Đua trồng mắc ca, có ngày mắc... nợ!
Trồng 14 năm không ra trái
Hiện vườn cây của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có 6 ha trồng xen với cây cà phê, 4 ha trồng thuần nhưng tất cả đều rất ít trái. Những cây ước tính đạt 3 - 4 kg quả rất ít, còn lại chỉ có mấy chục trái. Ngoài ra, trái lớn bằng đầu ngón tay cũng rụng nhiều.
TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: Từ năm 2012, viện đã bắt đầu trồng thử nghiệm nhiều loại giống mắc ca trên diện tích 10 ha tại TP Buôn Ma Thuột và một số diện tích khác ở các huyện trong tỉnh Đắk Lắk. Tại diện tích trồng ở Buôn Ma Thuột, cây cho trái nhiều nhất chỉ đạt 10 kg/cây, còn những cây không ra trái hoặc cho khoảng 0,2 - 0,3 kg/cây chiếm tỉ lệ lớn.
Trong khi đó, tại huyện Krông Năng - nơi được xem có điều kiện phù hợp nhất tỉnh Đắk Lắk cho cây mắc ca sinh trưởng, phát triển - cây cũng đậu trái rất ít. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng hiện có 50 cây mắc ca trồng xen cà phê sang năm thứ 6; năm ngoái cho thu hoạch được khoảng 100 kg hạt; năm nay ra hoa rất nhiều nhưng đậu trái rất ít.
Cạnh nhà bà Thanh, vườn mắc ca của gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên được xem là mô hình điểm, thường xuyên đón các đoàn công tác về thăm nhưng thực tế cho thấy sản lượng không đạt hàng chục kg/cây như lời đồn thổi. Vườn mắc ca này ra hoa rất nhiều nhưng tỉ lệ đậu trái rất thấp. Sau khi ra trái, có những thời điểm trái rụng xanh gốc.
Theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, khí hậu Đắk Lắk nhìn chung không phù hợp với cây mắc ca. Giống cây này sinh trưởng, phát triển trong nhiệt độ lý tưởng từ 18 - 24 độ C nhưng ở Đắk Lắk nhiệt độ rất cao, chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn. Bên cạnh đó, mùa ra hoa của cây mắc ca thường trúng vào mùa gió, ảnh hưởng đến quá trình đậu trái.
Mắc ca trồng ở Đắk Lắk đã nhiều năm, có nơi trồng 14 năm rồi nhưng không ra trái. “Mắc ca ra hoa nhiều nhưng tỉ lệ đậu trái rất thấp nên chúng tôi đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng mắc ca để tránh những hậu quả về sau” - ông Thành nói.
Đừng tưởng dễ làm giàu
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk thì toàn tỉnh chỉ có 110 ha mắc ca nhưng thực tế, diện tích mắc ca đã tăng lên rất nhiều và sẽ tăng đột biến vào mùa mưa năm nay.
Tại xã Phú Lộc, nhiều hộ dân đã trồng hàng chục hecta mắc ca ngoài quy hoạch. Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết sau khi thu hoạch 50 cây trồng xen, năm ngoái gia đình bà đã trồng thêm 1.000 cây mắc ca trên rẫy. Hiện nhà bà đang phá bỏ 4 ha cao su, chờ mùa mưa xuống sẽ trồng mắc ca.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên cũng đang chuẩn bị xuống giống trên diện tích hơn 5 ha cây cao su vừa phá bỏ. Cũng theo anh Nguyên, năm nay, gia đình đã ươm hơn 20.000 cây giống nhưng không đủ bán vì trong thôn có rất nhiều người trồng mắc ca.
Theo ông Hoàng Phương, người quản lý vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thời gian gần đây có rất nhiều người đến hỏi cây giống mắc ca. Hiện vườn có hơn 40.000 cây giống nhưng đã được đặt mua hết.
Bên cạnh đó, khu vực xung quanh Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 100 cơ sở kinh doanh cây giống nhưng nhiều cơ sở “cháy hàng” mắc ca. Một chủ cơ sở trên đường Nguyễn Lương Bằng tiết lộ mặc dù chưa đến mùa mưa nhưng từ đầu năm tới nay, cơ sở đã bán được hơn 2.000 cây giống với giá 60.000 đồng/cây.
Theo TS Trần Vinh, sau hơn 10 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm cho thấy mắc ca là loại cây khó tính. Nếu chọn được loại giống tốt, trồng ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp thì chưa chắc đã thành công vì loại cây này dễ mẫn cảm với các điều kiện sinh thái thay đổi.
Về hiệu quả kinh tế, ông Vinh cho rằng đừng nên “đao to, búa lớn” gọi là “cây tỉ đô” mà hãy xem đây là loại cây nếu làm đúng sẽ cho thu nhập khá hơn cây cà phê. Chẳng hạn, nếu làm tốt, sản lượng mắc ca sẽ đạt 2 tấn/ha.
Với giá thị trường trung bình khoảng 60.000 đồng/kg, người trồng sẽ thu được khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, thu về khoảng 80 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha cà phê nếu đạt khoảng 4 tấn nhân thì thu được 160 triệu đồng nhưng chi phí đầu tư cao hơn nên người trồng chỉ lời được khoảng 60 triệu đồng.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân không vội chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca mà nên trồng xen canh vào các vườn cây để cho thêm thu nhập” - TS Trần Vinh nói.
Khuyến cáo nông dân thận trọng
Tại Đắk Nông, trước tình hình người dân ồ ạt trồng cây mắc ca, ngành nông nghiệp tỉnh đã phải khuyến cáo nông dân không được trồng đại trà. Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã quy hoạch phát triển mắc ca chỉ riêng tại huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro, sở đã khuyến cáo nông dân trồng xen canh với các loại cây nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 21-8, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phú Thọ Là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi thủy sản, ngoài 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Đà, sông Lô trên địa bàn còn nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như: Sông Bứa, sông Chảy, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me... và hệ thống hồ, đầm tự nhiên phong phú. Theo thống kê tổng diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng trũng... có thể nuôi thủy sản trên 14 ngàn ha và 16 ngàn ha diện tích mặt nước các sông, suối cho phép phát triển nuôi cá lồng.
Về ấp 2, xã Đạo Thạnh TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của chú Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch, ai cũng biết. Chú Có là người tiên phong trong mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm với lợi nhuận mỗi năm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Hàm Yên (Tuyên Quang) là huyện có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trâu ngố. Nhiều năm nay việc phát triển chăn nuôi trâu ở Hàm Yên không chỉ lấy sức kéo, mà còn tạo nên hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình.
Tin nông dân Phan Văn Hòa tạo được giống lúa thảo dược VH1màu tím lan truyền khắp cả nước. Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức giao lưu trực tuyến về giống lúa tím VH1và mời “chủ nhân” của bộ giống mới này tham gia. Tiếp sau đó, ông Hòa liên tục bận rộn bởi những cuộc làm việc, trao đổi, ký kết các hợp đồng, chương trình phối hợp chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống lúa mới này đến nhiều địa phương trong cả nước...