Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Những năm mới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp còn nhiều lạc hậu. Trong sản xuất lúa chỉ canh tác được giống lúa mùa năng suất thấp, thời gian gieo trồng kéo dài trên 8 tháng; cây ăn trái chỉ mang tính tự cấp; nguồn thủy sản chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên. Từ năm 1986 - 1993, với cơ chế thị trường và tính năng động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, mặt hàng cá ba sa được xuất khẩu sang Úc, Hồng Kông... tạo điều kiện cho nghề nuôi cá phát triển. Tuy nhiên ở thời điểm này, nghề nuôi cá vẫn còn mang tính tự phát, con giống lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ mang tính hộ gia đình...
Nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt, hệ thống thủy lợi nội đồng được tôn tạo, xây mới. Từ đó, sản xuất lúa từ 1 vụ/năm tăng lên 3 vụ/năm. Một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao được triển khai như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, cánh đồng lúa giống, cánh đồng 3 giảm 3 tăng, cánh đồng 1 phải 5 giảm, ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa... đã góp phần nâng cao năng suất bình quân cả năm đạt trên 6,2 tấn/ha.
Trên cây ăn trái, thành lập được vùng chuyên canh sản xuất xoài, nhãn thông qua hình thức tổ chức hợp tác xã. Từ các chương trình khuyến nông, nông dân biết ứng dụng kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt. Việc hỗ trợ ứng dụng bao trái xoài đã gia tăng tỷ lệ trái đạt loại 1 cao khoảng 80% tổng sản lượng, giảm được đáng kể chi phí sản xuất và giảm được 30% thất thoát sau thu hoạch. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nông dân sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đã tạo điều kiện cho sản phẩm xuất khẩu sang các nước có yêu cầu chất lượng nông sản cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Trong lĩnh vực thủy sản, sản xuất cá tra giống theo phương pháp nhân tạo nhằm thay thế nguồn cá giống khai thác trong tự nhiên là một thành tựu lớn. Tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển giao kỹ thuật và phát tán trên 80.000 con cá tra giống đã cải thiện di truyền được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn cá thương phẩm. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng chuyển giao quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormon MT (17 Alpha - Methyl Testosteron), quy trình sản xuất tôm càng xanh toàn đực nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và năng suất.
Thông qua công tác khuyến nông, các chương trình nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò được triển khai góp phần nâng cao chất lượng công tác giống. Nông dân đã ứng dụng vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị cho gia súc, gia cầm khi xảy ra dịch bệnh. Công tác sử dụng công nghệ cao trong chẩn đoán bệnh gia súc, gia cầm được quan tâm, các máy móc hiện đại được đầu tư giúp rút ngắn được thời gian và cho kết quả chẩn đoán chính xác, giúp công tác phòng, chống dịch bệnh được kịp thời, không để dịch lan rộng, tránh tổn thất cho người chăn nuôi và tránh được ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Hiện nay, mô hình chăn nuôi heo theo hướng GAP đã được thực hiện.
Trong thời gian qua, các thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ đã áp dụng chủ yếu được chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ các Viện, Trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vẫn chưa thực hiện nhiều do kinh phí còn hạn chế. Ngoài ra, địa phương chưa kêu gọi được doanh nghiệp hoặc công ty liên kết trong nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất bằng kỹ thuật mang tính công nghệ cao.
Nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, công tác nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ được tỉnh liên kết với các Viện, Trường thực hiện. Trong đó, tổ chức thành các chương trình: lúa gạo, cây ăn trái, hoa kiểng, nấm và rau màu, chăn nuôi, thủy sản; môi trường sinh thái, nâng cao năng lực ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã tổ chức kế hoạch kiện toàn, phát triển Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh để tạo đà phát triển nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chỉ để 700 ha là đất vườn của các hộ dân để trồng sắn, làm thức ăn cho chăn nuôi.
Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch.
Từ lâu hành tăm đã là cây trồng truyền thống của nông dân Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) nhưng nay hành tăm đang là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong vụ đông ở đây, đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè đang bước vào thu hoạch lúa thu đông sớm 2015. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến nay nông dân các địa phương đã thu hoạch khoảng 15.000 ha, đạt 17% diện tích xuống giống, năng suất trung bình 5,29 tấn/ha.
Những năm qua, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trở nên khá hơn.