Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dưa hấu Quảng Bình cũng chết

Dưa hấu Quảng Bình cũng chết
Ngày đăng: 06/05/2015

Tại Nông trường Việt Trung, trên diện tích cao su giao khoán cho các hộ công nhân chăm sóc, khi cây cao su chưa khép tán, một số hộ đã thuê lại đất để trồng dưa hấu.

Mấy năm đầu trồng dưa mang lại nguồn thu lớn nên nhiều hộ xung quanh đã đua nhau mở rộng diện tích. Người ít thì 1ha, người nhiều nhất cũng phải 3 - 3,5ha.

Vụ dưa năm 2015, chỉ riêng thị trấn NT Việt Trung có hơn 220ha dưa hấu, tập trung tại các tiểu khu Hữu Nghị, Sao Vàng, tiểu khu 1, tiểu khu 2… Diện tích thu hoạch đợt 1 đã bắt đầu vào kỳ rộ, người trồng dưa như ngồi trên đống lửa. Bởi đầu ra bế tắc, mặc dù đang nắng nóng, nhu cầu tăng cao.

Tiếp chúng tôi trong cái nắng đầu hè oi bức, anh Nguyễn Hữu Dũng, một hộ trồng dưa tại tiểu khu Hữu Nghị nhìn ruộng dưa đang chín, thở dài: “Mấy ngày nay, tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm người mua nhưng ở đâu thương lái cũng chỉ trả giá 3.500đ/kg, loại dưa có trọng lượng trên 1,5kg/quả.

Không ngờ giá dưa năm nay lại thấp đến vậy, bằng một nửa so với năm trước (giá năm ngoái trung bình từ 7.000đ- 8.000đ/kg)”.

Những vụ dưa trước có lúc giá tới 9.000đ/kg, nên người trồng dưa chỉ cần làm 1 ha với năng suất thu đợt 1 khoảng 20 tấn/ha; đợt 2 thêm 12 tấn/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi trên dưới 80 triệu đồng/ha. Năm nay, chẳng những không có lãi, mà nguy cơ thua lỗ đang hiện hữu.

Ông Nguyễn Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn NT Việt Trung cho rằng, do bà con đua nhau trồng dưa hấu theo phương thức tự trồng, tự bán, nên khi thị trường biến động thì phần thiệt hại bao giờ cũng đổ lên đầu nông dân. Hội cũng đang tìm mọi biện pháp để giúp bà con tiêu thụ, nhưng không đơn giản chút nào.

Đang loay hoay gom dưa giao cho thương lái, Nguyễn Văn T, một “cò” dưa phân bua: "Năm nay phía bên kia cửa khẩu không ăn hàng mạnh như mọi năm, nên thương lái cũng không mặn mà.

Họ bảo mấy chuyến buôn dưa trước, phía đối tác lựa từng quả nên có chuyến chỉ bán được một nửa xe, còn lại phải quay ngược lại các chợ ở Hải Dương, Thái Bình bán rẻ nên lỗ nặng".

Nhiều hộ dân gắn bó với nghề trồng dưa lâu năm tại đây cho biết, chưa bao giờ thấy giá dưa hấu lại rớt thê thảm như năm nay. Trên ruộng, dưa đang chín dần, thời tiết lại nắng nóng, không thu hoạch sớm dưa sẽ thối nhanh.

Vừa cân xong 35 tấn dưa cho thương lái, anh Lê Văn Việt, một hộ trồng dưa ở tiểu khu Sao Vàng thở dài ngao ngán: “Vụ dưa năm nay do thiếu nước tưới lại bị mối và sâu bệnh tấn công nên quả dưa không to như mọi năm, năng suất đợt 1 chỉ đạt bình quân 15 tấn/ha.

3ha dưa của gia đình tôi chỉ thu hoạch được hơn 35 tấn, thương lái chỉ chọn được 70% số quả đủ tiêu chuẩn, 30% còn lại bị loại. Giá dưa năm nay thấp, chỉ 3.500đ/kg nên làm 3 ha dưa khiến nhà tôi bị lỗ nặng”.

Anh Việt cho biết, năm nay gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng mua phân bón, giống, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, thuê nhân công, với hơn 4 tháng ăn ngủ ngay tại ruộng, thế mà  hết vụ vẫn mang nợ ngân hàng.

Hiện nhiều hộ trồng dưa tự cứu mình bằng cách thuê xe vận tải nhỏ đưa dưa hấu đến các chợ đầu mối như chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới hay các chợ nhỏ trong vùng để tự tiêu thụ. Trên các tuyến đường QL1, đường liên huyện, liên xã, các sạp dưa bày bán la liệt...


Có thể bạn quan tâm

Xử lý nghiêm việc dùng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi Xử lý nghiêm việc dùng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm trong thời gian tới.

19/11/2015
Cây cao su lao dốc Cây cao su lao dốc

Cuộc hội thảo “Cây cao su: Minh bạch giải trình và phát triển bền vững do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam phối hợp với Liên minh Đất rừng, tìm ra giải pháp để ngành cao su cần đổi mới.

19/11/2015
Tìm giải pháp cứu cây cao su Tìm giải pháp cứu cây cao su

Ngày 17.11, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam phối hợp với Liên minh Đất rừng (FORLAND) tổ chức hội thảo “Cây cao su: Minh bạch, giải trình và phát triển bền vững”.

19/11/2015
Nơm nớp với dịch tai xanh Nơm nớp với dịch tai xanh

Gặp anh Tám Duy Trung (Duy Xuyên), chưa hỏi tình hình sức khỏe ra răng, anh vội than cái nghề chăn nuôi heo quá lận đận. Hết lo giá bán sản phẩm tụt giảm thì lại sợ dịch bệnh bùng phát.

19/11/2015
Vùng rau quả hối hả xuống vụ Vùng rau quả hối hả xuống vụ

Những ngày này, trên khắp cánh đồng rau quả Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) và vùng phụ cận, nông dân đang hối hả làm đất, xuống giống cây trồng nhằm kịp thời cung cấp rau quả vụ đông cũng như đón đầu đợt khan hàng dịp cận tết.

19/11/2015