Một mình chăm sóc 800 gốc bưởi
Việc tưới phân, phun thuốc cho 800 gốc bưởi chỉ cần ông Cơ nhấn nút là tự động thực hiện, vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công, vừa tiết kiệm tối đa phân, thuốc...
Nhờ các sáng chế, vườn bưởi gia đình ông Cơ đạt năng suất vượt trội. Ảnh: Trần Trung.
Học hết lớp 5, sáng tạo máy phun tự động
Đến thăm 800 góc bưởi da xanh, bưởi Tân Triều vừa đẹp, vừa cho năng suất cao của gia đình ông Nguyễn Văn Cơ (SN 1958) ở xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương, ít ai ngờ rằng tất cả các khâu chăm sóc vườn chỉ mình ông đảm nhiệm.
Đặc biệt, ông còn được người dân trong vùng gắn cho biệt danh “kỹ sư chân đất” bởi những sáng chế ông làm ra có tính ứng dụng cao vào thực tiễn và được áp dụng rộng rãi.
Thiết bị điều phối nước hòa hợp cùng hệ thống tưới tự động. Ảnh: Trần Trung.
Ông Cơ cho biết, trong làm vườn, công đoạn bón phân và xịt thuốc là tốn công và thời gian nhất. Ngoài ra, việc tưới đủ nước, bón đủ phân là yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả.
Từ suy nghĩ đó, ông đã mày mò sáng chế ra như máy trộn phân kết hợp bộ điều phối nước hòa hợp cùng hệ thống tưới tự động, chỉ cần bật công tắc điện là mọi thứ tự vận hành. Từ đó, 2 khâu quan trọng nhất được giải quyết nhanh gọn, thời gian còn lại ông chỉ làm những công việc đơn giản khác để chăm sóc vườn.
Ông Trịnh Minh Thành - Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát cùng các xã viên vận hành thử nghiệm thiết bị điều phối nước hòa hợp cùng hệ thống tưới tự động do ông Cơ sáng chế. Ảnh: Trần Trung.
Bắt đầu tư việc nhằm giảm bớt chi phí chăm sóc vườn bưởi, ông Cơ đã đầu tư hệ thống tưới tự động.
Tuy nhiên nhận thấy hệ thống tưới chỉ thực hiện mỗi việc cung cấp nước cho cây trồng thì quá lãng phí, qua xem ti vi, ông thấy quảng cáo thiết bị Venturi có khả năng hút được nước từ trạm bơm hòa cùng hệ thống tưới tự động đang vận hành.
Nhận thấy thiết bị này gần với ý tưởng mình đang trăn trở, ông cùng đứa cháu làm nghề cơ khí bắt tay vào sáng chế thiết bị.
Người dân từ các địa phương khác đến tận HTX để chứng kiến công đoạn lắp ráp vận hành thiết bị điều phối nước hòa hợp cùng hệ thống tưới tự động. Ảnh: Trần Trung.
Dựa trên nền tảng thiết bị Venturi khi dòng nước di chuyển qua có chênh lệch về áp suất thì một lực hút chân không sẽ được sinh ra, có thể hút những vật chất khác ở phía dưới lên hòa theo hướng di chuyển của dòng chảy.
Càng có sự chênh lệch lớn về áp suất thì lực hút sẽ càng mạnh và ngược lại. Lợi dụng điểm này ông Cơ đã áp dụng cho việc hút phân hoặc các chất dinh dưỡng, thuốc BVTV hòa vào dòng chảy tới các địa điểm cần tưới.
Tuy nhiên khi vận hành thiết bị lại bộc lộ nhiều bất cập như: thiết bị này chỉ phù hợp với địa hình tương đối bằng phẳng, đối với địa hình gập ghềnh, đồi núi thì hiệu quả không cao.
Ngoài ra, mỗi thiết bị bơm nước có nguyên lý hoạt động khác nhau, hệ thống tưới tự động mỗi nhà vườn làm theo một kiểu. Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để thiết bị có thể phù hợp với mọi yêu cầu thực tiễn đề ra.
Ông Cơ vận hành thiết bị điều phối nước hòa hợp cùng hệ thống tưới tự động. Ảnh: Trần Trung.
“Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân, điều kiện khó khăn nên chỉ được học hết lớp 5. Công việc nhà nông khá vất vả, khi còn thì làm được mọi việc nhưng giờ đã ngoài 60 nên nếu không sáng chế ra các trang thiết bị nông cụ hỗ trợ, có lẽ 4ha đất cha mẹ để lại giờ này đã hoang hóa rồi”, ông Cơ chia sẻ.
Sau 3 tháng “đập đi làm lại” nhiều lần, cuối cùng sản phẩm đầu tiên cũng ra lò khắc phục mọi nhược điểm.
Ông Cơ cho biết, tất cả hệ thống đều được làm bằng ống nhựa, chỉ cần thay đổi kích cỡ ống nhựa cho phù hợp với từng loại địa hình thì thiết bị sẽ tương thích và vận hành tốt.
Ngoài ra, ông còn trang bị thêm hệ thống ống dẫn nước, hệ thống van khóa và van xả, các thiết bị đấu nối với hệ thống tưới tự động bằng ren để thuận tiện cho lắp đặt và phát huy tối ưu công năng khi hoạt động.
