Du lịch vườn mùa trái chín

Đồng Nai được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển du lịch vườn, và thực tế hiện nay một số doanh nghiệp (DN), đơn vị đang đầu tư khai thác tiềm năng du lịch gắn với các vườn cây ăn trái, hoạt động nông nghiệp.
* Ăn theo du lịch hè
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, tiểu thương bán trái cây tại bến xe Long Khánh, nhận xét: “Khu vực này như là chợ đầu mối trái cây của Đồng Nai chuyên cung cấp nguồn hàng đi khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Tuy hoạt động quanh năm, nhưng chợ thường tấp nập nhất vào mùa trái cây hè vì chủng loại mặt hàng đa dạng và rất đông du khách ghé chợ mua trái cây tươi về làm quà”.
Ông Trương Thành Thông, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lê Hoàng (TX.Long Khánh), cho biết: “Trạm dừng chân Lê Hoàng được khách biết tiếng nhờ gian hàng chuyên bán các loại đặc sản trái cây hè, như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... Không chỉ khách Việt mà nhiều đoàn du khách nước ngoài cũng ghé trạm để thưởng thức và mua trái cây tươi vừa được hái trong vườn nhà. Từ nhu cầu của khách, chúng tôi nhập thêm trái cây từ các vùng khác về bán quanh năm chứ không chỉ tập trung vào vụ trái cây hè như trước”. Đây cũng là mùa đội ngũ bán trái cây hoạt động sôi nổi nhất. Điểm tập kết của họ thường là khu vực cây xăng, trước các trạm dừng chân hoặc đứng dọc đường chờ khách ghé mua. Trái cây được họ chở bằng xe đạp, xe máy, đóng sẵn thành bịch mang lên tận nơi bán cho khách đang ngồi trên xe.
Không chỉ được bán tại chỗ, hè về, trái cây Đồng Nai còn góp mặt tại nhiều lễ hội, khu du lịch. Bà Phạm Thị Tố Nga, chủ vựa trái cây Nga Huy (TX.Long Khánh), vui vẻ thông báo: “Hơn 1 tuần tham gia lễ hội Trái cây Nam bộ năm 2015 tại Khu du lịch Suối Tiên, trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 20 tấn trái cây ngon của Long Khánh, như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, ổi, mít... Có ngày, trái cây hết sớm vì khách mua quá đông. Từ khi Suối Tiên tổ chức lễ hội này, năm nào tôi cũng tham gia bán hàng, quảng bá các loại đặc sản trái cây Đồng Nai và luôn được du khách ủng hộ nhiệt tình”.
* Khai thác du lịch vườn
Nhiều năm nay, các vườn cây ăn trái ở TX.Long Khánh, Xuân Lộc... luôn là điểm hẹn lý tưởng của những nhóm bạn trẻ đi chơi hè. Tuy nhiên, mô hình du lịch vườn của Đồng Nai vẫn chủ yếu theo hướng tự phát mà chưa được đầu tư, khai thác một cách chuyên nghiệp, bài bản. Tuy nhiên, hiện nay một số DN, đơn vị trong ngành du lịch bắt đầu quan tâm khai thác tiềm năng của mô hình du lịch ngày càng hút khách này.
Với lợi thế có những vườn nhãn, chôm chôm, cam, quýt... rộng hơn 10 hécta đang cho thu hoạch, Khu du lịch Thác Đá Hàn (huyện Trảng Bom) khai thác mô hình du lịch nhà quê để thu hút khách. Đại diện khu du lịch này cho biết: “Hè này, chúng tôi tổ chức các chương trình cắm trại, dã ngoại để thu hút đối tượng khách học sinh, sinh viên. Các bạn trẻ thành phố có thể về đây trải nghiệm và học cách trồng cây, làm vườn, câu cá suối... Chúng tôi có khu nhà tre lá, tái hiện lại cảnh chợ quê chuyên bán những món quà quê, rau trái được trồng ngay trong khuôn viên khu du lịch”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phước, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp Xanh (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), đơn vị đã liên kết được một số DN trong ngành dịch vụ, du lịch tại TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu phát triển mô hình dịch vụ, du lịch vườn. Hiện hợp tác xã đang mở rộng thu hút thêm xã viên và DN tham gia đầu tư. Trước mắt, hợp tác xã đang hỗ trợ nông dân cải tạo cảnh quan của vườn cây ăn trái, vườn cây công nghiệp... Dự kiến năm 2016 mô hình này bắt đầu đưa vào khai thác.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, giá cao su xuất khẩu liên tục sụt giảm, diễn biến thất thường, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới 30 triệu đồng/tấn, chưa bằng một phần tư giá năm 2011.

Vừa qua, có thông tin nông dân trồng tiêu đang trữ tiêu quá nhiều chờ giá cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến thời điểm này, nông dân trồng tiêu đã bán đi khá nhiều. Lượng tiêu do dân trữ lại không còn nhiều.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.