Dưa Hấu Mất Mùa, Mất Giá Người Trồng Lao Đao
Giá dưa hấu rớt thê thảm khiến nhiều nông dân xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phải điêu đứng. Hiện giá dưa chỉ còn 2.300-2.700 đồng/kg (thời điểm này năm ngoái là 5.700-6.700 đồng/kg).
Dạo qua các khu vực trồng dưa hấu xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, chúng tôi thấy nông dân tất bật dọn ruộng dưa để chuẩn bị mùa vụ mới. Nhiều nông dân đang băn khoăn, không biết nên chọn trồng loại cây gì trong vụ mới vì vụ đông xuân 2013-2014 có nhiều loại nông sản rớt giá, kể cả dưa hấu mà họ đã trồng.
Những năm qua, xã Mỹ Quý là địa phương trồng dưa hấu nhiều và đạt chất lượng, nhưng vụ đông xuân vừa qua, nông dân thất thu.
Ông Thái Quốc Tiến ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý cho biết: “Nông dân trồng dưa hấu năm nay bị thua lỗ nặng, nhiều người phải nợ tiền phân bón, một số hộ thì để dưa ngoài do không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch.
Năm trước, với 13 công đất trồng dưa hấu, gia đình tôi thu hoạch được gần 45 tấn dưa, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Còn năm nay, chi phí sản xuất trên 100 triệu đồng nhưng hiện thu lại chưa tới 60 triệu đồng. Giá dưa năm nay xuống quá thấp, giảm khoảng 30-40% so với năm trước”.
Anh Trần Minh Hiếu - người trồng dưa hấu lâu năm ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý cho biết: “Vợ chồng tôi đầu tư trồng gần 9.000m2 dưa hấu với số tiền trên dưới 90 triệu đồng. Đến ngày thu hoạch, giá dưa xuống quá thấp chỉ thu lại được chút ít, chẳng thể bù lại được tiền giống nói chi đến tiền lời”.
Ngoài giá dưa xuống thấp, nhiều nông dân trồng dưa hấu cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều ruộng dưa bị bọ trĩ cùng một số loài sâu hại khác tấn công.
Ông Châu Cẩm Hồng ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý nói: “Đầu vụ, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, dịch bệnh phát sinh gây hại nên năng suất dưa hấu năm nay giảm hẳn. Đang vào chính vụ thu hoạch mà năng suất chỉ đạt 3-4 tấn/ha, giảm gần 40% so với vụ trước.
Ngoài ra, nắm bắt tình hình người trồng dưa đang gặp khó trong đầu ra, một số thương lái tận dụng thời cơ thu mua dưa với giá rất rẻ, nhưng nếu nông dân không “bán đổ, bán tháo” thì tình cảnh còn khó khăn hơn. Những người có diện tích dưa không bán được cho thương lái thì hái mang ra bán lẻ ở ven đường hay chở đi các chợ ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh để bán”.
Theo bà Hồ Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý, giá dưa năm nay thấp hơn mọi năm một phần là do thị trường dưa xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không còn như các năm trước, trong khi đó, thị trường nội địa chủ yếu là các tỉnh miền Bắc và TP.Hồ Chí Minh lại đang “im ắng”. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thường của giá dưa trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Lương Hòa (Giồng Trôm) thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1962, ở ấp Phong Điền, thí điểm thành công mô hình trồng dưa gang, đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng gần 100 hộ dân tham gia HTX Sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) vẫn kiên trì theo đuổi và từng bước khẳng định được thương hiệu rau an toàn của địa phương mình.
Thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) là thôn thuần nông, có hơn 95% dân số là người dân tộc Cao Lan. Trước năm 1999, thôn có số hộ nghèo nhiều nhất xã với hơn 55% tổng số hộ. Hơn 10 năm qua, bà con đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành, đa nghề. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Năm 2013, toàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) trồng được 111,27 ha ớt chỉ thiên xuất khẩu. Năng suất đạt 76 tạ một ha được tính là cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng đạt 855,5 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Hiện nay trung bình mỗi kg ớt tươi được tư thương mua với giá 15 đến 20 ngàn đồng. Nhận thấy tiềm năng cây ớt xuất khẩu, huyện Chi Lăng đã xây dựng đề tài khoa học trồng và phát triển cây ớt tạo thành vùng hàng hóa.
Thượng Giáp là một trong 8 xã phía Bắc của huyện vùng cao Nà Hang, có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu trong xã luôn duy trì từ 720 - 800 con; đàn bò từ 250 - 300 con, bình quân mỗi hộ dân trong xã nuôi từ 2 - 3 con trâu, bò.