 1.650 ha; trong đó Tây Sơn còn 800 ha, giảm 719 ha so với cùng kỳ năm trước; Vĩnh Thạnh 313 ha, giảm 80 ha; Vân Canh 224 ha, giảm 150 ha; An Nhơn 150 ha, giảm 117 ha.
“Do không tìm được nguồn vốn đầu tư nên đến nay dự án nâng cấp công suất nhà máy đường từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.500 tấn mía/ngày của BISUCO đang tạm dừng lại, hiện công ty đang dồn năng lực tài chính cho niên vụ ép mới”, ông Sỹ nói.
Theo Sở Công thương Bình Định, nhu cầu vốn cho vụ ép mới 2014-2015 gồm chi phí tiền mua mía, bao bì, vật tư, hóa chất, lương công nhân…BISUCO cần phải có khoản kinh phí là 90 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn vốn vay.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Bình Định hầu hết đã “lắc đầu” trước nhu cầu vay vốn của BISUCO. Trước tình hình trên, niên vụ ép mía 2014-2015, hoạt động SXKD của BISUCO chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Công tác mua mía, thanh toán tiền cho nông dân trong niên vụ 2014-2015 cũng là bài toán hóc búa đối với doanh nghiệp này.
“BISUCO đã có kế hoạch đầu tư cho nông dân trong vùng nguyên liệu trong năm tới, chính sách đầu tư vẫn như trước. Hiện BISUCO đã bắt đầu duy tu nhà máy chuẩn bị cho vụ ép mới. Hy vọng với những nỗ lực của BISUCO, người trồng mía sẽ thoát được mối lo không biết bán mía cho ai”, ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn.
Hoạt động của BISUCO bị trắc trở, ắt nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ trồng mía trên địa bàn.
Trước mối lo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, và được ông cho biết: “Khó khăn về tài chính thì BISUCO phải tự giải quyết. Đối với việc khôi phục và duy trì vùng nguyên liệu mía, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với BISUCO thực hiện, nhưng trước hết cần phải chứng minh cho nông dân thấy hiệu quả kinh tế của cây mía và sự quyết tâm của Cty trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích của bà con.
Khi hiệu quả kinh tế của cây mía cao, lợi ích của người trồng mía được bảo đảm, thì việc vận động nông dân trồng mía sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp việc SX và mua mía nguyên liệu của BISUCO gây bất lợi cho nông dân, chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng mía, nhằm đảm bảo đời sống cho nông dân”.
Cũng theo ông Hùng, theo Đề án rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh đến năm 2020 của UBND tỉnh Bình Định, diện tích mía tại Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, An Nhơn là 6.000 ha. Trong đó, huyện Tây Sơn 2.700 ha (mở rộng 1.661 ha); Vân Canh 1.200 ha (mở rộng 998 ha); Vĩnh Thạnh 785 ha (mở rộng 416 ha); Phù Cát 640 ha (mở rộng 416 ha) và thị xã An Nhơn 675 ha (mở rộng 415 ha).
Tuy nhiên, mục tiêu nói trên rất khó thực hiện, bởi diện tích mía tại các địa phương đã và đang giảm mạnh. Nếu như niên vụ này BISUCO thu mua mía của nông dân không đúng theo hợp đồng thì diện tích mía của Bình Định còn giảm nữa là điều khó tránh khỏi. Đến lúc ấy BISUCO sẽ gặp khó thêm về nguyên liệu ngay trên địa bàn mình đứng chân.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Từ tháng Tám đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh phối hợp với ngành thú y tỉnh kiểm tra 9 cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn, phát hiện 5 cơ sở có sử dụng chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc).
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhưng hiện còn khá nhiều vướng mắc.
Nếu vẫn giữ tư duy sản xuất theo số lượng mà không coi trọng chất lượng, nông sản của VN sẽ không thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia.