Được Giá, Người Nuôi Yên Tâm Sản Xuất

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.
Vụ nuôi 2012-2013, xã Nhơn Hải có 78 hộ nuôi tôm hùm thương phẩm với 40.230 con, đến thời điểm này đã xuất bán trên 70%. Theo bà con nuôi tôm hùm ở địa phương, hiện tại, giá tôm hùm loại I là 1,6 triệu đồng/kg, loại II là 1,5 triệu đồng/kg và loại III khoảng 1,4 triệu đồng/kg. Ông Dương Văn Đức, ở thôn Hải Đông, cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình tôi nuôi 2.400 con, hao hụt gần 40%, chỉ xuất bán chưa đầy 1.500 con. Dù giá tôm thịt tăng cao nhưng giá tôm giống cũng cao, lại hao hụt nhiều, tôi còn lãi khoảng 150 triệu đồng”.
Ông Phạm Thành Thệ, ở thôn Hải Nam, nuôi hơn 6.000 con tôm hùm giống, đến thời điểm này đã xuất bán trên 80%, thu lãi 290 triệu đồng. Ông Thệ bộc bạch: “Làm nghề nuôi tôm hùm lúc nào cũng lo thời tiết không thuận, rồi dịch bệnh tôm, công chăm sóc vất vả đủ bề. Năm nay nhờ giá bán tăng nên cũng bù trừ cho giá mua tôm giống và thức ăn nuôi tôm”.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải: Tôm hùm nuôi bị dịch bệnh dẫn đến hao hụt nhiều là do ô nhiễm nguồn nước, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi còn thấp. Tôm bị bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, hiện 35-40.000 đồng/kg; một con tôm hùm từ khi nuôi đến khi xuất bán phải mất từ 500-700 ngàn đồng tiền thức ăn.
Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, số lượng tôm nuôi năm nay giảm, người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhưng tôm được giá, có lãi khá nên bà con yên tâm tiếp tục thả nuôi vụ mới. Hiện tại, số lượng tôm mới thả nuôi phát triển tốt, dịch bệnh chưa xảy ra. Tuy nhiên, người nuôi tôm cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan.
Được biết, vụ nuôi tôm 2012-2013, người nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải đã xuất bán gần 12 tấn tôm thương phẩm cho các thương lái đến từ Phú Yên, Khánh Hòa…, thu về gần 18 tỉ đồng. Hiện đã có 49 hộ đầu tư trên 11 tỉ đồng tiếp tục thả nuôi 40.600 con tôm hùm giống, với 32 bè nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình được nuôi thử nghiệm tại hộ bà Trịnh Thị Thơ (thôn 3), với diện tích 450 m2 mặt nước, mật độ nuôi 1 con/m2, trong đó cá trắm đen 360 con, còn lại là cá chép V1 và cá mè. Chi cục hỗ trợ 100% con giống, thức ăn, kỹ thuật.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa đầm nuôi trồng thuỷ sản rộng mênh mông tại khu 12, phường Hà An, ông Khang kể cho chúng tôi nghe quá trình lập nghiệp từ nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2005, vị trí ao đầm hiện tại của gia đình ông chỉ là đồng đất hoang hoá, cỏ lau mọc đầy.

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Cua da to gấp nhiều lần cua thường, hai bên càng có lớp lông như rêu bám. Sau khi lột xác, cua mới đạt kích thước lớn và có mai khá đặc, có con nặng tới 3 lạng. Người dân nơi đây thường đánh bắt bằng lưới bát quái (lưới hình chữ nhật, dài khoảng 5m, rộng khoảng 30cm, ở giữa có các khung sắt đặt cách nhau chừng 40cm để cố định lưới thành đường ống dài).

Nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) có bước phát triển khá. Với mục tiêu trong năm 2014, huyện phát triển 2.100ha, đến nay toàn huyện có tổng diện tích nuôi thủy sản là 2.165,7ha, đạt 103% so kế hoạch, so năm 2013 tăng 149,7ha.