Mì Tuột Giá, Nông Dân Thiệt Nhiều Đường
Khoai mì tuột giá, nông dân lại lo lắng. Vụ mì năm trước có giá khá cao nên nhiều người không ngần ngại tăng vốn đầu tư, thuê thêm đất để trồng mì. Nhưng hiện tại, người trồng mì đang “mất ăn mất ngủ” vì giá mì xuống thấp, nguy cơ lỗ vốn đã hiện ra trước mắt.
Khốn đốn vì mì tuột giá
Đây không phải là lần đầu khoai mì ở Tây Ninh rớt giá, nhưng lần rớt giá này được nhiều người cho là tệ nhất. Theo anh Nguyễn Hoàng Nhu- một người trồng và mua bán mì, trong những năm qua, thời điểm này (tháng 7.2014) giá mì “rớt” nặng nhất. Đầu tháng 6, khoai mì đã rớt giá, còn 2.300 đồng/kg 30 chữ bột, nay tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 2.000 đồng/kg 30 chữ bột và có nguy cơ còn tiếp tục giảm thêm.
Theo anh Lê Văn Công, ngụ ấp Sân Bay, xã Tân Phong (Tân Biên) thì mới đây giá mì chỉ còn 1.900 đồng/kg 30 chữ bột và có nơi còn thu mua với giá thấp hơn, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái, giá mua mì là từ hơn 2.600 đồng/kg 30 chữ bột. Như vậy, so sánh với cùng kỳ năm trước, năm nay giá mì đã giảm đến 700 đồng/kg, nếu năng suất mì đạt khoảng 30 tấn thì nông dân bị giảm thu nhập đến hơn 20 triệu đồng/ha.
Không chỉ có vậy, trong thời điểm hiện tại, nhiều nông dân phải nhổ bán mì non do mưa ngập, chữ bột chưa đạt chuẩn nên giá bán còn thấp hơn, sau khi trừ công nhổ, xe vận chuyển, nông dân chỉ còn lại chưa đến 1.000 đồng/kg. Theo một số người trồng mì, cùng thời điểm này năm ngoái, 1 ha mì ruộng có thể bán được ngoài 60 triệu đồng, hiện nay dù mì không bị ngập cũng chỉ bán được không quá 40 triệu đồng. Người trồng mì không bị lỗ vốn đầu tư đã là may.
Ông Nguyễn Thạch Đông (ngụ ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, Tân Châu) vừa bán 8 công mì cách nay hai hôm với giá 31 triệu đồng. Với giá này, năm nay gói ghém lắm ông mới có lời được vài triệu đồng. Vợ chồng ông Đông chỉ trông cậy vào 8 công đất trồng mì, mấy năm trước thu lãi được vài chục triệu đồng đủ trang trải, năm nay thu lãi chỉ vài triệu đồng chẳng biết sẽ sống và tái đầu tư ra sao. Ông cười buồn: “Vụ tới chắc phải đi “gửi” sổ đỏ cho ngân hàng để có vốn làm tiếp”.
Với ông Đông, đất sản xuất là đất nhà mà còn khốn đốn như vậy, còn đối với những người phải thuê đất sản xuất thì càng khó khăn hơn. Chị Đặng Thị Gái ở ấp Tân Đông, xã Tân Hưng cho biết: “Mình cũng muốn kiếm lời, năm trước thấy giá mì cao nên năm nay mình bỏ tiền thuê hơn chục ha đất khu vực Suối Dây, Tân Thành để trồng mì. Mới thu hoạch có vài ha đã bị lỗ”.
Thiệt nhiều đường
Ngoài việc khổ vì giá mì đang tuột dốc, nông dân còn lo lắng vì các lò mì thi nhau trừ tạp chất khi thu mua. Nhà máy trừ tạp chất cao thì thương lái cũng trừ lại nông dân, cuối cùng nông dân là người lãnh đủ.
Một thương lái cho biết, hiện tại mỗi xe mì thường bị trừ tạp chất khoảng 10% nên bị mất đi vài tấn, nếu không đồng ý thì nhà máy không mua. Một nông dân than: “Bây giờ lò mì đặt đâu thì mình ngồi đó chứ không thể làm gì. Nếu không đồng ý thì họ không mua, phải tìm lò khác”.
Bên cạnh đó, thời điểm này nhiều diện tích mì phải thu hoạch do ngập nước nên chữ bột còn thấp. Một thương lái cho biết, trước đây mỗi chữ bột thấp chỉ bị trừ khoảng trên 20 đồng/kg, nhưng hiện nay nhà máy trừ đến hơn 70 đồng/kg- cao gấp ba lần so với trước đây. Do đó, chữ bột thấp cũng là điều khiến nhiều nông dân bị thiệt.
Trong nhiều năm qua, bài toán đầu ra cho nông sản vẫn luôn là mối lo của nông dân. Vụ mì này, bài toán càng “hóc búa” hơn do giá mì xuống quá thấp.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, gà vườn liên tục tăng giá, không chỉ có người nuôi vui mừng mà các tiểu thương kinh doanh gà tại chợ cũng vui lây.
Ngày 12/9/2011, Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) đã công bố danh sách 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010. Theo đó, thứ hạng cá pangasius (cá tra, basa) được tăng một bậc so với năm 2009, đứng vị trí thứ 9
Trong khi nhiều ND ở ĐBSCL đang khốn đốn vì cá rô đầu vuông, thì anh Nguyễn Trường Sơn (44 tuổi) ở ấp Hòa Thuận, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mỗi năm lãi trên 1,3 tỷ đồng.
Theo Sở NN-PTNT, trong 5 năm trở lại đây, diện tích mì trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định có chiều hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 13.342 ha, vượt trên 3.000 ha so với quy hoạch, năng suất mì bình quân ở mức 221 tạ/ha. Nguyên nhân làm cho diện tích mì tăng mạnh là do đầu ra của mì nguyên liệu khá thuận lợi, giá cao và ổn định. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích mì đã tác động bất lợi đến môi trường, thoái hóa đất; tại một số địa phương, người dân ồ ạt phá rừng trồng mì.
Thông tin từ các Sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, tình hình rầy nâu, sâu bệnh hại lúa ngày càng nghiêm trọng khi lúa hè thu tại đây đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.