Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Đừng lạm dụng thuốc an thần trên heo

Đừng lạm dụng thuốc an thần trên heo
Tác giả: HỮU ĐỨC
Ngày đăng: 15/04/2016

Theo Chi cục Thú y Cần Thơ, hiện nay thuốc an thần dùng trong chăn nuôi gia súc có tên Prozil fort nằm trong danh mục thuốc được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng, nhằm điều trị cho heo nái đẻ giảm cắn heo con (khi heo con bú) hoặc dùng gây mê nhẹ trước khi phẫu thuật gia súc, gia cầm.

Loại thuốc này được khuyến cáo dùng theo chỉ định và ngưng sử dụng thuốc trước khi giết thịt 7 ngày. Trên địa bàn TP Cần Thơ cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào lạm dụng thuốc Prozil fort qua vận chuyển hay tại các lò giết mổ tập trung.

Tuy nhiên những tác hại chính của việc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ và việc lạm dụng sử dụng thuốc an thần trên heo có gây nguy hại cho người tiêu dùng? Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phú Vinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Cty CP Vemedim, nhận xét: Hiện nay qua công tác kiểm soát giết mổ, ngành thú y một số tỉnh phát hiện có tình trạng thương lái tiêm thuốc an thần Prozil fort cho heo trước khi giết mổ và cảnh báo tồn dư của thuốc trong thịt gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu về sản phẩm Prozil fort và tác động của nó, chúng tôi ghi nhận như sau: Prozil fort tên thương mại của hoạt chất Acepromazine có tác động ức chế thụ thể Dopamine chống loạn thần (Dopamine receptor D2), làm suy giảm hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, nên được sử dụng làm thuốc an thần, chống nôn ói. Vào những năm 1950-1960, Acepromazine cũng được sử dụng làm thuốc an thần cho người nhưng hiện nay chỉ được phép dùng trong thú y do có những tác dụng phụ không mong muốn.

Hiện nay hầu hết các loại thuốc an thần chuyên dùng trong thú y trên thế giới đều dùng hoạt chất Acepromazine (Acepromazine Maleate), thuốc được bào chế ở dạng thuốc tiêm hoặc thuốc viên uống. Khi dùng qua đường uống, thuốc hấp thu vào máu chỉ đạt khoảng 20% so với dùng đường tiêm bắp.

Các loại thuốc chứa Acepromazine có chỉ định chính là: Hỗ trợ việc khám chữa bệnh đối với những con vật có tính hung dữ, dễ bị kích động do thuốc có tác dụng an thần, hỗ trợ khi gây mê để phẫu thuật do làm giảm liều sử dụng của thuốc gây mê, giảm kích ứng da khi mổ khám.

Khi dùng quá liều con vật sẽ ngủ mê, thở yếu, huyết áp thấp hoặc co giật. Trường hợp thú mẫn cảm với thuốc, dù dùng theo liều chỉ định nhưng phản ứng quá mẫn có thể xảy ra như khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi … cần phải ngưng sử dụng và xử lý kịp thời. Đối với thuốc chứa hoạt chất Acepromazine sản xuất tại Việt Nam (Prozil fort) còn có thêm chỉ định là dùng giảm kích động ở heo nái khi có hiện tượng cắn con, không cho con bú. Thuốc khuyến cáo ngưng sử dụng 7 ngày trước khi giết mổ để bảo đảm không tồn dư trong thân thịt.

Như vậy việc thương lái sử dụng tiêm cho heo thịt trước khi giết mổ là sai với chỉ định của thuốc. Qua tìm hiểu, tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ, thương lái có các mục đích để heo giảm kêu la, ít bị phát hiện khi giết mổ lậu; tiêm thuốc để heo ở trạng thái lờ đờ hay ngủ mê dễ bơm nước vào bụng và để cho thịt nạc heo có màu đỏ, do thuốc có tác động làm dãn mạch, làm tăng lượng máu đến mô cơ. Các mục đích khi sử dụng thuốc an thần vừa nêu đều sai so với chỉ định của thuốc.


Lạm dụng thuốc an thần, sử dụng sai mục đích gây hại nghề chăn nuôi heo và người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Đây là hành vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì việc mổ lậu thường được thực hiện trên heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro do nhiều bệnh gia súc có thể lây sang người khi tiêu thụ thịt của động vật bệnh.

Hơn nữa việc bơm một lượng nước lớn vào dạ dày heo khi giết mổ sẽ tạo áp lực đẩy nước cùng các chất bẩn, vi sinh vật có hại từ dạ dày, ruột heo vào máu và cơ làm nhiễm bẩn thân thịt, thịt heo sẽ teo tóp giảm trọng lượng khi chế biến. Ngoài ra, việc tạo màu đỏ trong thân thịt do tác dụng phụ của thuốc cũng là hành vi gian lận vì che mất dấu hiệu thịt tái màu ở heo bệnh, heo suy dinh dưỡng.

Tuy vậy các cảnh báo hiện nay thường tập trung vào tác động của dư lượng thuốc trong thịt heo, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trong khi đó số liệu nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu phát triển Vemedim vào năm 2013 cho thấy khi dùng theo liều hướng dẫn (125mcg/kgP heo) thì sau 10 giờ lượng Acepromazine tồn lưu trong thịt tươi là 49,87mcg/kg và thịt chế biến (luộc chín) là 6,46 mcg/kg.

Các số liệu này cho nhận xét, nếu một người ăn khoảng 100g thịt/bữa ăn thì có thể nhiễm vào máu 0,128mcg Acepromazine, lượng thuốc này thấp hơn liều dùng an thần cho người đến 78.125 lần (liều ở người là 10mg/người/ngày). Do vậy những cảnh báo của thuốc an thần Prozil fort (Acepromazine) tồn dư trên thịt heo gây hại đối với người tiêu dùng như hiện nay có thể là quá trầm trọng, cần được nghiên cứu thêm.

Thạc sĩ Vinh cho rằng: Tác động có thể thấy được của hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là thịt heo dễ nhiễm vi sinh vật gây bệnh, thịt kém phẩm chất do trương nước và người tiêu dùng bị đánh lừa là thịt heo có nguồn gốc khỏe mạnh (do có màu đỏ tươi) trong khi heo có thể mắc bệnh, heo suy dinh dưỡng thịt tái màu. Do vậy việc cần thiết hiện nay là cơ quan chức năng cần tăng cường công tác Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với thương lái vi phạm trong kinh doanh.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều hợp đồng, xuất khẩu gạo tăng mạnh Nhiều hợp đồng, xuất khẩu gạo tăng mạnh

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lũy kế xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá FOB đạt 577,3 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 404,75 USD/tấn.

15/04/2016
Cả trăm trâu bò chết hạn: Di dời đàn đến nơi có thức ăn Cả trăm trâu bò chết hạn: Di dời đàn đến nơi có thức ăn

Chiều nay (14.4), ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết, huyện đang họp bàn phương án di dời đàn gia súc của nhân dân đi tránh hạn.

15/04/2016
Hỗ trợ 484 tỷ đồng khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn Hỗ trợ 484 tỷ đồng khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 484,7 tỷ đồng cho 21 địa phương và 2 Cty thủy nông trực thuộc Bộ NN - PTNT từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ ĐX 2015- 2016.

15/04/2016