Nhiều hợp đồng, xuất khẩu gạo tăng mạnh
Tiếp đà tăng trưởng của 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tháng 3 vượt kế hoạch hơn 70.000 tấn, đạt 570.000 tấn, trị giá FOB 229,5 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng 3 đã giảm hơn 2,5USD/tấn, còn 402,5USD/tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lũy kế xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá FOB đạt 577,3 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 404,75 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm nay tăng 57,7% về số lượng, tăng 51% về trị giá FOB nhưng giá bình quân giảm 17,43 USD/tấn. Hợp đồng tập trung chiếm 51,43% và hợp đồng thương mại chiếm 48,57%.
VFA nhận định, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam tới thời điểm hiển tại vẫn đang rất tích cực. So với thời điểm đầu năm 2015, xuất khẩu gạo tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016 cao hơn năm trước và cũng ở mức cao so với bình quân xuất khẩu trong quý 1 các năm. Nguyên nhân là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng cấp Chính phủ với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc. Cũng theo VFA, chưa tính các hợp đồng ký mới, lượng hợp đồng chưa thực hiện vẫn còn nhiều, khoảng 1,4 triệu tấn nên sẽ giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới. Trong số này, chủ yếu là các hợp đồng thương mại với gần 1,3 triệu tấn, phần lớn là gạo thơm, khoảng 492.000 tấn, gạo trắng 444.000 tấn và nếp 329.000 tấn.
Tuy nhiên, do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký trước và tác động của hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng nên giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất so với các nguồn cung cấp khác trong khu vực châu Á. Do đó, các doanh nghiệp lo ngại gạo Việt sẽ thiếu cạnh tranh và có thể mất thị phần đối với nhu cầu mới trong thời gian tới. VFA đề xuất Việt Nam cần xem xét lại cân đối cung cầu vì đây là nguyên nhân chính tác động giá gạo trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Loại heo từ 120 kg một con trở lên đang được thương lái đẩy mạnh thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường trong nước rất khó tiêu thụ loại heo này vì mỡ nhiều.
Đó là đánh giá của ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp về quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, được trung tâm phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 12.4.
Ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở trang trại của hộ ông Bùi Phi Khánh tại ấp 1, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài, Bình Phước) đã được khống chế và sau 22 ngày trên địa bàn không phát hiện thêm trường hợp lây nhiễm mới. Trước những tổn thất lớn về kinh tế, ông Khánh mong chính quyền và các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ để gia đình sớm khôi phục sản xuất.