Được mùa tôm tít kẻ bán người mua đều vui
Tôm tít bắt trên đầm Ô Loan sau đó bán ra TX Sông Cầu để làm thức ăn cho ốc hương, tôm hùm
Đêm mưu sinh trên đầm
Đầm Ô Loan là đầm nước lợ, chạy vòng qua năm xã (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Hiệp) ven đầm.
Năm nay tôm tít xuất hiện dày trong đầm, loại tôm này sống bám trong đám rong, duỗi dưới lớp bùn non.
Đợt mưa to vừa qua, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm cho nước trong đầm Ô Loan dâng cao, đục ngầu, tôm tít sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên trôi theo dòng nước chảy, người dân ở xã An Hải đóng đáy bắt tôm tít.
Mờ sáng, ông Nguyễn Văn Hùng ở xã An Hải, bơi chiếc sõng câu chở đầy tôm tít cập bến, cho biết: Vùng này là nơi đầm Ô Loan tiếp giáp với biển nên người dân thôn Tân Vi, Xuân Hòa (xã An Hải) đến chỗ dòng nước chảy, ban đêm đóng đáy, tôm tít lũ lượt bơi từng đàn dồn vô rốn đáy.
Tôm tít xuất hiện nhiều nên một đêm đi thăm ba lần: đầu hôm (khoảng 10 giờ tối), nửa đêm và mờ sáng, có người đóng đáy trúng luồng từ đêm đến sáng bắt cả tạ tôm.
Phía mặt nước đầm thuộc địa phận xã An Ninh Đông nằm ở giữa không có dòng chảy thì người dân thả lưới bắt tôm tít.
Ông Trần Văn Thanh ở xã An Ninh Đông, cho hay: “Nhà tôi có ba chiếc nghề (ba chiếc sõng câu), ban đêm bơi sõng thả lưới bắt tôm tít, có đêm bắt dồn lại trên 200kg, bán với giá 3.000 đồng/kg, thu trên 600.000 đồng.
Không chỉ mình tôi mà trên đầm có hơn 100 người dàn hàng ngang thả lưới, đóng đáy…”.
Còn mặt nước quanh đầm ở xã An Cư, nơi nhánh sông Kỳ Lộ đổ nước về vào đầm Ô Loan thì người dân ban đêm đóng chấn bắt tôm tít.
Ông Trịnh Văn Mười, một người ở xã An Cư, cho hay: Những ngày qua, chiều tối tôi đi đóng 10 miệng chấn, ngâm (thả) thêm mấy tấm lưới nữa; một đêm đi thăm chấn hai lần, lần nào tôm tít cũng lọt đầy túi chấn, còn lưới thì sáng ra tôm tít dính vắt cục.
Qua ba đêm đánh bắt bán tôm tít với các loại cá khác dính lưới, lọt chấn, tôi bán kiếm gần 1 triệu đồng.
Thời gian xuất hiện ngắn chỉ trong ba đêm nên người đánh bắt phải nhanh tay lẹ mắt, nhìn biết được từng con nước lên xuống theo thủy triều để chọn vị trí đánh bắt.
Cách đây 2 năm (năm 2013), tôm tít có xuất hiện nhưng số lượng ít, còn từ năm 2013 trở về trước tôm tít cũng như các loại hải sản khác lưa thưa trong đầm.
Người mua tôm “trúng” mùa
Tôm tít xuất hiện rộ, kéo theo đó là cảnh mua bán loại hải sản này quanh đầm cũng hối hả theo.
Bà Phan Thị Hiền, một người mua tôm tít, cho biết mấy ngày qua mưa to, cảnh mua bán quanh đầm Ô Loan nhộn nhịp, từ mờ sáng khi chưa nhìn rõ sõng câu cập bến đã thấy người mua tôm ứng trực.
Buổi sáng chạy quanh đầm mua sô, có người mua từ 5 đến 7 tấn tôm tít.
Tôm tít xuất hiện trong đầm Ô Loan dày đặc nhưng lứa này còn nhỏ, con lớn nhất bằng ngón tay giữa, con nhỏ bằng ngón tay út người lớn, trọng lượng đạt từ 120 đến 150 con/kg.
Vì tôm nhỏ nên chỉ bán để người ta mua làm thức ăn cho ốc hương, tôm hùm.
Tôm tít xuất hiện nhiều, người mua tôm cũng “trúng” mùa theo.
Ông Trần Thiệt, một người đi mua tôm tít, giãi bày: Mua tại chỗ từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg, chở ra TX Sông Cầu bán cho người nuôi ốc hương, tôm hùm với giá 7.500 đến 8.000 đồng/kg.
Một ngày chạy hai xe tôm ra TX Sông Cầu, sau khi trừ chi phí chúng tôi kiếm 400.000 đồng.
Trước đây mua bán hải sản lặt vặt trong đầm một ngày chúng tôi kiếm 100.000 đến 150.000 đồng, có thời điểm mua dồn hai đến ba ngày mới đủ chuyến đi.
Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Đợt mưa to vừa qua nước đục từ đầu nguồn đổ về đầm Ô Loan, người dân đánh bắt tôm tít được ba đêm, có gia đình nhiều người đánh bắt thu gần 10 triệu đồng.
Lứa tôm tít xuất hiện vừa rồi, trời ít gió nên tôm tít không trôi dạt nhanh ra biển, người dân dùng ngư lưới cụ đánh bắt trúng mùa.
Lứa tôm tít xuất hiện vừa rồi thu hút lực lượng lao động khá lớn, có đêm trên 100 người đánh bắt, tạo thêm thu nhập cho người dân quanh đầm.
Theo nhiều người dân sống quanh đầm Ô Loan, tôm tít sống trong môi trường tự nhiên, loại này thường ở trong rong, duỗi dưới lớp bùn non.
Nếu không có mưa to ở thượng nguồn, nước đục đổ theo nhánh sông Kỳ Lộ về thì khó bắt được tôm tít.
Tuy nhiên cũng không phải năm nào tôm tít cũng xuất hiện dày, chỉ năm nay là tôm tít xuất hiện nhiều nhất.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay, giá thành nhiều loại thủy sản, đặc biệt là các loại cá truyền thống như mè, chim trắng, rô phi đơn tính, trắm cỏ… có chiều hướng sụt giảm khiến người nuôi thả không yên tâm đầu tư. Trong khi đó, một số loại cá đặc sản như trắm đen, nheo… vẫn có giá khá cao, bình quân từ 100.000 đồng/kg trở lên. Do đó, một số hộ có điều kiện ở Phú Thọ đã chuyển từ nuôi các loại cá truyền thống sang nuôi các loại cá có giá trị cao và tạo được nguồn thu đáng kể.
Những năm qua huyện Mường Ảng đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó. cây cà phê được huyện xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.
Với diện tích trên 95.000ha, phần lớn là đồi núi nên tỉnh ta có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu dài và chưa thể khẳng định là loại cây chủ lực cho người dân thoát nghèo.
Tháng 4 năm 2011, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên (An Giang) triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển dược liệu vùng núi Cấm” trên diện tích 5 héc-ta (gồm 3 loài cây: Nghệ xà cừ, đinh lăng và xuyên tâm liên), với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng do Bộ Khoa học – Công nghệ tài trợ trên 1,260 tỷ đồng và phần còn lại là vốn đối ứng của chủ dự án.