Được Mùa Sứa Biển

Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...
Theo một ngư dân ở xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, năm nay được mùa sứa biển. Đặc biệt, do nhu cầu sử dụng ngày càng cao nên giá thành sứa biển trước và sau khi sơ chế cao hơn mọi năm. Bình quân, mỗi thuyền đi bắt được từ 300 - 500 đầu sứa/đêm, thậm chí có hộ còn đánh bắt được 600 - 800 đầu sứa/đêm. Mỗi thuyền khai thác sứa sau gần 1 ngày đi biển, trừ chi phí mỗi lao động bỏ túi từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan các bể chứa sứa của mình nằm ngay sát cảng cá Cửa Sót, ông Nguyễn Chính Hồng (42 tuổi) – chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa biển Hồng Hoa ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, cơ sở được thành lập cách đây hơn 3 năm, nhưng năm nay được mùa sứa nhiều nhất.
Mỗi ngày cơ sở thu mua 20 tấn sứa. Sau đó thuê 10-15 nhân công thời vụ (trả lương 4,5-5 triệu đồng/tháng/người) đến xử lý bằng máy quay khuấy, rồi cắt sứa, phân loại cho vào các bể ngâm nước muối có độ mặn trên 23 độ. Sau khi chế biến thành nguyên liệu thô (sứa ướp muối) mới bán cho các đại lý lớn trong và ngoài tỉnh. Nếu trừ hết các khoản chi phí, mỗi mùa sứa kéo dài 3 - 4 tháng, gia đình thu về bình quân hơn 150 triệu đồng…
Hàng ngày cơ sở của ông Bùi Viết Cường (ở xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) thu mua trên dưới 10 tấn sứa tươi của ngư dân, một mùa chế biến gần 900 tấn sứa, với giá bán bình quân hơn 30.000 đồng/kg đem lại nguồn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra cơ sở còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ, với mức lương 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân Hà Tĩnh, sứa biển sinh sống gần bờ nên dễ khai thác, đánh bắt sứa phụ thuộc vào con nước, thời tiết và diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Mùa sứa chỉ kéo dài từ 3 đến 4 tháng là hết. Còn việc đầu tư đánh bắt sứa ít tốn kém nhưng đem lại hiệu quả lại cao.
Chỉ mất một lần đầu tư, gồm máy thuyền loại nhỏ, máy phát điện, vợt đủ rộng để bao quanh sứa…tổng cộng chỉ khoảng 50 - 60 triệu đồng cho 1 chiếc thuyền ra khơi là có thể hành nghề.
Được biết, sứa biển dễ chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau, từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản biển do giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Hiện sứa còn được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan…
Có thể bạn quan tâm

Từ khu đất bỏ hoang hơn 10 năm nay, anh Võ Thanh Sơn (Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn cải tạo để trồng thanh long. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây thanh long bước đầu đã cho thu nhập, hứa hẹn hiệu quả kinh tế.

Thanh Lương là xã trọng điểm về diện tích cây ăn trái của thị xã Bình Long (Bình Phước), bao gồm các loại cây như: nhãn, quýt đường, cam, bưởi, chanh. Trong đó nhãn chiếm khoảng 400ha tập trung chủ yếu ở ấp Thanh An.

Sáng 25/9, Ban Quản lý Dự án AGB phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức Diễn đàn phát triển cây ăn quả ôn đới tại Lào Cai.

Nhiều gia đình trồng hồng tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện thương lái đang thu mua hồng tại vườn với giá 6.500 đến 7.000 đồng/kg.
Đây là nội dung chính trong buổi gặp gỡ và tọa đàm giữa doanh nghiệp (DN), nhà vườn trồng xoài ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).