Dưa Hấu Xen Vụ Rau Màu Giúp Thoát Nghèo Ở Bến Tre

Từ năm 2006, nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại - Bến Tre) được Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện mô hình “trồng dưa hấu trải bạt” trên đất giồng cát, thu hoạch đạt năng suất cao. Trong vài năm trở lại đây, nông dân trúng lớn nhờ áp dụng mô hình “dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu trên đất giồng cát.
Hàng năm, nông dân xã trồng xoay vòng 2 vụ mùa dưa hấu và từ 1 đến 2 vụ rau màu khác trên diện tích 121,1ha. Với mô hình “trồng dưa hấu trải bạt”, sau khi làm đất xong, bón lót phân và phủ bạt sẽ hạn chế nước bốc hơi, giảm số lần tưới, hạn chế cỏ dại, tránh xói mòn đất và hạn chế sâu rầy hại dưa. Từ đó, mô hình này làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi vụ dưa hấu, nông dân thu hoạch được từ 2,5 - 3,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/công đất. Người dân còn trồng xen vụ dưa hấu với các loại rau màu khác như: đậu phộng, củ cải, củ sắn. Mỗi công đất trồng rau màu, sau khi trừ chi phí, các hộ dân thu lãi từ 10 - 20 triệu đồng/công đất/vụ. Đặc biệt trồng đậu phộng vừa thu được lợi nhuận, vừa giữ độ phì cho đất.
Nhờ áp dụng thành công mô hình dưa hấu phủ bạt xen với trồng màu, nhiều hộ nông dân xã Thừa Đức thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Dẩu, ấp Thừa Lợi. Với 3 công đất trồng dưa hấu trải bạt, bước vào vụ mùa dưa thuận (tháng 11 xuống giống, tháng 3, 4 thu hoạch), ông bán được 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 40 triệu đồng. Vụ dưa nghịch (từ tháng 8 đến tháng 11), ông cũng thu về được 30 triệu đồng/3 công đất. Sau 2 vụ dưa, ông trồng luân canh 1 vụ đậu phộng hoặc bắp, mỗi vụ ông thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Ông cho biết: “Trước đây, trồng dưa hấu theo kinh nghiệm, phân bón, hạt giống chưa được cải tiến nên năng suất không cao. Gần đây, được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, nên sản lượng cao gấp nhiều lần so với trước”.
Ông Đào Văn Ra, ấp Thừa Lợi, cho biết, ông trồng dưa hấu luân canh rau màu trên đất giồng. Vụ vừa rồi, với 5 công đất giồng, ông thu hoạch trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi 70 triệu đồng. Ông trồng xen bắp, mỗi vụ rau màu ông thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng. Ông mua thêm 14 công đất giồng, lo cho con cháu ăn học đầy đủ, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, nhờ áp dụng thành công mô hình trồng dưa hấu trải bạt luân canh rau màu và nhờ tính siêng năng, cần mẫn, nhiều hộ nông dân khác trong xã đã phát triển kinh tế gia đình, như: ông Võ Văn Lộc, ông Võ Văn Hùng ở ấp Thừa Lợi, ông Nguyễn Văn Nhẫn ở ấp Thừa Trung.
Ông Phạm Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức cho biết: “Trong những năm qua, từ mô hình “Trồng dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu khác trên đất giồng cát, bà con nông dân xã Thừa Đức rất phấn khởi vì được mùa lại được giá. Hướng tới, chính quyền xã khuyến khích nông dân tiếp tục trồng xen vụ các loại rau màu, tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhằm giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.

Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.

Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.