Chưa dừng lại ở đó, khi thiết bị đã vận hành thành công, một số vấn đề mới lại phát sinh.
Theo đó, chất dinh dưỡng hoặc thuốc BVTV khi đưa vào hệ thống thì thiết bị vận hành trơn tru, nhưng khi đưa phân dạng thô vào là toàn bộ hệ thống bị ngưng trệ.
Từ đó đặt ra bài toán cần phải xử lý phân thành dạng lỏng trước khi đưa vào hệ thống tưới. Thế là hai ông cháu lại tiếp tục mày mò nghiên cứu…
Dựa trên tính năng của máy bơm nước là hút và xả nước, ông đã thiết kế thêm thiết bị tạo dòng nước đối lưu gắn vào bộ phận xả nước của bơm với nguyên tắc đối đầu nhau và được đặt sát đáy của bể nước.
Khi bơm hoạt động, thiết bị sẽ tạo ra dòng đối lưu để đẩy phân từ dưới đáy bể lên phía trên, đẩy nhanh tiến độ hòa tan phân vào trong nước. Nhờ thiết bị này, người sử dụng tránh được nguy hại khi không phải tiếp xúc trực tiếp với phân, thuốc nhiều lần.
Đặc biệt, trong số thiết bị ông tạo ra, thiết bị tâm đắc nhất của ông là hệ thống phun thuốc BVTV đồng bộ với hệ thống tưới.
Ông Cơ cho biết, qua một lần đi rửa xe, ông phát hiện nguyên lý hoạt động của hệ thống dây ống và béc phun nước của máy rửa xe có thể đồng bộ hóa với hệ thống tưới phân hiện có.
Nghĩ là làm, ngay khi về tới nhà, ông đã lắp đặt thử một đoạn dây ống và béc phun nước vào hệ thống tưới, không ngờ kết quả đạt được ngoài mong đợi, nước bắn ra từ đầu béc không khác gì so với ông phun thuốc bằng bình đeo vai hay phun từ máy cày.
Đăng ký bản quyền, cung cấp cho nông dân
Nếu trước đây, mỗi lần bỏ phân hay phun thuốc, gia đình ông Cơ phải thuê 4 nhân công với giá 300 nghìn đồng/ngày (thực hiện trong vòng 1 tuần), trung bình mỗi năm ít nhất thực hiện 8 lần, chi phí ngót nghét trên 50 triệu đồng.
Ngoài ra, phân thuốc mỗi ngày một tăng giá, số lượng phân, thuốc bị hao hụt rất nhiều, cây cối chẳng hấp thụ được bao nhiêu, nhưng từ ngày có hệ thống phun tự động, ông dễ dàng điều chỉnh về hàm lượng, lưu lượng cũng như tốc độ tưới qua hệ thống tưới.
Đặc biệt, các trang thiết bị dễ dàng lắp đặt và vận hành, chi phí cũng như giá thành lắp đặt không đắt đỏ. Các công đoạn bảo quản và bảo dưỡng thiết bị cũng đơn giản và tiện lợi.
Nếu như một bộ trang thiết bị tương tự trên thị trường có giá vài chục triệu đồng, thì thiết bị của ông Cơ làm ra chỉ mất vài triệu đồng, trong khi hiệu quả mang lại cao hơn hẳn.
Nhờ áp dụng các sáng chế, tết vừa rồi với 800 góc bưởi, gia đình ông Cơ thu hoạch trên 100 tấn (năng suất tăng 20% so với chưa áp dụng các sáng chế), sau khi trừ chi phí thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Được biết, ông Cơ là thành viên của HTX Nông nghiệp – dịch vụ Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương). Hiện toàn bộ 24 xã viên của HTX với diện tích 100 ha đất canh tác các loại cây ăn quả đều áp dụng mô hình tưới của ông Cơ.
Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX, cho biết: “Các sáng chế của ông Cơ không chỉ giúp bà con giảm được chi phí và giá thành sản xuất, mà còn bảo vệ được sức khỏe do hạn chế tiếp xúc với phân, thuốc.
Hiện các sáng chế này được HTX làm thủ tục để được Sở KH - CN Bình Dương cấp đăng ký bản quyền, sau đó HTX sẽ xây dựng nhà xưởng để sản xuất đại trà các thiết bị phun tưới, mang đến cho người dân sản phẩm uy tín, chất lượng với giá cả phù hợp...”.
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Đức Mạnh (20 tuổi, thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã khởi nghiệp bằng việc nuôi cá Koi (cá chép Nhật), mỗi năm thu hơn 500 triệu
Nhiều năm trồng lúa chỉ đủ ăn, một nông dân ở xã Thạnh Trị (Kiến Tường, Long An), đã chuyển sang trồng chanh, tắc và đổi đời nhờ 2 loại cây mới này.
Liên kết trồng dưa lưới, người trồng không phải lo bao tiêu sản phẩm, được tư vấn kỹ thuật trồng, được mua vật tư sản xuất trả chậm, lợi nhuận đạt 2,4 tỷ đồng/h