Đưa Giống Cá Dễ Nuôi, Ít Bệnh, Mau Lớn Về Tánh Linh (Bình Thuận)
Từ hiệu quả thực tế mang lại ở nhiều địa phương, có thể khẳng định cá rô đầu vuông là loại cá có giá trị kinh tế bởi đặc tính của nó: “dễ nuôi, ít bệnh, mau lớn”…
Do đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng Tánh Linh đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá đầu vuông trên địa bàn huyện.
Với tên gọi “Ứng dụng tiến bộ KHCN, xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn xã Bắc Ruộng - huyện Tánh Linh”, đề tài chính thức khởi động từ tháng 9/2013.
Sau thời gian khảo sát, đơn vị chức năng đã thống nhất chọn hộ ông Cáp Kim Thành, ngụ tại địa phương và có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản tham gia mô hình với diện tích ao nuôi khoảng 1.000 m2.
Từ đây, việc cải tạo ao theo đề cương xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu vuông nhanh chóng xúc tiến, tiếp đó 20.000 con cá giống (mua tại Bình Dương) được thả nuôi.
Cán bộ kỹ thuật mô hình này cho biết: Công đoạn chuẩn bị ao nuôi là khâu quan trọng nhất, cần xử lý kỹ việc dọn bùn dơ, phơi nắng, cày xới nền đáy… sẽ tiêu diệt cá tạp, rắn nước và giữ sạch vệ sinh môi trường.
Trong thời gian thực hiện mô hình, giống cá rô đầu vuông được đưa về nuôi tại huyện miền núi Tánh Linh sinh trưởng khá tốt, nếu cho ăn đầy đủ có thể đạt trọng lượng đến 200g/con chỉ sau 4 - 5 tháng.
Ngoài ưu điểm “dễ nuôi, ít bệnh, mau lớn”, loại cá này còn đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người tham gia mô hình…
Vừa qua, đề tài này đã được các đơn vị chức năng và địa phương tiến hành nghiệm thu tại thực địa, đồng thời đánh giá giống cá rô đầu vuông thích nghi tốt với điều kiện môi trường nơi đây.
Với tỷ lệ hao hụt khoảng 14%, lượng cá còn lại trong ao nuôi khoảng 17.200 con có trọng lượng bình quân đạt 200g/con thì mô hình đem lại thu nhập cho hộ nuôi hơn 110 triệu đồng (xuất bán với giá 32.000 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn xã Bắc Ruộng - huyện Tánh Linh tạo nguồn thu nhập hơn 35 triệu đồng trong 6 tháng nuôi, tương đương gần 6 triệu đồng/tháng.
Từ thành công bước đầu, giống cá “dễ nuôi, ít bệnh, mau lớn” đã gợi mở cho địa phương về mô hình nuôi trồng thủy sản mới, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập và tận dụng được thời gian nông nhàn. Với tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đề tài nuôi cá rô đầu vuông được kiến nghị tiếp tục nhân rộng, đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Dù vậy khi triển khai, địa phương cần phối hợp cùng các hộ nuôi tiến tới thành lập nhóm liên kết nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm để đảm bảo mô hình đem lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó còn phải tính đến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo sự an tâm cho bà con mạnh dạn đầu tư quy mô và gắn bó lâu dài với giống cá rô đầu vuông.
Có thể bạn quan tâm
Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.
Chỉ với diện tích 1 sào mặt nước, anh Lê Thanh Tịnh ở thôn Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh đã đầu tư sản xuất mang lại thu nhập trên 230 triệu đồng/vụ. Cách làm của anh mới, dễ áp dụng và gần gũi với bà con ngư dân, đó là nuôi ốc hương thương phẩm trong ao đất.
Ngày 15-6, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cá dìa, kình nuôi xen ghép trên phá Tam Giang bị chết là do năm 2012 thời tiết không xảy ra mưa lũ nên các ao, hồ trước khi thả nuôi con giống không được rửa sạch; nắng nóng kèm theo mưa giông những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng gây hại sinh sôi. Ngoài ra, các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15-20 con/m², trong khi quy định cá dìa, kình thả 2 con/m² khiến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh.
Thông tin từ các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau một thời gian dài thịt heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33 – 34 ngàn đồng/kg, khoảng 10 ngày trở lại đây, giá heo trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại, lên mức từ 37 – 40 ngàn đồng/kg, tăng từ 3 – 5 ngàn đồng/kg.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), hiện toàn huyện có khoảng 700 ngàn con gà, giảm gần 500 ngàn con so với cùng kỳ năm ngoái. Số gà này được nuôi chủ yếu theo hình thức trang trại gia công cho các công ty.