Đưa Khoa Học Lên Đồng Ruộng

Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Nhiều hộ nông dân trong tỉnh thử trồng trên đất nuôi tôm nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn cao nhưng đa số không thành công. Nguyên nhân này được các nhà khoa học nhận định là do đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng của vùng đất bị nhiễm mặn và độ phèn cao. Điều này làm cho cây lúa trên đất lúa - tôm chưa đạt năng suất cao như vùng ngọt hoá.
Với lòng đam mê sản xuất lúa và đặc biệt là chịu khó tìm tòi những giống mới cho đồng ruộng của mình, năm 2010, anh Mai Công Quốc đến Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cái Nước tìm được giống lúa chịu mặn Bio.
Thấy lúa cho năng suất cao nên các công ty giống liên kết với anh cung cấp giống để sản xuất thử nghiệm. Trong năm đó, 10 giống lúa sản xuất thử đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất trên 6 tấn/ha.
Năm 2011, anh Quốc nghe tin có giống BT1 ngon cơm, ngắn ngày và chịu mặn được 5‰ nên mua về sản xuất. Nhưng do triều cường dâng cao, nước mặn thấm vào vượt ngưỡng cho phép nên năng suất của các giống lúa trên thấp.
Không nản lòng, năm 2012, anh tiếp nhận của Viện lúa ĐBSCL 28 loại giống, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh 2 loại giống, Công ty Giống miền Nam 19 loại giống về sản xuất thử nghiệm với độ mặn 10‰ để kiểm nghiệm lại đặc tính giống lúa được công bố.
Trong 49 giống lúa được anh Quốc sản xuất có trên 20 giống mà Cà Mau chưa có, số còn lại đang trong giai đoạn khảo nghiệm và nghiên cứu. Theo anh Quốc, nhiều hộ dân trong ấp rất “mê” những loại giống của anh đang sản xuất.
Không những có kinh nghiệm trồng lúa trên đất nuôi tôm, anh Mai Công Quốc còn tận dụng tối đa diện tích đất trên bờ vuông trồng hoa màu. Năm 2012, anh thu hoạch vụ dưa hấu, bí đỏ, bắp được trên 13 triệu đồng; vụ tôm nuôi gần 20 triệu đồng.
Hiện tại, dưới vuông còn 5.000 con cua sắp thu hoạch, ước trên 50 triệu đồng và trên 150 kg cá bống tượng đạt trọng lượng cá thương phẩm, khoảng 60 triệu đồng. 5 năm liên tiếp anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, nhận định, anh Quốc là người đầu tiên trả lời cho câu lúa sỏi có sản xuất được trên vùng đất lúa - tôm Cà Mau hay không. Từ đó làm cơ sở để so sánh với các giống khác trên cùng điều kiện về thời tiết, đất đai và điều kiện chịu mặn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huê, Trưởng bộ môn Khảo nghiệm Viện lúa ĐBSCL, trần tình: “Anh Quốc đã giúp cho Viện thu được kết quả nghiên cứu tốt hơn, chính xác hơn cho việc tuyển chọn những giống lúa mới đạt chất lượng, năng suất, thích nghi và chịu mặn cao trên vùng đất lúa - tôm”.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 10, trung bình mỗi ngày cửa hàng chị Nguyễn Hương Giang (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) chuyển 70 - 100kg bơ ra thị trường Hà Nội tiêu thụ, với giá bán gần nhất là 105.000 đồng/kg. "Trước khách mua bao nhiêu có bấy nhiêu, nhưng giờ nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Mấy hôm nay khách đặt rất đông nhưng shop chỉ có khoảng 40 - 50kg trái bán ra", chị Giang chia sẻ.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá heo hơi ngày 26-10 dao động 49.000-52.000 đồng/kg, giảm 3.000-5.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá heo giảm do nguồn cung ra thị trường tăng lên nhanh sau khi người chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố kết quả thực hiện kế hoạch 10 tháng năm 2014 của ngành. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10/2014 ước đạt 2,28 tỉ USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 25,39 tỉ USD; tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính đến hết tháng Tám, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ đã đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tăng lên trong nhiều tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2014, trong hai tuần đầu tháng 10, giá xuất khẩu cao su trung bình tiếp tục giảm, chỉ đạt 1.500 USD/tấn, giảm 76 USD/tấn (4,8%) so với mức trung bình trong tháng 9/2014 và giảm 865 USD/tấn (36,6%) so với tháng 10/2013. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2014, ngành cao su xuất khẩu được 713.000 tấn, đạt khoảng 1,26 tỷ USD, giảm nhẹ về lượng 1,4% và giảm mạnh 26,2% về giá trị do giá giảm sâu 25,2%.