Dừng Thả Nuôi Tôm Ở Các Khu Vực Bị Bệnh Ở Tuy An (Phú Yên)
Từ đầu vụ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) đã thả nuôi hơn 310ha tôm, đến nay đã có hơn 29,5ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết chủ yếu là bị thân đỏ đốm trắng, hội chứng gan tụy… UBND huyện Tuy An đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã tăng cường phòng, chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng, dừng thả tôm ở khu vực bị bệnh, thực hiện các biện pháp cách ly, dập dịch…
NHIỀU DIỆN TÍCH TÔM NUÔI BỊ BỆNH
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, ngay từ đầu vụ đã xác định việc nuôi tôm trong năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi năm 2012 không có mưa lụt lớn nên môi trường vùng nuôi dễ bị ô nhiễm, nhất là khu vực đầm Ô Loan. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi, Phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo bà con nuôi tôm lưu ý thả tôm nuôi đúng lịch thời vụ, mật độ vừa phải, thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường như độ muối, pH, độ kiềm, nitơ…
Ông Trần Hoài Nam ở xã An Hòa, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5.000 m2 ao hồ thuộc khu vực đầm Ô Loan, năm vừa rồi thả nuôi 2 vụ, tôm đều bị bệnh chết, lỗ gần 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay gia đình tôi chờ tình hình vùng nuôi ổn định mới thả tôm nuôi, dù hơi muộn so với lịch thời vụ. Tình hình nuôi tôm năm nay cũng gặp nhiều bất lợi, ngay từ đầu vụ thời tiết lạnh kéo dài khiến tôm nuôi không đủ sức đề kháng và đến nay thì dịch bệnh đang xảy ra ở nhiều vùng nuôi thuộc khu vực đầm Ô Loan”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy An có khoảng 420ha ao hồ nuôi tôm, từ đầu vụ nuôi đến nay đã thả nuôi hơn 310ha, chủ yếu thuộc khu vực đầm Ô Loan. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang xảy ra ở nhiều xã ven đầm. Riêng xã An Ninh Tây thả nuôi hơn 32ha, nhưng đã có hơn 12ha bị dịch bệnh, nhiều hộ nuôi bị mất trắng. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân tôm chết chủ yếu là bị thân đỏ đốm trắng, hội chứng gan tụy…
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Trong 310ha đã thả nuôi, có khoảng 250ha nuôi tôm thẻ chân trắng và gần 60ha nuôi tôm sú. Tình hình bệnh trên con tôm đã xuất hiện từ tháng nuôi thứ 2, lúc đầu bệnh xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng từ 1 đến 1,5 tháng nuôi. Đến nay số diện tích nuôi tôm bị bệnh là hơn 29,5ha, trong đó diện tích mất trắng khoảng 8,5ha. Tôm bị bệnh rải rác khắp các xã, tập trung nhiều nhất ở An Ninh Tây 12ha, An Ninh Đông 6ha, An Hòa 4ha, An Hiệp 2,5ha, An Cư 5ha… Trước tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo các xã dừng thả nuôi tôm ở khu vực bị bệnh, thực hiện các biện pháp cách ly, dập dịch theo quy định”.
TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm lây lan, UBND huyện Tuy An đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện theo dõi, giám sát tình hình nuôi tôm ở các xã trong huyện, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi, củng cố các tổ cộng đồng nuôi tôm. Phòng TN-MT huyện phối hợp với UBND các xã có nuôi tôm vận động các hộ nuôi tôm bị bệnh, không được xả nước thải bừa bãi, cần xử lý nước trước khi xả ra bên ngoài. Trạm Thú y huyện chủ động phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm soát con giống trước khi thả nuôi, không cho lưu thông giống bị nhiễm vi rút và vi khuẩn gây bệnh thường gặp như vibrio parahaemolyticus, vibrio harveyi, vibrio vulnificus… nhất là những bệnh do vi rút gây ra như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, taura.
Tăng cường kiểm tra các loại chế phẩm sinh học và thuốc thú y thủy sản, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh, sử dụng các loại chế phẩm sinh học không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chế phẩm sinh học nằm ngoài danh mục cho phép. Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Tuy An đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các biện pháp tổng hợp trong công tác phòng trị bệnh tôm, có kế hoạch mở các lớp tập huấn nuôi tôm, xây dựng và phổ biến các mô hình nuôi tôm tiên tiến, phù hợp, hiệu quả cho các hộ nuôi tôm biết, vận dụng…
Ông Trần Sáu cho biết thêm: Đối với những hồ nuôi tôm đã bị bệnh, Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo các hộ nuôi phải tiến hành xử lý dịch như lấp cống cách ly với môi trường bên ngoài, tiến hành tiêu hủy tôm bằng chlorine. Những hồ nuôi sau khi bị bệnh nên chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác; trường hợp cải tạo hồ, thả lại thì phải có thời gian nghỉ ít nhất 1 tháng. Không được sử dụng thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời khi làm vệ sinh hồ nuôi, tôm bị bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản. Ngoài ra, người nuôi tôm nên thực hiện triệt để, đúng quy trình kỹ thuật nuôi và những kinh nghiệm rút ra từ những vụ nuôi trước theo hướng nuôi tôm bền vững, bảo vệ được môi trường trong ao cũng như ngoài tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Hơn nửa tháng nay, người chăn nuôi heo ở các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp phấn khởi vì giá heo hơi đã tăng thêm 100 - 200 ngàn đồng/tạ so với trước.
Gần đây, phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc - Ninh Thuận). Nhiều hộ nuôi giàu lên nhờ có kinh nghiệm trong chọn giống, chế độ chăm sóc hợp lý.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục giảm trong 1 tháng qua, khi sáng 23-8 tiếp tục mất tới 700.000 đồng so với ngày 22-8, xuống mức 37,8 - 38,3 triệu đồng/tấn.
Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển nhanh nhưng cũng chưa vụ nào ở Hòa Bình (Vũ Thư, Thái Bình) chuột nhiều như vụ này. Từ đầu vụ, Ban quản trị HTX chủ động tổ chức 3 đợt rải mồi diệt chuột bằng thuốc sinh học trên diện tích canh tác toàn xã. Các hộ nông dân nhà nào cũng chống chuột bằng cách căng nilon bao vây quanh ruộng, một số hộ kết hợp cả diệt chuột bằng thuốc tự mua, song chuột vẫn rất nhiều.
Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu cả nước nên việc thay đổi ngành Nông nghiệp, Tiền Giang không thể bỏ qua nhóm hàng này. Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), có lẽ chưa có loại nông sản nào có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng và ổn định như trái thanh long.