Đưa Vụ Đông Thành Vụ Sản Xuất Chính
Những ngày này, nông dân huyện Đại Từ ra quân sản xuất vụ đông với khí thế nhộn nhịp và khẩn trương. Khắp các xứ đồng từ An Khánh, Cù Vân đến Cát Nê, Văn Yên, Phú Thịnh… đâu đâu cũng thấy cảnh người dân cần mẫn trên đồng ruộng. Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện đã trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động bà con nông dân gặt đến đâu, làm đất ngay tới đó với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”...
Nhà có 6 sào đất ruộng, chị Đặng Thị Anh, xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn chia thành từng khoảnh, nơi cuốc luống trồng bắp cải, chỗ dựng giàn trồng cà chua, hành lá. Khi chúng tôi đến thăm, 2 sào cà chua của gia đình chị đang chuẩn bị cho thu hoạch, 3 sào bắp cải đang xòe lá, cuốn bắp.
Nhẹ tay nâng những trái cà chua to, tròn, gác lên giàn, chị Anh cười vui: “Không tới nửa tháng nữa là chỗ cà chua này lại có mặt trên chợ huyện rồi. Khách mua bây giờ họ tinh lắm, nhìn cuống quả còn xanh, nghĩa là mới hái, còn tươi chứ không phải giấm, ủ chín bằng hóa chất họ mới chấp nhận.
Được cái giá cả, nguồn tiêu thụ ổn định nên nhà nông chúng tôi cũng yên tâm sản xuất…”. Nhẩm tính theo giá thị trường, vườn rau màu hiện tại của chị Anh cho nguồn thu tới 50-60 triệu đồng. Số tiền này quả là không nhỏ đối với mặt bằng thu nhập của bà con nông dân hiện nay.
Không riêng gia đình chị Anh, trên địa bàn huyện Đại Từ đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ chuyên canh sản xuất nông nghiệp với các loại rau màu vụ đông có giá trị hàng hóa cao cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Chủ trương đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính đã được huyện Đại Từ thực hiện gần 10 năm nay, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của bà con nông dân.
Trong thời điểm này, khi mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được tích cực triển khai thì việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện tập trung vào tăng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, ưu tiên sản xuất cây rau màu có ưu thế chế biến, có thị trường, hợp đồng tiêu thụ như dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ, cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, ớt; xây dựng và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, khuyến khích các nhóm hộ đăng ký chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau, màu…
Hai năm trở lại đây, việc liên kết các nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp, có hợp đồng thu mua sản phẩm, chế biến, tiêu thụ được huyện Đại Từ triển khai khá bài bản đã mang lại hiệu quả nhất định. Điển hình là việc triển khai nhân rộng mô hình trồng dưa chuột bao tử. Vụ xuân năm 2013, huyện thực hiện mô hình thí điểm trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu trên địa bàn xã Cát Nê với quy mô 4ha.
Theo nhận xét của đa số người dân tham gia mô hình thì cây dưa chuột bao tử cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất cát pha ở Cát Nê, dễ chăm bón, năng suất thu được từ 1-1,5 tấn/sào, thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng. Với giá thu mua của doanh nghiệp theo hợp đồng, nông dân có thể thu 6-7 triệu đồng/sào dưa, sau khi trừ chi phí thu lãi 4-5 triệu đồng/sào, gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Từ hiệu quả của mô hình này, vụ đông năm nay, huyện ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Đồng Xanh triển khai nhân rộng trên 45ha dưa chuột xuất khẩu tại các xã Cát Nê, Vạn Thọ, Ký Phú; liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Phương Đông triển khai trên 70ha tại các xã Bản Ngoại, Mỹ Yên, Phú Xuyên, Cù Vân, An Khánh, Bình Thuận, Phúc Lương, Khôi Kỳ.
Tuy nhiên, sản xuất vụ đông ở Đại Từ còn đối mặt với khó khăn như: Thời tiết diễn biến phức tạp, thiếu hụt lao động, giá cả vật tư đầu vào tăng cao… đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, mở rộng sản xuất của nông dân.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất cây vụ đông vẫn còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao bằng các ngành nghề khác nên chưa thu hút được sự quan tâm của nông dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.
Trước những khó khăn trên, cùng với tỉnh, huyện Đại Từ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho sản xuất vụ đông với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng cho các giống: ngô lai, khoai tây, bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau, đậu tương. Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trồng được gần 2.600ha rau màu, bằng 86,9% kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN-PTNN vừa tổ chức cuộc họp công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa Vũng Tàu), đồng thời lấy ý kiến của người nuôi đóng góp cho phương án di dời, bố trí sắp xếp các hộ nuôi thủy sản tại khu quy hoạch trên sông Chà Và.
Có nhiều loại thủy sản thương phẩm, thủy sản giống không rõ nguồn gốc được bày bán, lưu thông trên địa bàn Hà Nội đang là mối lo ngại của cả người nuôi trồng thủy sản (NTTS) và người tiêu dùng Thủ đô.
Ông Tu Thanh Hường (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), từ lâu đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng “sinh học” và được đánh giá là khá thành công. Khởi đầu nuôi tôm cách đây hơn 10 năm, với 1,5 ha đầu tiên, hiện nay ông mạnh dạn đầu tư và tăng dần thêm diện tích hơn 7 ha.
Với giá thành đầu ra ổn định, nuôi cá sấu thương phẩm đang là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu.
Trong 6 tháng năm 2015, thời tiết tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm, cùng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời nên sản xuất thuỷ sản trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp tục tăng khá. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 9.414,5 tấn, đạt 42,7% KH và tăng 8,1% so với cùng kỳ.