Được Mùa Đậu Xanh Xuân Hè
Thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch rộ lứa cuối cùng của vụ đậu xanh xuân hè. Năng suất đậu tăng mạnh, giá bán sản phẩm lại nhích lên khiến nhà nông phấn khởi.
Cuối tháng 3, ông Trần Văn Thanh ở thôn Vân Quật (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) mua hạt giống đậu xanh về tỉa trên một sào đất nằm ven vườn nhà. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm nên ruộng đậu xanh của ông Thanh phát triển rất tốt.
Ông Thanh nói: “Từ giữa tháng 6 đến nay, tôi đã tiến hành hái 3 lứa, phơi phóng xong, cân được tổng cộng 120kg đậu xanh khô. Cách đây vài ngày, bán tại nhà cho thương lái với giá 27 nghìn đồng/kg, tôi thu về hơn 3,2 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả công làm đất, lãi ròng khoảng 2,8 triệu đồng. Nếu so với đậu phụng, giá trị tương đương, còn so với lúa thì hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần. Trong khi đó, việc chăm sóc đậu xanh lại không tốn nhiều công sức”.
Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ xuân hè năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng khoảng 250ha đậu xanh, tập trung nhiều nhất ở những khu vực bãi bồi ven sông thuộc các xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Thu, Duy Tân, thị trấn Nam Phước.
Thống kê tại nhiều địa phương cho thấy, năng suất đậu xanh bình quân toàn huyện đạt 18 - 20 tạ/ha, tăng 1 - 3 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái. Theo ông Ánh, sở dĩ vụ này đậu xanh được mùa trên diện rộng là nhờ nông dân áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến và bệnh vàng lá, chết ẻo, sâu đục quả… rất ít bùng phát, gây hại.
Ông Ánh nói: “Không chỉ sản lượng tăng mạnh, hiện nay giá thu mua đậu xanh trên thị trường cũng nhích lên theo tỷ lệ thuận. Nếu hồi đầu năm 1kg đậu xanh khô có giá 22 - 23 nghìn đồng, bây giờ đã tăng lên 27 - 28 nghìn đồng. Qua tính toán, làm 1ha đậu xanh trong vụ xuân hè 2014 nông dân sẽ kiếm được 53 - 56 triệu đồng, trong khi vốn đầu tư chỉ chiếm chừng 20% con số đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài huyện Duy Xuyên, vụ xuân hè 2014 nông dân ở nhiều nơi khác của tỉnh cũng tổ chức sản xuất gần 1.500ha đậu xanh. Hiện nay, nhà nông đang hái lứa cuối cùng và hầu hết đều rất được mùa. Nếu tính bình quân 1ha cho mức lãi ròng 45 triệu đồng thì vụ đậu xanh này nông dân toàn tỉnh thu về ít nhất 67 tỷ đồng…
Có thể bạn quan tâm
Năm 2011, Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long triển khai mô hình “Nuôi gia cầm an toàn sinh học” (ATSH). Mô hình thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm với qui mô 4.250 con vịt và 1.730 con gà cho 27 hộ nuôi / 3 huyện trong tỉnh là: Long Hồ, Bình Tân và Trà Ôn.
Xây hầm biogas ngoài việc sử dụng chất thải làm nguồn nhiên liệu và bảo vệ môi trường, nhận thức được lợi ích này nhiều người dân chăn nuôi với quy mô lớn ở huyện Mỏ Cày Nam còn sử dụng nước thải từ công trình khí sinh học để tưới ca cao xen trong vườn dừa sẽ tiết giảm được trên 50% phân bón NPK so với đối chứng hiệu quả kinh tế đem lại rất cao
Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.
Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006
Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.